Thêm trường hợp bị chó cắn, cảnh báo về mức độ nguy hiểm từ vật nuôi này
Hà Nội: Can 2 con chó cắn nhau, người đàn ông bị chó Becgie cắn chết “Hot girl” Bella chỉ đồng ý cho cán bộ pha sữa, không cho động vào con Bác sĩ thú y bị chó cắn vào tay, tử vong vì bệnh dại |
Liên tiếp những ca bị chó cắn thương tâm
Tháng 3/2019, một em bé 9 tuổi ở Yên Bái bị đàn chó 4 con ở nhà nuôi xông vào cắn, khiến em bị thương nặng, mất toàn bộ da vùng mu, dương vật gần như cụt, bại não…
Tháng 8/2018, một người đàn ông ở Hà Nội bị một con chó giống từ châu Âu cắn vào cổ, ông được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong.
Tháng 7/2018, một em bé 8 tháng tuổi ở Ba Đình, Hà Nội bị chó ngao Tây tạng nặng đến 40kg cắn gây chấn thương trầm trọng vùng thái dương, lóc da vùng chẩm, lộ cả tổ chức não và chảy máu trầm trọng. Dù được phát hiện, tách khỏi con chó khổng lồ ngay và đưa đến viện cấp cứu, nhưng khi đến viện bé đã ở trong tình trạng mạch không, huyết áp không, tái nhợt, biến chứng nặng nề của sốc mất máu.
Ngày 3/4, một bé trai ở Hưng Yên bị một đàn chó tấn công dẫn đến trẻ tử vong. Ngày 4/4, thông tin từ tỉnh Hòa Bình cho biết, có hai trường hợp tử vong do nghi ngờ chó cắn.
Ngày 10-4, Sở Y tế tỉnh Sơn La xác nhận có một trường hợp tử vong vào ngày 9-4 do bị chó dại cắn.
Đây là ca tử vong thứ hai vì bệnh dại tại tỉnh Sơn La trong năm 2019, sau trường hợp tại bản Kéo Hỏn, xã Chiềng Công, huyện Mường La do chủ quan không đến cơ sở y tế tiêm phòng theo quy định.
Trường hợp tử vong là cháu Sồng A Nù Tông (sinh năm 2008), người dân tộc Mông, sống tại bản Co Sáy, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu.
Cách đây khoảng 3 tháng, cháu bị chó cắn vào tay và không được tiêm phòng dại. Đến ngày 7-4, gia đình đã đưa cháu vào Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Châu với triệu chứng đau bụng kèm theo nôn.
Sau khi cấp cứu và thấy tình hình bệnh nhân chuyển biến nặng khi đột ngột tiếp xúc với ánh sáng và tiếng ồn đã lên cơn co giật, vật vã kích thích tự cởi, xé rách quần áo, có biểu hiện muốn cào cấu cắn xé những người xung quanh, Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Châu đã chuyển cháu lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La.
Tại đây, các bác sỹ hội chẩn cháu bị bệnh dại lên cơn do chó cắn, tiên lượng tử vong. Gia đình đã đưa cháu về nhà và cháu đã tử vong vào ngày 9-4
Gần đây nhất là trường hợp xảy ra với cậu bé 12 tuổi ở Thanh Hóa. Theo thông tin được biết, khi mẹ vừa nấu cơm chiều xong, Th. chạy ra đồng tìm anh trai về ăn cơm. Chưa kịp gặp anh trai, Th. đã bị 2 con chó Becgie 30kg tấn công, cắn mất gần toàn bộ da đầu và mất hai tai.
Bé trai điều trị tại Bệnh viện Việt Đức |
Nghẹn ngào chia sẻ lại sự việc xảy ra với cậu con trai của mình, chị Hà Thị Minh là mẹ của bé N.V.Th. (12 tuổi - trú xã Thọ Lộc, Thọ Xuân, Thanh Hóa) cho biết: “Chiều ngày 29/4, sau khi cả nhà đã chuẩn bị cơm chiều xong xuôi, nhưng anh trai của Th. đi chăn trâu chưa về. Bé liền chạy ra đồng tìm anh, khi vừa đi được nửa quãng đồng thì bị hai con chó to của hàng xóm chạy tới tấn công.
Đúng lúc anh rể của bé đi làm về nhìn thấy liền lao vào dùng đất, gạch đập đuổi, hai con chó mới nhả cậu bé tội nghiệp ra. Lúc đó con nằm giữa ruộng, máu me trộn bùn trên khắp cơ thể”.
Ngay sau phát hiện con bị chó cắn, gia đình chị Minh hô hào hàng xóm bế con đến bệnh viện địa phương sơ cứu nhưng vì quá nặng, lại mất máu nhiều nên bé được nhanh chóng chuyển lên Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức (Hà Nội).
Tại bệnh viện, các bác sĩ tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng đa chấn thương mất toàn bộ vùng da đầu, dập nát 2 tai, nhiều vết thương rải rác trên người. Bệnh nhi rơi vào tình trạng hoảng loạn, da nhợt nhạt, sốc tâm lý lớn, nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Thông tin về ca bệnh hy hữu kể trên, PGS.TS Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, sau 4 ngày mổ cấp cứu, hiện bệnh nhi Th. đã tỉnh táo, có thể giao tiếp được, tay chân đã cử động ít nhiều. Đặc biệt, bé cũng đã được tiêm vắc xin phòng dại.
Bên cạnh đó, các bác sĩ hiện đang lưu ý theo dõi sát sao tình trạng sọ não, ổ bụng cho bệnh nhân. Đồng thời, tiếp tục chăm sóc, dùng thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng, thuốc chống phù nề, chống viêm.
Theo dõi đánh giá những phần da đã vá lại, cố gắng che phủ phần xương sọ trên đầu bị lộ ra xem có sống được không và sống được bao nhiêu để có kế hoạch tái tạo da đầu, tái tạo vành tai cho cháu bé trong thời gian tiếp theo.
Vùng da bị tổn thương, hai tai của em bé cũng không còn để có thể mang đến bệnh viện cấy ghép. Vì thế, phải đợi ít nhất 6 tháng các bác sĩ mới có thể can thiệp tạo hình tai cho bé.
PGS. Hà khuyến cáo, với các trường hợp chó cắn vào mạch máu lớn, máu chảy dữ dội có thể tử vong ngay lập tức thì cần nhanh chóng băng ép cầm máu cho bệnh nhân, chuyển bệnh nhân đến nơi có thể truyền máu, bù dịch được.
Khi bị chó cắn cần làm gì?
Theo thống kê từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, từ đầu năm 2019 đến nay có đến 11 bệnh nhân bị chó cắn nhập viện trong tình trạng trầm trọng được chuyển vào khoa. Đối tượng đặc biệt cha mẹ cần lưu tâm chính là con em trong gia đình. Các bé thuộc nhóm tuổi dưới vị thành niên, chưa có khả năng phòng vệ bản thân dễ bị chó tấn công ở bất cứ đâu.
Khi bị chó cắn, mọi người lưu ý những điều sau.
Vệ sinh vết cắn
Vệ sinh vết cắn là bước vô cùng quan trọng, nếu bạn xử lý không đúng cách hoặc không kịp thời có thể làm tăng thêm nguy hiểm cho cơ thể. Do đó, nếu chẳng may bị chó cắn thì bạn cần nhanh tay thực hiện ngay bước sơ cứu sau.
Đầu tiên, bạn phải tách rời phần quần/áo ra khỏi vị trí vết cắn. Nếu vết cắn ở chân thì bạn có thể xắn quần lên hoặc dùng kéo cắt bỏ phần vải ngay vết cắn. Thao tác này sẽ giúp hạn chế nước bọt của chó còn dính trên vải quần, làm bám nhiều hơn vào vết thương.
- Sau đó bạn phải nhanh chóng rửa vết thương dưới vòi nước chảy mạnh. Dùng nước ấm thì càng tốt. Bạn có thể sử dụng xà bông, nước muối hoặc dung dịch sát trùng vết thương. Tuy nhiên, tránh chà sát quá mạnh sẽ khiến vết thương nghiêm trọng hơn.
Kiểm tra vết cắn
Sau khi vệ sinh sạch sẽ vết cắn xong thì lúc này bạn cần kiểm tra lại xem tình trạng vết cắn nặng nhẹ thế nào. Nếu chỉ là vết xước ngoài da hoặc vết thương nhỏ thì bạn có thể tự băng bó tại nhà.
Nhiều vụ trẻ bị chó cắn liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây |
Tuy nhiên nếu rơi vào trường hợp sau thì bạn cần phải đến bệnh viện để điều trị hiệu quả hơn:
- Vết cắn sâu trên 2cm.
- Vết cắn gần vùng đầu, cổ hoặc bộ phận sinh dục.
- Sau 15 phút mà vết cắn chảy máu không ngừng.
- Có quá nhiều vết cắn.
Băng bó vết thương
Sau khi rửa sạch vết thương xong thì bạn nên dùng băng gạc hoặc vải sạch để băng bó lại vết thương nhằm cầm máu cũng như hạn chế vi khuẩn tấn công. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý là không nên băng quá chặt sẽ khiến máu khó lưu thông.
Theo dõi con chó
Sau khi sơ cứu vết thương xong thì việc cần làm tiếp theo là xác định xem con chó đã cắn bạn là từ đâu đến. Việc này vô cùng quan trọng bởi nó là căn cứ để xác định xem bạn có nguy cơ bị phát dại hay không. Nếu đó là chó có chủ thì bạn cần yêu cầu chủ nhốt chó lại, một mặt là tránh tình trạng chó cắn người lung tung, hai là để tiện theo dõi tình trạng bệnh của con chó.
TS.BS Lê Việt Khánh, Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, BV Việt Đức cảnh báo các chấn thương do vật nuôi cắn là rất nghiêm trọng, đặc biệt với trẻ em. Vì thế, với trẻ nhỏ không nên tiếp xúc với vật nuôi, chó mèo khi chỉ ở một mình.
Nếu gia đình có nuôi chó thì cần cách ly với trẻ ở khoảng cách an toàn, đặc biệt là chó mới đẻ con, đang ăn, bị thương… Chó ra khỏi nơi nuôi nhốt phải được rọ mõm, tiêm văc-xin ngừa bệnh dại định kỳ.
Đặc biệt với trẻ nhỏ không được để trẻ một mình, với khoảng cách không an toàn với vật nuôi. Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp chó nhà cắn trẻ nhỏ gây những tổn thương nghiêm trọng.
Khi bị chó mèo cắn chảy máu cần sơ cứu ban đầu bằng cách sát trùng, rửa sạch vết thương, dùng băng gạc sạch băng bó cầm máu trong trường hợp chảy máu rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.