Thành phố đầu tiên có 5 vị lãnh đạo thuộc cộng đồng LGBT ở Mỹ
Bên ngoài tòa thị chính, không hề có những lá cờ cầu vồng đại diện cho phong trào đấu tranh vì quyền bình đẳng từ cộng đồng LGBT. Các phong trào diễu hành, lễ đọc diễn văn hay thậm chí là buổi họp báo nhằm tuyên bố tính lịch sử của cuộc bầu cử trên cũng chẳng diễn ra.
Thị trưởng thành phố Palm Springs ông Robert Moon nói: "Tôi chưa từng nghĩ về điều này cho tới khi nhận được thông báo. Mà bạn cũng thấy đấy, một việc như vậy chưa bao giờ đem lại sự bất ngờ khiến cư dân tại đây phải thực sự chú ý".
Palm Springs là thiên đường nghỉ dưỡng giàu có nằm giữa sa mạc rộng lớn.
Phong trào đấu tranh vì quyền bình đẳng của cộng đồng LGBT ở thiên đường nghỉ dưỡng giàu có này đã thành công tới mức, chẳng mấy ai cảm thấy quá kinh ngạc khi năm thành viên hội đồng thành phố đều là người thuộc cộng đồng LGBT.
Trong đó, có ba người đàn ông đồng tính, một người phụ nữ lưỡng tính và một người phụ nữ chuyển giới - tất cả đều đại diện cho Đảng Dân chủ.
Chiến thắng đầy vinh quang
Sự kiện xảy ra tại thành phố nằm bên trong thung lũng Coachella của bang California được đánh dấu bằng một bức hình rất bình thường. Bởi tất cả mọi người đều nhìn nhận sự việc dựa trên những thành tựu do mỗi cá nhân từng thực hiện chứ không phải là đời sống riêng tư của họ.
"Cả năm thành viên mới đều thuộc cộng đồng LGBT, và họ đã chiến thắng trong cuộc đua này mà không hề đề cập tới xu hướng tình dục hay nhận dạng giới tính suốt quá trình vận động tranh cử", ông Geoff Kors - một thành viên hội đồng mới ở Palm Springs nhấn mạnh.
Thị trưởng Robert Moon cùng bốn thành viên hội đồng thành phố khác là Christy Gilbert Holstege, JR Roberts, Lisa Middleton, Geoff Kors.
Cử tri ở thành phố Palm Springs chỉ quan tâm tới các vấn đề thiết thực như cách hành xử từ phía cảnh sát, tình trạng người vô gia cư và cơ sở hạ tầng hơn là đời sống cá nhân của mỗi ứng viên.
"Chẳng có giới tính nào gắn liền với vấn nạn ổ gà trên mặt đường cả. Nếu chúng không được trải nhựa, còn vỉa hè thiếu gạch lát tử tế thì bạn sẽ cảm thấy khó chịu trong mỗi lần di chuyển.
Điều đó luôn chính xác cho dù bạn ủng hộ bất kỳ đảng phái chính trị nào", bà Lisa Middleton – thành viên chuyển giới duy nhất trong hội đồng cho biết.
Christy Holstege – tân thành viên thuộc hội đồng thành phố.
Vấn đề giới tính của ứng viên được chú ý nhiều nhất trong suốt cuộc bầu cử là khi cô Christie Holstege bị cáo buộc về hành vi: Từng kết hôn với đàn ông, giả danh người lưỡng tính để thu hút sự ủng hộ từ phía cử tri.
Trước sự phản đối này, cô Holstege vẫn kiên quyết khẳng định xu hướng tình dục của bản thân và đường hoàng trở thành tân thành viên thứ hai đắc cử vào hội đồng thành phố: "Chẳng ai nghĩ việc giả vờ tuyên bố như vậy sẽ giành được lợi thế, ít nhất là ở một nơi như Palm Springs".
Thị trưởng thành phố ông Robert Moon.
Tân thành viên hội đồng cũng cho rằng, việc mình từng đảm nhiệm công việc luật sư với chuyên môn về vấn đề người vô gia cư mới chính là yếu tố quyết định để đạt được lá phiếu của cử tri.
Cô này chia sẻ: "Tôi sẽ cùng mọi người giải quyết những mong muốn thiết thực liên quan tới cuộc sống của cư dân, chứ không tham gia vào các trào lưu ‘thể hiện quan điểm tiến bộ’ hay đòi phế truất ông Trump như một số thành phần khác đang làm".
Nơi định cư hoàn hảo của cộng đồng LGBT
Quyền bình đẳng của cộng đồng LGBT vẫn là một vấn đề gây tranh cãi gay gắt trong dư luận ở Mỹ. Thậm chí, nó còn trở thành mục tiêu công kích của phe bảo thủ hiện đang nắm giữ quyền kiểm soát trong cả chính phủ lẫn Quốc hội.
Nhiều điều luật nhằm bảo vệ họ được ban hành dưới thời ông Obama phải đứng trước nguy cơ bị bãi bỏ hoàn toàn, và phía quân đội luôn nung nấu ý định cấm người chuyển giới tham gia nhập ngũ.
Palm Springs được mệnh danh là "nơi định cư hoàn hảo" của cộng đồng LGBT.
Tại thành phố nghỉ dưỡng chỉ có 47.000 cư dân chính thức như Palm Springs thì mọi chuyện lại hoàn toàn khác biệt: Vào những năm 1960, nó dần trở thành thiên đường vui chơi giải trí dành cho người thuộc cộng đồng LGBT đến từ kinh đô điện ảnh Hollywood.
Sau đó, nhiều cặp đôi với giới tính đặc biệt đã lựa chọn khu vực này làm địa điểm du lịch bí mật khi không muốn bị mọi người xung quanh biết về giới tính thật rồi quyết định ở lại đây luôn.
Palm Springs là thành phố đứng đầu bang California về số lượng cặp đôi đồng tính.
Theo một thống kê của Viện Williams thuộc trường Đại học California thì tính đến thời điểm hiện tại, Palm Springs là thành phố đứng đầu bang này cũng như đứng thứ ba nước Mỹ về số lượng cặp đôi đồng tính trên 1.000 hộ gia đình.
Chính sự chuyển đổi về cấu trúc dân cư đã khiến một khu vực với đa phần người dân theo đường lối bảo thủ dần thay đổi tư duy và trở nên bình đẳng như hiện nay.
"Những ai thuộc cộng đồng LGBT ở Palm Springs thường tỏ ra quan tâm, thậm chí rất tích cực tham gia các hoạt động chính trị chung. Còn nếu sống ở những nơi khác, có thể họ sẽ cảm thấy sợ hãi khi công khai thể hiện quan điểm của mình trước vài vấn đề nhạy cảm trong xã hội.
Do vậy, đây chính là nơi cư trú an toàn và thoải mái - một thiên đường về đa dạng văn hóa để người đồng tính có thể sống thật với bản thân", lãnh đạo cơ quan quản lý thành phố ông David Ready phát biểu.
Đây là nơi cư trú an toàn và thoải mái để người đồng tính có thể sống thật với bản thân mình.
Vị lãnh đạo này cho biết thêm, ông và một nửa số thành viên trong các tổ chức chính trị - xã hội nhỏ tại nhiều khu dân cư trên địa bàn thành phố Palm Springs đều thuộc cộng đồng LGBT.
Thị trưởng Moon khẳng định: "Khi còn đảm nhiệm vị trí sĩ quan Hải quân, tôi đã dành khá nhiều thập kỷ cho cuộc sống cẩn thận và khép kín nhằm che giấu con người thực của mình.
Bởi vậy, tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi nơi đây có thể chấp nhận việc toàn bộ các thành viên của hội đồng thành phố mang giới tính đặc biệt. Tôi hy vọng mọi quốc gia trên khắp Trái Đất này đều chấp nhận việc đó như ở Palm Springs".
HƯƠNG CHERRY