Thế Giới Di Động loay hoay trong mô hình "cửa hàng tạp hoá" ?
Thế Giới Di Động mở cửa hàng chuyên bán máy cũ, phụ kiện Một cửa hàng của Thế Giới Di Động ở Tân Bình, TP.HCM đang trong quá trình hoàn thiện. Điều lạ là theo thông tin trên bảng hiệu, cửa hàng này chỉ bán phụ kiện và máy cũ. |
Cổ đông ngoại rôm rả mua bán, cổ phiếu Thế giới di động (MWG) đi ngược thị trường MWG là một trong những cổ phiếu đi ngược thị trường với mức tăng khoảng 13% trong tháng 10 và riêng 7 phiên giao dịch gần nhất, ghi nhận mức tăng 6% trong khi thị trường chung giảm mạnh. |
Thế Giới Di Động (MWG) được biết đến như một trong những doanh nghiệp bán lẻ thành công nhất thị trường, đặc biệt là trong lĩnh vực điện thoại di động, điện máy. Thế nhưng, như một quy luật, khi đã đến đỉnh cao ở mảng kinh doanh cốt lõi, doanh nghiệp buộc phải tìm ra định hướng mới để duy trì tăng trưởng nếu không muốn tụt lại phía sau. Và Thế Giới Di Động cũng không phải ngoại lệ.
Những năm gần đây, Thế Giới Di Động liên tục mở rộng hoạt động kinh doanh, thâm nhập những thị trường mới, kinh doanh những sản phẩm, ngành hàng mới. Nhưng không phải quyết định đầu tư nào cũng thành công. Và dường như "ông lớn" bán lẻ này vẫn đang loay hoay trong mô hình "cửa hàng tiện lợi" bán từ điện thoại di động, phụ kiện, điện máy đến thực phẩm, thuốc, thời trang…
“Trả giá” vì những thử nghiệm mới
Ngay cả mảng bán lẻ điện thoại di động, điện máy - vốn là nền tảng thế mạnh làm nên thương hiệu của Thế Giới Di Động - cũng đang không mấy suôn sẻ. Dù trong năm 2022, chuỗi thegioididong.com và Điện Máy Xanh vẫn tăng trưởng 10% so với năm 2021, đạt doanh thu 103.645 tỷ đồng, đóng góp 78% vào tổng doanh thu của Thế Giới Di Động nhưng phần lớn là nhờ thị trường trong nước.
Kết quả kinh doanh của chuỗi thegioididong.com và Điện Máy Xanh năm 2022- Nguồn: MWG |
Còn chuỗi cửa hàng Bluetronics tại Campuchia - một mô hình tương tự như Điện Máy Xanh ở Việt Nam - lại không đạt được kỳ vọng trở thành bước đệm thành công để MWG lấn sân sang các thị trường trong khu vực Đông Nam Á. Thậm chí tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo MWG còn thông báo sẽ đóng cửa toàn bộ chuỗi này.
“Sau gần 6 năm hoạt động, Thế Giới Di Động đã quyết định đóng toàn bộ cửa hàng Bluetronics tại thị trường Campuchia trong quý 1/2023 để tập trung cho các thị trường khác như Indonesia và dồn lực cho các mô hình kinh doanh khác”, ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên Hội đồng quản trị Thế Giới Di Động cho biết.
Theo báo cáo tài chính, Bluetronics lỗ liên tục từ 2017 đến nay với mức lỗ lũy kế gần 605 tỷ đồng, riêng hai năm 2021 và 2022 Bluetronics đã lỗ lần lượt 187 tỷ đồng và 330 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên Thế Giới Di Động phải “khai tử” các mảng kinh doanh không hiệu quả. Hồi đầu năm ngoái, Thế Giới Di Động đã đồng loạt ra mắt 5 chuỗi bán lẻ gồm: chuỗi bán lẻ thời trang gia đình AVAFashion, chuỗi bán lẻ đồ thể thao chính hãng AVASport, chuỗi cửa hàng cho mẹ và bé AVAKids, chuỗi bán lẻ đồng hồ, trang sức, mắt kính AVAJi và chuỗi cửa hàng xe đạp AVACycle. Tuy nhiên, chỉ sau nửa năm hoạt động, Thế Giới Di Động đã phải đóng cửa hai chuỗi bán lẻ AVAFashion và AVAJi do kinh doanh không hiệu quả, cần sắp xếp lại.
Với chuỗi AvaSport, ban lãnh đạo Thế Giới Di Động cho biết trong năm 2023 cũng sẽ chủ động dọn dẹp, thu hẹp để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp do không có tiềm năng đóng góp doanh thu, lợi nhuận đáng kể trong tương lai.
Trước đó nữa, vào cuối năm 2018, Thế Giới Di Động cũng đã đóng cửa trang thương mại điện tử vuivui.com chỉ sau hai năm ra mắt. Đến năm 2020, Thế Giới Di Động tiếp tục dừng hoạt động chuỗi 17 cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ (chuyên bán các mẫu điện thoại dưới 8 triệu đồng) sau chưa đầy một năm khai trương.
Kết quả kinh doanh của chuỗi Bách Hóa Xanh năm 2022- Nguồn: MWG |
Đến cả chuỗi Bách Hóa Xanh cũng phải thu hẹp quy mô đáng kể trong năm 2022 với khoảng 400 cửa hàng đóng cửa. Sau khi cắt giảm mạnh số lượng cửa hàng trong hai quý đầu năm, từ quý 3/2022 Điện Máy Xanh đã ngừng đóng cửa các cửa hàng để dồn lực thay đổi cách bố trí, sắp xếp (layout) mới, lược bỏ 7 nhóm hàng có hiệu suất kinh doanh kém. Đến cuối năm 2022, tổng số lượng cửa hàng Bách Hóa Xanh là 1.728 cửa hàng với doanh thu 27.058 tỷ đồng (giảm 4% so với năm 2021), đóng góp 20% vào tổng doanh thu của Thế Giới Di Động.
Việc ngừng mở rộng theo số lượng và đầu tư hơn vào chất lượng bước đầu đã mang lại hiệu quả cho chuỗi Bách Hóa Xanh, giúp doanh thu bình quân mỗi cửa hàng tăng nhẹ từ 1,3 tỷ đồng/tháng trong 6 tháng đầu năm lên 1,35 tỷ đồng/tháng trong các tháng cuối năm. Riêng trong quý 4/2022 trong khi doanh thu của chuỗi thegioididong.com và Điện Máy Xanh giảm 25% so với cùng kỳ thì doanh thu của Điện Máy Xanh lại tăng 26%.
Tuy nhiên, việc tăng trưởng doanh thu không đồng nghĩa lợi nhuận cũng tăng trưởng tương ứng. Trong năm 2022, Bách Hóa Xanh ước tính lỗ kỷ lục 2.744 tỷ đồng, góp thêm một khoản lỗ lớn vào chuỗi 7 năm lỗ liên tục kể từ khi thành lập của hệ thống siêu thị mini này, với tổng lỗ thuế lũy kế gần 7.200 tỷ đồng. Sau 7 năm thua lỗ, Bách Hoá Xanh đặt mục tiêu đạt điểm hoà vốn toàn chuỗi vào cuối quý 4/2023.
Quay về với mảng kinh doanh cốt lõi
Việc "mở nhanh, đóng vội" và chấp nhận những thử nghiệm không mang lại hiệu quả sẽ phải đóng cửa dường như nằm trong tính toán của ban lãnh đạo Thế Giới Di Động bởi lãnh đạo doanh nghiệp này từng khẳng định việc đóng cửa hoặc mở cửa là bình thường, cần phải thực hiện thường xuyên và liên tục, cái nào kinh doanh không hiệu quả thì phải sắp xếp lại để phát triển tốt hơn.
Sau những thử nghiệm để tìm lời giải cho bài toán tăng trưởng khi hai mảng di động và điện máy đang tăng trưởng chậm lại nhưng không mang lại hiệu quả và phải trả giá bằng tiền, trong kế hoạch năm 2023 lãnh đạo Thế Giới Di Động lại tiếp tục quay lại với định hướng tập trung vào những mảng kinh doanh cốt lõi.
Năm 2023 Thế Giới Di Động dự kiến doanh thu thuần từ 135-150 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận ròng từ 4.200-4.700 tỷ đồng dựa trên giả định hoạt động sản xuất – tiêu dùng sẽ tích cực hơn, có dấu hiệu hồi phục trở lại trong kịch bản tốt nhất là từ giữa quý 3/2023 và trong kịch bản cơ sở từ quý 4/2023.
Trong đó, trụ cột mang lại dòng tiền chính, đóng góp 75-80% doanh thu cho Thế Giới Di Động vẫn là chuỗi thegioididong.com và Điện Máy Xanh. Để duy trì doanh thu chuỗi này sẽ tập trung vào tăng trưởng doanh thu trên mỗi cửa hàng và tối ưu danh mục hàng hóa, đẩy mạnh doanh số những sản phẩm/nhãn hàng tiềm năng. Theo ước tính của doanh nghiệp lợi nhuận gộp của chuỗi này trong năm 2023 có thể thấp hơn giai đoạn 2021-2022 do sức mua yếu và doanh nghiệp tiếp tục triển khai các chương trình khuyến mãi để bán hàng.
Bên cạnh đó, chuỗi Bách Hóa Xanh dự kiến đóng góp 20-25% doanh số trên cơ sở tăng doanh thu trên mỗi cửa hàng thông qua tăng giá trị giỏ hàng, tăng tần suất mua hàng và tăng lượt khách mới. Ngoài ra việc thay đổi cách thức vận hành kho vận sẽ giúp tạo dư địa tăng biên lợi nhuận gộp cho chuỗi này đồng thời cải thiện logistics. Bách Hóa Xanh kỳ vọng sẽ bắt đầu đóng góp lợi nhuận từ quý 4/2023.
Còn với chuỗi nhà thuốc An Khang và AVAKids, công ty đánh giá các chuỗi này có thị trường lớn nhưng đều chưa có lợi nhuận. Do đó, năm nay, công ty sẽ tạm ngưng mở rộng hai chuỗi này, tập trung giữ những cửa hàng có biên lợi nhuận dương, tăng doanh thu trên mỗi điểm bán và kiểm soát chi phí vận hành nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động, giảm lỗ và đưa về điểm hòa vốn.
Kết quả kinh doanh của Thế Giới Di Động năm 2022 - Nguồn: MWG |
Trong một báo cáo gần đây, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá kế hoạch kinh doanh trên của Thế Giới Di Động vẫn còn nhiều thách thức. Với chuỗi thegioididong.com và Điện Máy Xanh, BVSC cho biết, doanh thu điện thoại di động toàn thị trường được dự báo đi ngang hoặc thấp hơn năm 2022. Trong đó, Thế Giới Di Động kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ sự gia tăng hợp nhất của thị trường (ghi nhận kết quả vượt trội so với thị trường chung và gia tăng thị phần), do các doanh nghiệp nhỏ dễ bị tổn thương và gặp khó khăn trước những khó khăn về nhu cầu.
Tuy nhiên, BVSC dự báo biên lợi nhuận của chuỗi này có khả năng thu hẹp do hoạt động hỗ trợ khách hàng và thúc đẩy doanh số cũng như áp lực giảm giá bán để duy trì doanh số nếu các đối thủ cố gắng thanh lý hàng tồn kho luân chuyển chậm.
Đáng chú ý, tồn kho hiện tại của Thế Giới Di Động đang ở mức lành mạnh, cho thấy tác động tiềm ẩn từ vấn đề này là hạn chế, BVSC đánh giá. Thực tế, Thế Giới Di Động cho biết, trong năm 2022 công ty đã chủ động tối ưu tồn kho (giảm giá trị tồn kho xuống 25.696 tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2022, giảm 12% so với cùng kỳ), nhờ đó giảm mạnh số dư nợ phải trả để tạo dư địa kiểm soát chi phí tài chính tốt hơn trong năm 2023.
Trong khi đó, với chuỗi Bách Hóa Xanh, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng, chuỗi này được kỳ vọng sẽ là đầu tàu tăng trưởng của Thế Giới Di Động trong tương lai khi hai mảng di động và điện máy đang tăng trưởng chậm lại, với tham vọng thay đổi bộ mặt tiêu dùng của Việt Nam, song cho đến nay Bách Hóa Xanh vẫn còn khá loay hoay với bài toán tăng trưởng của chính mình.
Bách Hóa Xanh xác định thế mạnh của mình là nguồn hàng truy xuất được nguồn gốc, chất lượng rõ ràng, có thể cạnh tranh trực tiếp được với chợ truyền thống. Tuy nhiên, mảng thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm khô, rau, hoa quả, hàng tiêu dùng nhanh của Bách Hóa Xanh dù có nhiều tiềm năng song cũng đang phải cạnh tranh khá gay gắt với các chuỗi siêu thị khác mà đối thủ cạnh tranh trực tiếp nhất là Coop Food.
Câu chuyện Bách Hóa Xanh liệu có đạt được điểm hòa vốn và có lãi từ quý 4/2023 vẫn phải chờ đến cuối năm mới rõ, còn hiện tại sau những vấp váp khi bước chân sang các lĩnh vực kinh doanh mới, Thế Giới Di Động có lẽ vẫn không thể xa rời mảng kinh doanh "hái ra tiền" là thegioididong.com và Điện Máy Xanh.
Các quỹ ngoại lại vừa trao tay số cổ phiếu của Thế Giới Di Động trị giá hơn 200 tỷ đồng Trước đó không lâu, Mekong Enterprise Fund II cũng đã chuyển quyền sở hữu 1 triệu cổ phiếu MWG cho một nhóm quỹ ngoại khác và không còn là cổ đông lớn của Thế Giới di động. |
Điện máy Trần Anh xác nhận chuyển nhượng cho Thế Giới Di Động TĐO - Sáng 21/8, Công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh (TAG) đã chính thức lên tiếng xác nhận bán cổ phần cho Thế Giới Di Động. |