The Wall Street Journal: Việt Nam đã cho thế giới thấy năng lực phát hiện và ứng phó với đại dịch COVID-19 của mình
Bất chấp sự phản đối, Nhà Trắng tiếp tục kêu gọi Quốc hội thông qua gói cứu trợ COVID-19 tạm thời |
Ảnh hưởng dịch COVID-19, Honda Việt Nam sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm tài khoá 2021 |
Chỉ trong chưa đầy 1 năm, đã có hơn 1 triệu người tử vong và 215 quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca mắc COVID-19. Thực tế khủng khiếp này khiến loài người phải rút ra được những bài học xương máu để có thể tồn tại trước những đại dịch tiếp theo trong tương lai.
"Nhiều người dân trong khu phố đột nhiên bị sốt và ho, một số đã phải nhập viện. Ngay sau đó, máy tính có ứng dụng trí tuệ nhân tạo phát hiện ra những bất thường trong phổi của họ. Các mẫu máu xét nghiệm cũng có vấn đề. Hệ thống ứng phó ngay lập tức được kích hoạt và vận hành chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ, cùng với việc cách ly và điều trị những người bị nhiễm bệnh hoặc có nguy cơ bị lây nhiễm".
Xét nghiệm nhanh để phát hiện dịch bệnh là yếu tố quan trọng trong phòng chống dịch. Ảnh: David Morrison/AP |
Những gì được mô tả ở trên chính là kịch bản được các nhà khoa học rút ra từ những bài học thực tế qua gần 1 năm đương đầu với đại dịch COVID-19. Trong đó, “tốc độ” là điều kiện tiên quyết cho việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
“Hành động chậm trễ chính là thảm họa”, Jeremy Farrar, giám đốc Quỹ Wellcome Trust, khẳng định. Theo đó, 2 trong số nhiều phản ứng cần được thực hiện càng sớm càng tốt chính là: chụp scan phổi với máy móc thông minh hơn và phân tích mẫu máu.
Bên cạnh đó, quan điểm “chống dịch như chống giặc” được giới khoa học đặc biệt lưu ý, đi cùng với sự sẵn sàng về nguồn lực cũng như đảm bảo giữ cho được tình trạng xã hội ổn định.
Các nhà khoa học và chuyên gia y tế cũng thống nhất 3 ưu tiên cần có, để ứng phó một cách hiệu quả cho những đại dịch mới có thể xảy ra trong tương lai, gồm:
Phản ứng kịp thời của hệ thống y tế công cộng
Từ trước đến nay, nhiều nước nhìn vào hệ thống y tế hiện đại của Mỹ để học hỏi. Thế nhưng qua đại dịch COVID-19 này thì chính Mỹ và nhiều nước tiên tiến khác đã phải học hỏi một số nền y tế của vài quốc gia khống chế thành công coronavirus. Việt Nam là một ví dụ điển hình.
Với rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn qua các kỳ đại dịch trong quá khứ, như đại dịch SARS xảy ra năm 2003, Việt Nam đã chứng minh cho thế giới thấy năng lực phát hiện và ứng phó với đại dịch COVID-19 hiệu quả như thế nào. Đến nay, cả nước chỉ có hơn 1.100 ca xác nhận dương tính cùng với 35 ca tử vong do COVID-19 (số liệu đến 12/10).
Tích cực truy vết và cách ly là những cách mà Việt Nam đã áp dụng hiệu quả trong cuộc chiến chống COVID-19. Ảnh: nhandan |
TS. BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chia sẻ kinh nghiệm: cán bộ y tế cơ sở đã rà soát tất cả các ca nghi nhiễm bệnh, và cách ly ngay sau đó nếu phát hiện bệnh.
Tích cực truy vết, cách ly mọi trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài cũng là những cách mà Việt Nam đã áp dụng và chứng minh là có hiệu quả.
Phát hiện và cảnh báo sớm
Bằng mọi giá làm giảm tốc độ và quy mô của việc lây lan virus từ người sang người là điều cực kỳ quan trọng, nhất là khi việc lây lan là điều không thể tránh khỏi. Đây là quan điểm của nhiều chuyên gia dịch tễ học.
Và để làm được điều đó thì cần phải có được một công cụ có khả năng phát hiện sớm mọi dấu hiệu bất thường bằng chụp CT ngực. Những phương pháp xét nghiệm chẩn đoán nhanh cũng rất cần thiết.
Các bác sĩ đang chụp CT ngực một bệnh nhân nhiễm COVID-19. Ảnh: STR/AFP/GETTY IMAGES |
Các nhà khoa học cũng đang quan tâm đến việc phát hiện nguồn bệnh ngay từ khi chúng đang âm thầm lan truyền và ẩn náu trong cộng đồng để có thể xử lý được ngay, thay vì phải đợi khi người dân đến các cơ sở y tế để khám khi có triệu chứng.
Cần có vắc-xin và thuốc điều trị nhanh hơn
Mặc dù hiện nay việc bào chế vắc-xin và sản xuất các loại thuốc điều trị COVID-19 đang được thực hiện với thời gian kỷ lục, thế nhưng, nếu có lần sau, hoặc nếu một đại dịch tương tự sẽ xảy ra trong tương lai, thì tốc độ này phải được đẩy lên nhanh hơn.
Và lý tưởng nhất là con người đã phải có sẵn vắc-xin ngừa virus trước khi chúng kịp lan ra khắp thế giới. Như với trường hợp COVID-19, coronavirus cần khoảng 100 ngày để lây lan trên diện rộng thì con người cũng phải chạy đua để có được vắc-xin và thuốc với thời gian tương đương.
Một dây chuyền sản xuất vắc-xin ngừa COVID-19 ở Thụy Sĩ. Ảnh: Denis Balibouse/Reuters |
Hiện nay và trong tương lai, công nghệ sẽ đóng vai trò đắc lực cho việc sản xuất vắc-xin. Vì vậy, chỉ cần công thức và quy trình được phê duyệt thì quá trình tiếp theo sẽ được tiến hành rất nhanh. Việc sản xuất thuốc điều trị COVID-19 cũng tương tự như vậy.