Thế giới toàn cảnh tuần 21–27/3/2016
Thời Đại Online điểm lại những tin tức nổi bật nhất tuần 21–27/3/2016:
2 trong số các nạn nhân bị thương ở sân bay Zaventem gần Brussels (Bỉ) hôm 22/3
Người dân để lại những thông điệp chia sẻ nỗi đau với các nạn nhân trong vụ khủng bố Brussels
Sáng 22/3 (giờ địa phương), Thủ đô Brussels (Bỉ) rung chuyển bởi 3 vụ đánh bom liên tiếp tại sân bay quốc tế Brussels (sân bay Maventem) và 2 nhà ga tàu điện ngầm đông đúc ở trung tâm thành phố. Chỉ trong hơn 1 giờ đồng hồ, ít nhất 31 người thiệt mạng và khoảng 300 người bị thương sau các vụ tấn công đẫm máu. Loạt vụ đánh bom xảy ra chỉ vài ngày sau khi cảnh sát Bỉ bắt giữ tên Salah Abdeslam – nghi can chính trong vụ khủng bố liên hoàn ở Thủ đô Paris (Pháp) năm ngoái khiến hơn 130 người thiệt mạng và hơn 350 người bị thương. Ngay sau đó, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lên tiếng nhận trách nhiệm tiến hành khủng bố Brussels.
Hàng nghìn người tới tham dự lễ tưởng niệm được tổ chức tại trung tâm Thủ đô Brussels
Quốc kỳ Bỉ được chiếu sáng tại đài phun nước Trevi ở Roma (Italia)
Người dân thế giới hướng về Brussels nói riêng và nước Bỉ nói chung với tình đoàn kết và sự chia sẻ cảm thông sâu sắc. Tối cùng ngày 22/3, một buổi lễ tưởng niệm cho các nạn nhân trong vụ khủng bố được tổ chức tại đài tưởng niệm Place de la Bourse, trung tâm Brussels. Biểu ngữ “Je Suis Bruxelles” (Tôi là người dân Brussels) được giương cao, trong khi cả người lớn và trẻ em mang theo hoa, bóng bay, những mảnh giấy nhỏ ghi lời nguyện cầu tới buổi thắp nến tưởng niệm. Hàng loạt địa danh nổi tiếng thế giới cũng được thắp sáng bởi 3 màu đen, vàng và đỏ của quốc kỳ Bỉ, cùng hướng về quốc gia vừa trải qua “thời khắc đen tối nhất trong lịch sử”: Tháp Effeil ở Thủ đô Paris (Pháp), cổng Brandenburg ở Berlin (Đức), đài phun nước Trevi ở Roma (Italia)...
Hình ảnh 3 nghi phạm đánh bom Brussels xuất hiện trong video được camera giám sát ở sân bay Maventem ghi lại
An ninh đang được thắt chặt ở nhiều thành phố lớn trên khắp thế giới
Giới chức an ninh Bỉ xác nhận 2 anh em trai Khalid và Ibrahim El Bakraoui nằm trong số những thủ phạm tiến hành loạt vụ đánh bom liều chết này. Thủ phạm thứ 3 được cho là tên Najim Laachraoui, có liên quan tới vụ khủng bố liên hoàn tại Pháp tháng 11 năm ngoái. Đáng chú ý, cả 3 tên này trước đó đều có thời gian bị cảnh sát quốc tế khoanh vùng và theo dõi với cáo buộc là khủng bố. Tuy nhiên, giới chức Bỉ đã phớt lờ các cảnh báo, gián tiếp để xảy ra các vụ đánh bom kinh hoàng. Tính tới lúc này, nhà chức trách nước này đã bắt giữ được nhiều đối tượng tình nghi khác trong các cuộc truy quét. An ninh cũng được tăng cường tới mức tối đa tại nhiều nước châu Âu, châu Á, vùng Vịnh và châu Phi. Hơn lúc nào hết, chủ nghĩa khủng bố đang trở thành mối nguy của toàn cầu.
Giáo hoàng Francis II hôn lên đôi chân của một người đàn ông tị nạn
Người đứng đầu Tòa thánh Vatican vui vẻ chụp hình với một thanh niên di cư
Trong bối cảnh tâm lý bài Hồi giáo cùng mối lo ngại trước nguy cơ khủng bố từ những người di cư đang gia tăng, những hành động của Giáo hoàng Francis II đóng vai trò "chữa lành và xoa dịu tinh thần nhân loại". Nhân chuyến thăm một trại tị nạn ở Italia hôm 25/3, người đứng đầu Tòa thánh Vatican cử hành thánh lễ rửa chân trong Ngày thứ 5 thần thánh của lễ Phục Sinh. Đức Giáo hoàng quỳ xuống, lau rửa sạch sẽ đôi chân của những người tị nạn tới từ khắp nơi trên thế giới, không phân biệt màu da hay tôn giáo. Không chỉ có thế, ông còn vui mừng chào đón tất cả những người tị nạn khác, hòa mình vào đám đông, sẵn sàng chụp ảnh và kí tên cùng những người này. Tất cả đều là con chiên của Chúa Trời, và nhân loại đều muốn sống trong một thế giới hòa bình – Giáo hoàng Francis II khẳng định.
Người dân Cuba dừng xe để quan sát chiếc chuyên cơ Air Force One của Tổng thống Obama chuẩn bị đáp xuống Thủ đô Havana
Ông Obama là tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Cuba sau 88 năm
Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong các ngày 20–22/3 đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong quan hệ Mỹ – Cuba. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Washington tới Havana, sau gần 90 năm. Tại Cuba, ông Obama đã để lại dấu ấn khi đội mưa đi thăm khu phố cổ Havana, diễn thuyết tại nhà hát Alacia Alonso và dự khán trận bóng chày giao hữu giữa đội tuyển quốc gia Cuba với đội Tampa Rays của Mỹ… Ông cũng hội đàm với Chủ tịch Cuba Raul Castro, mà trong đó 2 bên đạt được nhiều đồng thuận trong việc đẩy mạnh tiến trình bình thường hóa quan hệ, tiến tới nâng tầm quan hệ song phương lên tầm cao mới.
Nhà lãnh đạo Mỹ đội mưa đi thăm phố cổ Havana
Người dân Cuba háo hức dõi theo Tổng thống Obama trong suốt chuyến thăm
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, việc phát triển quan hệ 2 nước vẫn đang gặp phải nhiều thách thức. Trong đó, việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận mà Mỹ áp đặt lên Cuba suốt hơn nửa thế kỷ qua được coi là trở ngại lớn nhất, khó có thể thực hiện trong thời gian ngắn, khi Đảng Cộng hòa – chiếm đa số trong Quốc hội Mỹ – vẫn giữ thái độ cứng rắn với Havana. Ngoài ra, việc chính quyền Washington chưa thể giải quyết triệt để căn cứ hải quân gây tranh cãi tại vịnh Guantanamo, các chương trình phát thanh truyền hình chống phá Cuba cũng là rào cản khó vượt qua. Trong bối cảnh nước Mỹ sắp có nhà lãnh đạo mới trong năm nay, có thể tương lai quan hệ 2 nước sẽ trở thành một trong những chủ đề được cử tri quan tâm, góp phần quyết định sự thành công của các ứng cử viên.
Vị trí tàu KP Hui 11 của Indonesia (trên) bị tàu tuần tra bờ biển Trung Quốc áp sát, cản trở (chấm đỏ dưới), cách đảo Natuna chỉ 4km
Những hình ảnh về tàu cá và thủy thủy đoàn Trung Quốc bị giới chức Indonesia bắt giữ
Tuần qua, Trung Quốc liên tục gây hấn trên Biển Đông, khi cho tàu cá khai thác trái phép trên ngư trường thuộc chủ quyền của các quốc gia khác. Bắc Kinh lần này đã “kéo” Indonesia vào tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, thông qua việc điều tàu hải cảnh “giải thoát” cho tàu cá của mình khi bị giới chức Jakarta bắt giữ. Được biết, trước đó, các tàu cá Trung Quốc đã tự ý tiến vào vùng biển thuộc quần đảo Natuna của Indonesia. Jakarta triệu Đại sứ Trung Quốc để phản đối, đồng thời cảnh báo sẽ lên kế hoạch khởi kiện nước này lên tòa án quốc tế. Dù không có tranh chấp chủ quyền trực tiếp với Trung Quốc trên Biển Đông, Indonesia vẫn phản ứng quyết liệt trước yêu sách Đường 9 đoạn của Bắc Kinh – vốn bao trùm cả vùng đặc quyền kinh tế quanh quần đảo Natuna.
Binh sĩ Đài Loan đồn trú trái phép trên đảo Ba Bình
Công trường xây dựng một cầu tàu trên đảo Ba Bình
Trong khi đó, nhà cầm quyền Đài Loan cũng có động thái làm gia tăng căng thẳng trong tranh chấp Biển Đông. Đầu tuần, ông Mã Anh Cửu – lãnh đạo Đài Loan – tổ chức chuyến thăm cho các nhà báo quốc tế ra đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa. Trong chuyến thăm, ông Mã đưa ra các bằng chứng về việc đảo này “đủ khả năng duy trì sự sống cho con người, hay có đời sống kinh tế riêng”, đồng thời tuyên bố sẽ yêu cầu tòa án quốc tế xem xét. Đây là một âm mưu đầy nguy hiểm, bởi nếu những bằng chứng nói trên được chấp thuận, thì theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), Ba Bình đương nhiên sẽ được công nhận là “đảo hợp pháp”, tương ứng với việc Trung Quốc – Đài Loan chính thức sở hữu một đảo tiền đồn có diện tích lớn nhất Trường Sa.
Bà Clinton vừa thất bại trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ ở 2 bang Alaska và Washington
Tỷ phú Donald Trump tiếp tụ cgiữ vị trí dẫn đầu bên phía Đảng Cộng hòa
Cuộc chạy đua cho 2 vị trí đại diện cho Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ tại Mỹ đang xuất hiện một vài biến số mới. Theo các phương tiện truyền thông Mỹ, tỷ phú Donald Trump của phe Cộng hòa tiếp tục thắng lớn trong cuộc bầu cử sơ bộ tại tiểu bang miền Tây Arizona hôm 22/3, giành trọn 58 đại biểu của bang này. Trong khi đó, về phía Đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng chiến thắng trước đối thủ Bernie Sanders tại Arizona, nắm trong tay thêm 45/85 đại biểu. Tuy nhiên, tới ngày 26/3, bà Clinton bất ngờ thất bại thảm hại tại 2 bang Alaska và Washington. Mặc dù vẫn còn khoảng cách không nhỏ với bà Clinton, đây có thể là dấu hiệu cho một cuộc “lội ngược dòng” của ông Sanders.
Một cuộc đàm phán hòa bình Syria do Liên Hợp Quốc làm trung gian tổ chức
Tương lai của ông Assad tiếp tục là rào cản lớn nhất trong tiến trình đàm phán
Trong một tuần lễ không có nhiều thông tin tích cực, vòng hòa đàm Syria tại Geneva (Thụy Sĩ) cũng kết thúc mà chưa có nhiều tiến triển. Bất đồng lớn nhất hiện nay giữa các bên tham gia đàm phán là tương lai của Tổng thống Syria đương nhiệm Bashar al-Assad. Đây là vấn đề xuất hiện từ khá lâu, nhưng tới nay vẫn chưa thể giải quyết, ảnh hưởng trực tiếp tới tiến trình tìm kiếm giải pháp chính trị nhằm chấm dứt xung đột Syria. Phe đối lập kiên quyết giữ vững lập trường, yêu cầu phế truất ông Assad trước khi chuyển tiếp chính trị, trong khi chính phủ Damascus thì phản đối điều này. Bên cạnh đó, các bên còn phải đối mặt với thách thức mới khi cộng đồng người Kurd ở nước này tuyên bố thành lập “hệ thống liên bang” tại nhiều tỉnh ở Syria.
Cuộc tập trận pháo binh được cho là thông điệp mạnh mẽ mà Triều Tiên gửi tới Hàn Quốc cũng như các nước đồng minh
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ phía Bình Nhưỡng
Tình hình bán đảo Triều Tiên vẫn là mối quan tâm của dư luận thế giới, khi các bên liên quan liên tục có những động thái làm leo thang căng thẳng. Hôm 25/3, Bình Nhưỡng tuyên bố vừa tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Trong đó, 100 khẩu pháo tầm xa đồng loạt khai hỏa, với mục tiêu giả định là phủ tổng thống Hàn Quốc. Song song đó, ông Kim đe dọa “sẽ biến Seoul thành đống gạch vụn” nếu “khiêu khích” Bình Nhưỡng. Đáp trả lại phát biểu này, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cảnh báo sẽ đáp trả nghiêm khắc các hành vi gây hấn của Triều Tiên, đồng thời tuyên bố: Bình Nhưỡng sẽ “tự hủy diệt” nếu tiếp tục có những động thái đe dọa nói trên.
Trọng Sang