Thị trường băn khoăn trước các lựa chọn "bắt đáy"
Thêm một lần thị trường "gục ngã" trước mốc 1.300 điểm
Ông Nguyễn Thế Minh Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam |
Ông Nguyễn Thế Minh cho biết, tuần vừa rồi, chỉ số VN-Index đã giảm điểm khá mạnh sau khi căng thẳng tỷ giá quay trở lại. Giá bán USD tại các ngân hàng đã tiến sát hơn tới đỉnh cao 25.500 VND/USD. Một lần nữa thị trường lại gặp áp lực ngắn hạn, chỉ số lùi về gần 1.250 điểm khi tỷ giá khiến nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng trong tuần qua.
Còn ông Đoàn Minh Tuấn, Trưởng phòng nghiên cứu FIDT cho biết, tuần qua là tuần giảm mạnh nhất của VN-Index trong hơn 3 tháng (kể từ tuần 24.06 – 28.06). Có thể nói, kịch bản VN-Index điều chỉnh mạnh chỉ trong 1 tuần là rất bất ngờ và mang đặc tính “Frontier market” của thị trường Việt Nam, “tăng – giảm” quyết liệt và khó đoán trong ngắn hạn.
FIDT quan sát thấy hiện tượng bán tháo và hoảng sợ với khối lượng lớn kể từ khi VN-Index xuyên thủng vùng 1.280 – 1.300. Nói cách khác, thị trường giảm mạnh không chỉ vì bối cảnh vĩ mô rủi ro, mà còn từ các yếu tố kỹ thuật như lượng short ròng phái sinh rất lớn từ tự doanh và dòng tiền đầu cơ khu vực 1.280 – 1.300 ồ ạt cắt lỗ cuối tuần qua. Đặc biệt là áp lực giảm mạnh từ nhóm ngân hàng và nhóm VIN (VIC, VHM, VRE) gây áp lực tâm lý lớn.
Nỗi lo về tỷ giá lại đã xuất hiện trong một vài tuần trở lại
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân, Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhắc lại quan điểm về câu chuyện tỷ giá, đó là chúng ta thực tế vẫn đang chịu "một cổ hai tròng" là lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cao và đồng USD mạnh.
Do chênh lệch lợi suất trái phiếu giữa Mỹ và Việt Nam vẫn dương kể từ năm 2023 nên việc nắm giữ đồng USD vẫn có lợi hơn so với VND. Sau đợt hạ nhiệt do FED hạ lãi suất, hiện lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã tăng trở lại do những câu chuyện riêng của nền kinh tế Mỹ và liên quan đến bầu cử tổng thống.
Ngoài ra, là yếu tố mùa vụ liên quan đến nhu cầu thanh toán USD cuối năm để thanh toán nguyên vật liệu và từ các khoản nợ công.
Ông Đoàn Minh Tuấn Trưởng phòng nghiên cứu FIDT |
Trong khi đó, ông Đoàn Minh Tuấn, Trưởng phòng nghiên cứu FIDT cũng đánh giá tỷ giá chịu sức ép lớn. NHNN cũng có những biện pháp mạnh tay từ việc hút hơn 50.000 tỷ đồng trên OMO và (2) mở bán USD phòng ngừa tỷ giá. Xu hướng tỷ giá bật tăng về vùng đỉnh ~ 25.500 chỉ trong 8 phiên cho thấy áp lực lớn từ sự đảo chiều biến số vĩ mô “tỷ giá” quan trọng này.
Tương tự, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT, cho rằng áp lực tỷ giá lần này chỉ là tạm thời do kỳ vọng FED sẽ tiếp tục duy trì cắt giảm lãi suất trong thời gian tới, từ đó gây áp lực điều chỉnh lên đồng USD. Cụ thể, thị trường vẫn đang kỳ vọng FED sẽ tiếp tục cắt giảm 25 điểm cơ bản lãi suất điều hành trong 2 cuộc họp sắp tới vào tháng 11 và tháng 12 tới. Đồng thời, thị trường cũng sẽ tiếp tục ghi nhận thêm kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết trong tuần tới với kỳ vọng về bức tranh chung theo chiều hướng khả quan, qua đó hỗ trợ mặt bằng định giá của thị trường.
Chờ đợi phản ứng quanh vùng hỗ trợ mạnh
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân, Chứng khoán Yuanta Việt Nam kỳ vọng thị trường sẽ hướng về vùng hỗ trợ 1.240-1.250 điểm. Kịch bản chỉ số sẽ hồi phục trong tuần tới hay để thủng hỗ trợ đang là 50/50. Tuy nhiên, cũng lưu ý tới những điểm tích cực trong đợt giảm này là các cổ phiếu giảm có sự phân hóa, thay vì giảm đồng loạt. Nhóm cổ phiếu Bất động sản vẫn đang có những dấu hiệu khá tích vực khi thu hút được dòng tiền.
"Nhà đầu tư không cần bán hết danh mục trong giai đoạn này và vẫn có thể duy trì tỷ trọng 35-40% cổ phiếu. Thậm chí có thể thực hiện chiến lược lướt sóng khi thị trường để thủng hỗ trợ. Định giá của thị trường đang thấp hơn so với quý II và có thể sẽ còn "rẻ thêm" sau mùa BCTC quý III/2024. Rủi ro lớn nhất tôi lo ngại chỉ đến từ việc các thị trường chứng khoán thế giới có thể giảm trong ngắn hạn", ông Minh dự báo.
Ông Đoàn Minh Tuấn, Trưởng phòng nghiên cứu FIDT cũng cho rằng VN-Index đã chạm vùng hỗ trợ trung hạn rất mạnh 1250 (+/- 10), với áp lực bán cũng đã giảm nhanh sau khi điều chỉnh liên tục. FIDT thấy rằng, VN-Index đã tiệm cận vùng hỗ trợ tiềm năng, cùng với các tín hiệu quá bán trên các khung thời gian ngắn. Xác suất cao VN-Index sẽ có nhịp hồi nhẹ và tạo đáy nhưng cũng không thể loại trừ kịch bản bị "ép" về 1.200 điểm như trong quá khứ.
Ông Đinh Quang Hinh Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT |
Còn ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT dự báo thị trường sẽ sớm chứng kiến lực cầu bắt đáy khi chỉ số VN-Index giảm về vùng hỗ trợ mạnh 1.240-1.245 điểm và xác suất thủng vùng hỗ trợ này là thấp.
Các nhà đầu tư dài hạn có thể xem xét gia tăng tỷ trọng cổ phiếu khi chỉ số VN-Index điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.240-1.250 điểm, ưu tiên những nhóm cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tích cực trong 2 quý cuối năm bao gồm ngân hàng, bất động sản nhà ở và nhóm xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ). Thực tế, chiến lược mua vào cổ phiếu ở vùng cận dưới kênh tích lũy quanh 1.250 điểm và chốt lời khi VN-Index chạm cận trên của kênh tích lũy tại vùng 1.290 điểm vẫn đang phát huy hiệu quả.