Thế giới đầy biến động, doanh nghiệp Việt Nam cần thích ứng với tình hình mới
Để hình dung ngắn gọn về những gì nền kinh tế thế giới đã trải qua trong thời gian vừa qua, hai từ ngữ mô tả chính xác nhất chính là: Bất ổn và đầy biến động.
Bà Lâm Thuý Nga, Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng Doanh nghiệp lớn tại HSBC Việt Nam đã nhận định trong bài phân tích mới đây về những tác động của COVID-19, tình hình địa chính trị toàn cầu và những việc doanh nghiệp Việt Nam cần làm để tăng cường đổi mới sáng tạo thích ứng với tình hình mới.
Thế giới đầy biến động
Cả thế giới đã trải qua ba năm chống chọi với đại dịch COVID-19 mà những tác động của nó đều ảnh hưởng rõ ràng và lâu dài đối với cuộc sống của con người. Khi các sân bay và đường sá trở nên đìu hiu với lệnh giãn cách xã hội, Việt Nam đồng thời cũng bị giáng những đòn mạnh mẽ từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng và khó khăn trong thương mại toàn cầu.
Đại dịch COVID-19 dần qua đi và Việt Nam là một trong những nền kinh tế nhanh chóng mở cửa trở lại hoàn toàn. Những tưởng đó sẽ là thời điểm tuyệt vời cho một cú bật ngoạn mục sau những năm trì trệ, một lần nữa, căng thẳng quân sự Nga và Ukraine nổ ra lại đẩy thế giới vào một cơn khủng hoảng mới: khủng hoảng năng lượng.
Dù Việt Nam vẫn tận dụng được nhiều lợi thế về sản xuất, và đặc biệt là khi Trung Quốc vẫn còn kiên trì chính sách Zero Covid thời điểm đó, việc các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng 30% - thực hiện thắt chặt chi tiêu, hoàn toàn ảnh hưởng đến xuất khẩu.
Tác động đó vẫn kéo dài cho đến năm 2023, Việt Nam ghi nhận xuất khẩu trong hai tháng đầu năm nay giảm 10,3% so với cùng kì năm trước. Lạm phát năng lượng vẫn tăng cao, dù mức lạm phát toàn phần trong tháng 2/2023 chỉ ở mức 4,3%, thấp hơn mức mục tiêu của NHNN cho năm 2023, đà lạm phát vẫn mạnh.
Bên cạnh đó, có thể dễ dàng nhận thấy những thay đổi nhanh chóng của thế giới trong thời gian vừa qua. Hơn bao giờ hết, những tiến bộ công nghệ, mục tiêu phát triển bền vững và các chiến lược ứng phó với rủi ro được đặt lên hàng đầu và trở nên rõ ràng.
Tăng trưởng xanh là mục tiêu hàng đầu
Trong vấn đề phát triển bền vững, các quốc gia, trong đó có Việt Nam, cố gắng đẩy nhanh việc hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu, tăng trưởng xanh, đặc biệt là khi vấn đề môi trường đang ngày càng nhanh chóng tác động đến đời sống người dân cũng như nền kinh tế của các quốc gia. Các nhà đầu tư nước ngoài có yêu cầu nhất định với các yếu tố bền vững trong hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đang thực hiện rất nghiêm túc với những thay đổi chính sách cụ thể và khuyến khích hợp lý. Do đó, việc các doanh nghiệp điều chỉnh hoạt động và sản xuất để đi đúng theo định hướng của nhà nước là điều chắc chắn sẽ diễn ra.
Đứng trước tình hình mới của thế giới, doanh nghiệp Việt Nam cần phải có những chuẩn bị để thích ứng.
Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) năm 2022 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố vào tháng 9/2022, Việt Nam hiện đứng thứ 48 trong số 132 nền kinh tế về năng lực đổi mới sáng tạo, đồng thời đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore và Thái Lan.
Việt Nam cũng là một trong ba nền kinh tế thu nhập trung bình có tốc độ tăng trưởng hiệu suất đổi mới nhanh nhất cho đến nay. Trong một thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã có bước tiến bộ nhảy vọt khi tăng hơn 20 bậc.
Theo Sách trắng Thương mại Điện tử năm 2022, trong năm 2021, có 74,8% người Việt sử dụng Internet mua sắm trực tuyến, người Việt đang dần quen với khái niệm mua sắm đa kênh.
Từ trước khi có cam kết hướng đến nền kinh tế có phát thải ròng bằng 0 của Thủ tướng Chính phủ tại COP26, đã có một số doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, hướng đến những mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh của mình.
Hiện nay, sau những chủ trương cụ thể và sự khuyến khích của Chính phủ, đặc biệt là việc Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050, tỷ lệ các doanh nghiệp đặt mục tiêu bền vững vào chương trình phát triển của họ đã tăng lên. Tăng trưởng xanh hay kinh tế tuần hoàn là những từ khóa quan trọng mà chúng ta có thể nghe ở khắp mọi nơi.
Làm sao để sản xuất ra những sản phẩm tốt mà không tổn hại môi trường và xã hội, vi phạm những quy định của pháp luật? Làm sao ứng dụng công nghệ tiên tiến một cách nhanh chóng để tối ưu hóa hiệu quả, tăng lợi nhuận, đồng thời đáp ứng nhu cầu biến đổi không ngừng của thị trường tiêu dùng?
Nhìn nhận những yếu tố này, thực sự cần xây dựng một môi trường mà trong đó: - Chính phủ có những hướng dẫn, định hướng cụ thể, giúp doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tái định vị hoạt động kinh doanh của họ thông qua đổi mới sáng tạo. - Các tổ chức, các hiệp hội chung tay hỗ trợ Chính phủ trong việc cung cấp kiến thức đổi mới từng ngày cho cộng đồng doanh nghiệp Việt, giúp kết nối, chia sẻ kinh nghiệm cùng những trường hợp đổi mới sáng tạo thành công trong nước và quốc tế. - Doanh nghiệp chủ động học hỏi, tìm tòi từ các hoạt động chia sẻ trong cộng đồng doanh nghiệp, từ các tổ chức tư vấn trong nước và quốc tế, những xu hướng kinh doanh, đầu tư của thế giới, những yêu cầu mới của người tiêu dùng, các công nghệ tiên tiến - Đầu tư vào các hoạt động R&D đã được chứng minh ở nhiều quốc gia là chất xúc tác giúp đổi mới sáng tạo thành công. - Hoạt động đổi mới sáng tạo cần có lực lượng nhân sự nòng cốt với kiến thức và chuyên môn phù hợp. Do đó, doanh nghiệp cần tuyển lựa, tạo điều kiện và đào tạo để những nhân sự tiềm năng có thể được trau dồi và phát huy hết năng lực trong quá trình này. Khi thế giới thay đổi, Việt Nam không thể đứng yên. Việt Nam hoàn toàn có năng lực để thực hiện điều đó. Nếu doanh nghiệp tận dụng tốt những lợi thế như vậy, nhanh chóng và tăng tốc hơn nữa thì có thể tạo ra nhiều giá trị lớn trong đổi mới sáng tạo. |
Lâm Thúy Nga, Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng Doanh nghiệp lớn tại HSBC Việt Nam.