Thế giới toàn cảnh tuần 22–28/2/2016
Thời Đại Online điểm lại một số tin tức nổi bật nhất tuần 22–28/2/2016:
Trẻ em mồ côi ở tỉnh Homs (Syria) đi xe buýt đến trường học. (Ảnh: UNHCR/Panos Pictures)
Phụ nữ Syria thoải mái đi lại trên đường phố ở thị trấn al-Shadadi, tỉnh Hasaka ngày 26/2. (Ảnh: Reuters)
Sau nhiều tuần đàm phán, thỏa thuận ngừng bắn tạm thời tại Syria do Nga và Mỹ bảo trợ chính thức có hiệu lực vào 0 giờ ngày 27/2 (giờ địa phương). Theo thỏa thuận, hầu hết các phe phái tham chiến sẽ chấm dứt mọi hành động tấn công bằng mọi loại vũ khí. Tuy nhiên, những nhóm khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và Mặt trận al-Nusra, một nhánh của al-Qaeda không nằm trong thỏa thuận. Chính phủ Syria và phe đối lập đều lên tiếng chấp nhận ngừng bắn và kêu gọi các bên tôn trọng thỏa thuận.
Một chiến binh thuộc lực lượng nổi dậy Syria
Đàn ông Syria mặc trang phục truyền thống, chơi nhạc tại thị trấn Kafr Batna đang bị phe đối lập kiểm soát. (Ảnh: Reuters)
Mặc dù vẫn xảy ra một số vụ đụng độ, tiếng súng đã im ắng trên khắp hầu hết đất nước Syria. Đây cũng là thời điểm hiếm hoi mà người dân ở quốc gia Trung Đông này được hít thở bầu không khí yên bình, sau nhiều năm chìm trong chiến tranh. Nó cũng là dịp để Liên Hợp Quốc (LHQ) viện trợ nhân đạo cho người dân ở các khu vực bị bao vây. Theo nhận định của các chuyên gia, thỏa thuận ngừng bắn sẽ là bước tiến quan trọng hướng tới giải pháp chính trị nhằm chấm dứt nội chiến Syria.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố nước này tăng cường hoạt động quân sự trên Biển Đông để bảo vệ chủ quyền đất nước
Ảnh vệ tinh cho thấy hệ thống radar cao tần (HF radar) mới được Trung Quốc lắp đặt trên Đá Châu Viên. (Ảnh: CSIS)
Sau một loạt động thái tăng cường quân sự tại Biển Đông vào tuần trước, Trung Quốc tiếp tục gây thêm căng thẳng trên vùng biển tranh chấp. Theo các nguồn tin, tuần qua, Bắc Kinh triển khai máy bay tiêm kích Shenyang J-11 (còn gọi là Flanker) và Xian JH-7 (còn gọi là Flounder), lắp đặt hệ thống radar giám sát cao tần và nhiều cơ sở hạ tầng quân sự trên Biển Đông. Mặc dù vậy, trên mặt trận ngoại giao, giới chức nước này luôn phủ định ý đồ quân sự hóa vùng biển chiến lược, với tuyên bố rằng các hoạt động nói trên đều nhằm mục đích phòng vệ.
Máy bay Xian JH-7 mà Trung Quốc đưa ra đảo Phú Lâm
Binh lính Trung Quốc canh gác tại đảo Phú Lâm, trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, ngày 29/1. (Ảnh: Reuters)
Những động thái của Trung Quốc khiến cộng đồng quốc tế lo ngại sâu sắc. Ngày 26/2, Mỹ thúc giục Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuân thủ cam kết không quân sự hóa Biển Đông. Đồng thời, theo các nguồn tin, Washington sẵn sàng triển khai pháo hạng nặng tới vùng biển tranh chấp để đảm bảo an ninh khu vực, nếu cần thiết. Trong diễn biến liên quan, tuyên bố chung của bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN cũng bày tỏ quan ngại đặc biệt tới các động thái cải tạo đất trên Biển Đông, kêu gọi giải quyết mọi tranh chấp bằng đối thoại, dựa trên luật pháp quốc tế.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đạt được đồng thuận về các biện pháp trừng phạt Triều Tiên. (Ảnh: AFP/Getty Images)
Người dân Hàn Quốc theo dõi thông báo của truyền hình Triều Tiên về vụ thử hạt nhân hôm 6/1. (Ảnh: EPA)
Sau 7 tuần đàm phán căng thẳng từ sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ 4 hôm 6/1, Mỹ và Trung Quốc – đồng minh duy nhất của Triều Tiên – mới đạt được đồng thuận về các biện pháp trừng phạt nước này. Ngày 25/2, Mỹ công bố dự thảo nghị quyết thắt chặt lệnh trừng phạt Triều Tiên trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó biện pháp mạnh tay nhất là kiểm tra tất cả các chuyến hàng biển tới và rời nước này. Ngược lại, Bình Nhưỡng cảnh báo rằng sẽ “đánh phủ đầu” Seoul, và các căn cứ của Washington tại châu Á – Thái Bình Dương, thậm chí là lãnh thổ Mỹ, nếu phát hiện bất cứ động thái “gây chiến nào” của liên quân Mỹ – Hàn.
Trẻ em tị nạn Syria trên đường phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). (Ảnh: AFP/Getty Images)
Bé gái Zhino Hasan (17 tuổi) bị mắc kẹt ở cửa khẩu Idomeni (Macedonia) sau khi chính phủ nước này thắt chặt biên giới. (Ảnh: Reuters)
Trước áp lực ngày càng lớn của dòng người di cư, nội bộ Liên minh châu Âu (EU) đang xuất hiện những bất đồng sâu sắc. Cuộc khủng hoảng di cư đe dọa phá vỡ Hiệp ước Schengen về việc tự do đi lại giữa các nước thành viên trong khối. Một loạt quốc gia EU như Thụy Sĩ, Hungary, Áo, các nước vùng Balkan… đều tự ý siết chặt biên giới để ngăn chặn dòng người nhập cư trái phép. Xu hướng chung hiện nay vẫn là giảm tiếp nhận người di cư, và mỗi nước đều tự tìm giải pháp riêng, thay vì trông chờ vào một “giải pháp toàn châu Âu”.
Bé Lucas (4 tháng tuổi) bị bệnh đầu nhỏ, đang được điều trị vật lý trị liệu tại bệnh viện Pedro I ở Campina Grande (Brazil). (Ảnh: Reuters)
Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay: virus Zika hiện xuất hiện tại hơn 30 quốc gia ở khu vực Mỹ Latin và Caribean, có thể gây thiệt hại kinh tế lên tới 4 tỷ USD cho khu vực này. Trong đó, các nước phụ thuộc nhiều vào du lịch sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế là rất cần thiết, để ngăn chặn tác động tiêu cực từ dịch Zika. Theo đó, WB sẵn sàng viện trợ khẩn cấp 150 triệu USD cho các nước kể trên, để đối phó với virus, cũng như cử chuyên gia tới điểm nóng của dịch bệnh. Chống muỗi, hạn chế đến vùng có dịch được cho là giải pháp khả thi nhất lúc này, khi các nghiên cứu về vaccine phòng dịch vẫn chưa có kết quả.
Trọng Sang