Thắp sáng ước mơ nơi biên cương Tổ quốc
Hàng nghìn trẻ em Phú Quốc tham gia “đêm trăng thắp sáng ước mơ” Hàng nghìn trẻ em ở Phú Quốc cùng cư dân, khách du lịch đã tham gia sự kiện “đêm trăng thắp sáng ước mơ” được tổ chức tối 9/9 tại Đại đô thị Meyhome capital Phú Quốc. |
Nghĩa tình quân dân Việt Nam – Lào nơi biên giới cực Tây Tổ quốc Từ phong trào kết nghĩa bản với bản, đời sống, nhận thức của người dân ở 108 bản giáp biên, 8 cặp bản kết nghĩa giữa hai bên biên giới Việt Nam – Lào đều có nhiều khởi sắc. |
Con nuôi cùng cán bộ, chiến sĩ biên phòng tăng gia sản xuất. |
Năm 2019, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xuân Trường đón Vàng A Dè, Vàng A Hùng về đơn vị theo mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”. Đây là những em nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các xóm biên giới.
Vàng A Hùng, dân tộc Mông, tại xóm Tả Xáy, xã Xuân Trường bố em mất từ năm 2017, còn mẹ em bỏ đi, không có việc làm ổn định, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Vàng A Dè ở xóm Lũng Rạc, xã Xuân Trường, gia đình em là hộ nghèo, mẹ của A Dè đã qua đời khi em mới 1 tuổi. Thấu cảm hoàn cảnh của 2 em nhỏ, cán bộ đồn biên phòng đã đón các em về nuôi để các em có thêm điều kiện học tập.
Hai hoàn cảnh khác nhau nhưng A Hùng và A Dè giờ đã sống cùng nhau dưới một mái nhà như anh em ruột thịt. Nhờ tình thương và trách nhiệm của người cha mang quân hàm xanh mà cuộc sống của những đứa trẻ kém may mắn này có cơ hội bước sang trang mới với bao hy vọng, cơ hội thay đổi số phận, thay đổi cuộc sống.
Đại úy Nguyễn Vũ Lê, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Xuân Trường cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn giao trách nhiệm cho các đồng chí phụ trách cấp ủy, phân công 1 cán bộ cấp đội phụ trách đảm bảo đời sống vật chất, cũng như chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ, đi lại cho 2 cháu “Con nuôi đồn biên phòng”.
Trên cơ sở tiết kiệm phụ cấp và lương của cán bộ, chiến sĩ, vừa qua khi bước vào năm học mới 2022 - 2023, đơn vị mua sắm sách, vở, đồ dùng học tập, đảm bảo điều kiện thiết yếu nhất cho 2 cháu con nuôi đến trường cũng như chăm lo đời sống cho các cháu. Ngoài ra, đơn vị phối hợp với nhà trường làm tốt công tác giáo dục, quản lý và động viên, đảm bảo cho các cháu có môi trường sinh hoạt, học tập tốt nhất.
Đã 3 năm, kể từ ngày 2 em Vàng A Dè, Vàng A Hùng về ở tại Đồn Biên phòng Xuân Trường, những người lính biên phòng đã quen với sự có mặt của 2 đứa trẻ nhỏ và tình cảm của những người cha nuôi mang quân hàm xanh dành cho các con cứ thế được bồi đắp, lớn dần theo từng ngày. Các em được cán bộ, chiến sĩ hướng dẫn học hành và chỉ dạy từ cách ứng xử, giao tiếp hằng ngày đến nền nếp thực hiện nội quy, quy định của đơn vị. Đơn vị dành riêng một phòng để làm chỗ ở, góc học tập cho các em, trang bị đồ dùng, phương tiện sinh hoạt cần thiết.
Các em học cách sắp xếp, bảo quản đồ đạc nơi ở ngăn nắp như một người chiến sĩ nhí. Sau một thời gian về sống cùng với các “cha nuôi”, đến nay 2 em nhỏ dần quen với nhịp sống ở đây. Trong năm học 2021 - 2022, 2 con nuôi của đồn đạt học lực khá, 2 em không còn rụt rè, e ngại tiếp xúc với mọi người như trước nữa. Đó là niềm động viên, cổ vũ đối với Đảng ủy, chỉ huy cũng như cán bộ, chiến sĩ đơn vị tiếp tục cố gắng, nỗ lực hơn nữa thực hiện tốt công tác chính sách trên địa bàn trong thời gian tới.
Công tác ở vùng biên giới, xa nhà, xa gia đình, cứ như thế, các anh đã dành tình thương chăm sóc cho 2 con nuôi như những người cha thực thụ. Quá trình thực hiện mô hình, nhiều cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng vừa góp tiền hỗ trợ, vừa thực hiện chức năng của người cha, người mẹ đưa đón các cháu đi học, giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhà trường, nơi các em theo học để nắm thông tin và trao đổi phương pháp giúp các em tiến bộ trong học tập, rèn luyện. A Hùng và A Dè hiện nay đang theo học tại Trường Tiểu học Xuân Trường.
Cô Nông Thị Trang, giáo viên lớp 4, Trường Tiểu học Xuân Trường chia sẻ: Công tác giáo dục và chăm sóc 2 con nuôi của đồn luôn được nhà trường quan tâm, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng Xuân Trường trao đổi về tình hình học tập, rèn luyện của các cháu, từ đó có biện pháp giáo dục phù hợp và tốt nhất giúp 2 cháu tiến bộ hơn theo từng năm học. Đến nay các cháu đã có sự tiến bộ rõ rệt về nhiều mặt, cụ thể như từ sử dụng tiếng ngôn ngữ mẹ đẻ (dân tộc Mông) là chính thì nay các cháu đã nói và viết tiếng Việt thành thạo; có được một số kỹ năng sống tốt hơn như: kỹ năng tự lập, vệ sinh cá nhân hằng ngày.
Đặc biệt, ý thức học tập và rèn luyện của các cháu tiến bộ hơn rất nhiều. Tôi mong rằng chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” sẽ được nhân rộng hơn trên khắp mọi miền của Tổ quốc để các em hoàn cảnh khó khăn không nơi nương tựa sẽ có được môi trường giáo dục tốt để sau này lớn lên trở thành những công dân có ích cho xã hội, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Để đảm bảo chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” được triển khai đúng đối tượng, Đồn Biên phòng Xuân Trường tiến hành rà soát, phối hợp với địa phương, nhà trường lựa chọn những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc bố mẹ đã mất để nhận làm con nuôi. Về lộ trình lâu dài, sau khi vào trung học phổ thông, các em mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” sẽ được tham gia chương trình “Nâng bước em đến trường” để tiếp tục được hỗ trợ học tập.
Lào Cai hướng về Dìn Chin – Nơi biên cương Tổ quốc Ngày 21/8/2022, UBND tỉnh Lào Cai phối hợp với một số cơ quan, đơn vị tổ chức Chương trình “Hướng về Dìn Chin – Nơi biên cương Tổ quốc” tại xã Dìn Chin, huyện Mường Khương. |
Chắp cánh ước mơ đến trường cho trẻ em khó khăn vùng biên giới Hôm nay, cùng với học sinh trên cả nước bước vào năm học mới 2022-2023, hơn 60 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn biên giới Gia Lai cũng hân hoan bước vào năm học mới. Để thực hiện được ước mơ này, các em đã nhận được sự tiếp sức thiết thực từ những người lính mang quân hàm xanh. |