Thanh Vận: Khi trái chín ngọt dần
Nông dân thu hoạch chuối
Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay
Băng qua những con đường núi quanh co, chúng tôi đến thăm gia đình chị Trần Thị Hoa (34 tuổi, dân tộc Tày) ở thôn Nà Đon. Nằm giữa những khoảng đồi nhấp nhô là ngôi nhà hai của vợ chồng chị và hai con trai đang sinh sống. Một ngôi nhà với sàn lát đá hoa, mái lợp tôn, có ti vi, tủ lạnh, bếp ga, khu vệ sinh khép kín, có xe gắn máy làm phương tiện đi lại, có lẽ đã không còn là điều gì mới lạ ở nhiều vùng quê bây giờ.
Thế nhưng, với một xã như Thanh Vận, với 137 hộ nghèo, thu nhập bấp bênh, thì đó thực sự là một bước ngoặt đáng kể, và nhất lại là khi ngôi nhà được xây nên từ thu nhập mà cây chuối tây đem lại.
Gia đình chị Hoa gắn bó với cây chuối từ năm 2008, với nghề thu gom chuối của các hộ trong vùng bán cho thương lái, bên cạnh 2 héc-ta chuối gia đình trực tiếp chăm bón. 9 năm gắn bó với cây chuối là 9 năm dài với không ít ngọt đắng vui buồn.
Chị Hoa kể, chuối tây là loại cây ăn quả truyền thống ở địa phương, nhưng do thị trường tiêu thụ không ổn định, đa số phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc, chưa có hệ thống phân phối, bao tiêu nên những người dân Thanh Vận, trong đó có chị Hoa, đã từng không ít lần ngậm ngùi vì giá chuối... rẻ như cho.
Đỉnh điểm của khủng hoảng là năm 2015, cầu giảm mạnh do thương lái Trung Quốc ngừng mua, giá chuối tuột dốc mạnh, từ 6 nghìn xuống chỉ còn hơn 1 ngàn đồng, thậm chí có lúc 500 đồng/kg. Thêm vào đó, chuối tây Thanh Vận tuy chắc thịt, ngọt, thơm, song “tốt gỗ” không bù lại được “nước sơn”. Hạn chế về hình thức như quả nhỏ, kích cỡ không đều, đã khiến chuối Thanh Vận bị lép vế ngay ở thị trường khu vực phía Bắc.
“Chuối chín rụng đầy đồi, phải đem cho trâu, cho cá ăn” chị Hoa nhớ lại chuỗi ngày khó khăn 2 năm về trước.
Đó chính là quãng thời gian mà chị và nhiều hộ gia đình trồng chuối trong thôn, xã, vô cùng hoang mang, nản lòng, bất lực trước cảnh thua lỗ, ùn ứ chuối mà không có đường ra...
Từ đắng đến ngọt
Thế nhưng năm 2016 vừa qua, chính những cây chuối ấy lại đem về nguồn thu đáng kể cho gia đình chị Hoa, không chỉ góp phần lớn vào việc cải thiện đời sống gia đình, từ việc sinh lời để xây nhà ở khang trang, mua xe máy, hay chi tiêu thêm cho các con đi học, mà còn tạo vốn để chị mua thêm đất, mua trâu phát triển kinh tế.
Những thay đổi tích cực đến với gia đình chị Hoa, cũng như nhiều hộ gia đình trồng chuối tây trong xã Thanh Vận, chính là kết quả sau gần một năm tham gia WEAVE, dự án “Nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ thông qua thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp” được tài trợ bởi chính phủ Australia, thực hiện bởi liên minh ba tổ chức phi chính phủ CARE, Oxfam và SNV. Từ dự án này, chị em phụ nữ Thanh Vận đã được học hỏi nhiều kiến thức hữu ích về nông nghiệp, thị trường, cũng như thay đổi những định kiến về giới, tìm được chỗ đứng trong công việc gia đình, xã hội, nhận được nhiều hơn sự cảm thông, chia sẻ từ phía người thân.
Chị Hoa chia sẻ: chị và các hộ gia đình trong xã đã nhận được sự hướng dẫn tỉ mỉ của các chuyên gia, kỹ sư, từ việc xác định cây giống tốt, cho đến cách tỉa lá, ủ phân bón hữu cơ ngay tại vườn nhà,cho đến phòng trừ sâu bệnh, thay thế cho những cách làm theo kinh nghiệm truyền miệng trước kia.
Bà con học kỹ năng chăm cây
“Trước đây thấy lá um tùm thì tiếc không dám tỉa, đến giờ mình đã biết tỉa cành, lá gọn thì vườn mới thoáng, cây nhận được nhiều ánh sáng, quả chuối có màu đẹp, đều hơn, bớt sâu bệnh và tiết kiệm đất trồng” chị Hoa kể.
Bên cạnh đó, các hộ gia đình như chị Hoa còn được hỗ trợ về kỹ năng kinh doanh thông qua các buổi trao đổi với đơn vị thu mua, những chuyến tham quan dây chuyền sản xuất chuối sạch, các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Những chương trình này đã góp phần gắn kết người sản xuất với nhà tiêu thụ, chủ động tạo cơ hội thuận lợi cho đầu ra. Quan trọng hơn cả là người nông dân đã được tiếp cận với những tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm đáp ứng với yêu cầu của doanh nghiệp, cũng như quan sát và so sánh sản phẩm chuối từ nhiều địa phương khác nhau, tạo động lực để nâng cao chất lượng sản phẩm của địa phương mình. (Hiện tại chuối của các hộ gia đình tại xã Thanh Vận đang được công ty chế biến thực phẩm Minh Dương thu mua đều đặn với giá trung bình 5000 đồng/kg.)
Chị Hoa chia sẻ thu nhập từ chuối năm 2016 chiếm 70% tổng thu nhập của gia đình. Đặc biệt, nhờ khoản lãi 300 triệu đồng từ chuối, anh chị đã xây lại nhà cửa kiên cố, hiện đại hơn, mua thêm đất trồng chuối, trâu cày, cũng như đào ao nuôi cá.
“Tuy vậy, trong thời gian tới, vẫn còn nhiều việc phải làm, điển hình là việc thành lập hợp tác xã trong tháng 8 này. Hợp tác xã sẽ đóng vai trò là đại diện bảo vệ quyền lợi cho bà con nông dân, như một đơn vị kinh doanh có tư cách pháp nhân.” Ông Hà Văn Hưởng, chủ tịch UBND xã Thanh Vận cho biết.
Chất lượng sản phẩm tăng đi kèm với đầu ra ổn định hơn đã đem đến thu nhập cao hơn cho các gia đình trong xã, tuy nhiên cũng đặt ra vấn đề làm thế nào để nguồn thu nhập đó được sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả.
Theo ông Hà Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Thanh Vận, cũng trong thời gian tới, địa phương cũng sẽ tập trung xem xét việc đăng ký nguồn gốc xuất xứ cho chuối tây Thanh Vận, để dần dần hình thành thương hiệu. Ngoài ra, xã cũng sẽ nỗ lực đảm bảo kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp thu mua, cũng như tìm kiếm thêm các đối tác mới, để bà con có thể yên tâm sản xuất, đảm bảo thu nhập ổn định, cải thiện kinh tế từ loại cây ăn quả chủ lực truyền thống của địa phương.
Dự án WEAVE được thực hiện bởi Oxfam, CARE và SNV từ tháng 6/2016 và tháng 8/2019, tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Australia. Mục tiêu của WEAVE là hướng tới việc thúc đẩy sự bình đẳng giới trong hộ gia đình và tăng tính hiệu quả của các nhóm sản xuất nhằm tăng thu nhập cho các thành viên tại cộng đồng, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa từ sự hỗ trợ chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của chính phủ. Dự án được triển khai tại hai tỉnh thuộc diện nghèo nhất ở miền núi phía bắc Việt Nam là Lào Cai và Bắc Kan, tập trung vào ba sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là chuối, quế và thịt lợn. |
Phi Yến