Thành quả hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ trong xử lý ô nhiễm dioxin
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Từ sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, cuối năm 2019, dự án xử lý ô nhiễm dioxin sân bay Biên Hòa đã chính thức được triển khai.
Sau hơn 1 năm thực hiện, dự án đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Điều này cho thấy sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong khắc phục hậu quả chiến tranh, tạo tiền đề đưa quan hệ hai nước phát triển lên những tầm cao mới.
Trong chiến tranh, sân bay Biên Hòa là nơi lưu chứa và chiết nạp dioxin. Đây được coi là điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn nhất tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Năm 2016, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cùng các ngành chức năng Việt Nam đã hoàn thành đánh giá ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa.
Kết quả cho thấy tại đây có hơn 52ha với hơn 500.000m3 đất và trầm tích bị nhiễm chất độc dioxin cần phải xử lý, tẩy độc. Khối lượng đất và trầm tích bị ô nhiễm dioxin ở khu vực này cao gấp 4 lần so với khối lượng đã xử lý tại sân bay Đà Nẵng.
Sau đó, USAID ký thỏa thuận với Bộ Quốc phòng Việt Nam, cam kết tài trợ kinh phí thực hiện xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa, bằng các phương pháp xử lý và cô lập đã được sử dụng tại sân bay Đà Nẵng.
Dự án xử lý triệt để dioxin tại sân bay Biên Hòa có tổng kinh phí hơn 390 triệu USD, được thực hiện trong khoảng 10 năm. Trong đó, kinh phí giai đoạn 1 là hơn 180 triệu USD từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ và vốn đối ứng từ ngân sách sự nghiệp môi trường Việt Nam.
Sau hơn 1 năm triển khai, dự án đã bốc xúc được gần 1.200m3 trầm tích ô nhiễm dioxin vượt ngưỡng tiêu chuẩn cho phép đưa vào khu xử lý; giải phóng, phục hồi toàn bộ diện tích mặt bằng hồ cổng 2 rộng hơn 5.300m2, đáp ứng tiêu chuẩn của Việt Nam, đảm bảo an toàn cho cả người và môi trường.
Từ kết quả này, tới đây, cơ quan chức năng Việt Nam tiếp tục bàn giao mặt bằng các khu vực ô nhiễm dioxin phía trong sân bay Biên Hòa (tổng diện tích hơn 7ha) để Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tiến hành bốc xúc, cô lập.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết hơn 1 năm qua, với sự nỗ lực của các ngành chức năng Việt Nam và USAID, việc xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa đã dành được những kết quả rất tích cực, tạo tiền đề để Việt Nam và Hoa Kỳ cùng chung tay làm sạch hơn 500.000m3 đất, trầm tích nhiễm dioxin ở sân bay. Trong quá trình tẩy độc sân bay Biên Hòa, công nghệ làm sạch dioxin được thử nghiệm rất hiệu quả. Điều này cho thấy Hoa Kỳ đã có trách nhiệm khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam nói chung và sân bay Biên Hòa nói riêng.
Theo Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ, năm 2021, cơ quan này sẽ tập trung xử lý dioxin các khu vực trong sân bay Biên Hòa, đặc biệt là ở khu vực cổng 2 và phía Tây của sân bay, bởi 2 khu vực này gần dân cư, có rủi ro rò rỉ dioxin ra bên ngoài. Để việc xử lý dioxin diễn ra thuận lợi, USAID sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các ngành chức năng Việt Nam trong việc giao nhận mặt bằng, tiến hành các bước xử lý ô nhiễm.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink. (Ảnh: Trần Trang/TTXVN)
Theo ông Daniel J. Kritenbrink, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam, dự án xử lý ô nhiễm dioxin sân bay Biên Hòa là sự tiếp nối thành công của dự án hợp tác giữa Việt Nam-Hoa Kỳ trong xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Đây cũng chính là sự kiện đánh dấu một mốc quan trọng, nhằm hiện thực hóa nội dung Tuyên bố chung của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Hoa Kỳ.
Việc xử lý dioxin sân bay Biên Hòa là điểm sáng, chứng tỏ sự hợp tác mạnh mẽ, hiệu quả giữa hai Chính phủ, đáp ứng nguyện vọng chung của nhân dân hai nước.
Theo Bộ Quốc phòng, nhằm khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh, bên cạnh xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa, từ năm 2019 đến nay, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ và Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học đã tiến hành khảo sát, quyết định đầu tư dự án hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam tại 8 tỉnh ưu tiên gồm: Quảng Bình, Bình Định, Thừa Thiên-Huế, Tây Ninh, Đồng Nai, Quảng Trị, Kon Tum và Bình Phước.
Dự án sẽ hỗ trợ và đem lại lợi ích cho khoảng 100.000 người khuyết tật và gia đình của họ. Kinh phí thực hiện dự án gồm 65 triệu USD vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ và 75 tỷ đồng vốn đối ứng ngân sách Việt Nam.
Khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam là vấn đề khó khăn, lâu dài. Ngoài nỗ lực của Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ cũng cần tăng cường hỗ trợ, góp phần giải quyết triệt để những vấn đề hậu chiến, đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới.