Thán phục học viên xe tăng VN ở Nga: Băng giá vẫn lái xe điệu nghệ và diệt mọi mục tiêu
Với phần lớn diện tích thuộc vùng ôn đới và hàn đới nên mùa đông nước Nga (Liên Xô trước đây) thật là đáng sợ! Nền nhiệt độ thường xuyên dưới 0 độ C, đất trời toàn một màu tuyết trắng, các hồ nước cũng đóng băng hết và được phủ một lớp tuyết dày. Chả thế mà cả đội quân hùng mạnh của Hoàng đế Na-pô-lê-ông nước Pháp và phát-xít Đức đều khiếp vía trước mùa đông Nga.
Đối với những người sống và lớn lên ở vùng nhiệt đới như các học viên quân sự Việt Nam như chúng tôi thì ra thao trường luyện tập giữa mùa đông giá lạnh này cũng là một thử thách không nhỏ chút nào.
Trên bãi tập mùa Đông
Mùa đông, trên các thao trường luyện tập quân sự ở đâu cũng mênh mông một màu tuyết trắng. Gió thì hun hút thổi làm lạnh cóng tất cả các bộ phận cơ thể hở ra ngoài không khí. Tuy nhiên, nhiệm vụ huấn luyện quân sự không vì thế mà dừng lại bao giờ.
Kế hoạch đã lên rồi, cứ thế mà thực hiện thôi! Với lại, kẻ địch có phải cứ đợi đẹp trời mới đánh đâu! - các thầy giáo Nga thường nói vậy.
Dường như cũng thông cảm với các bạn Việt Nam sinh ra ở miền nhiệt đới, để chống lại cái rét mùa đông Nga khi đi luyện tập dã ngoại mỗi học viên được Học viện cho mượn thêm một chiếc áo lông trắng.
Nghe nói đó là lông gấu Bắc Cực và có giá rất đắt nên chỉ được mượn trong ngày, tối về phải trả lại kho. Ngoài ra còn thêm một đôi ủng dạ có thể đi cả giày da vào. Với bộ trang phục như vậy mới có thể đứng lâu ngoài trời được.
Khi luyện tập trên xe tăng thì học viên sử dụng bộ quần áo công tác mùa đông. Đó là bộ quần áo dạ chần lõi bông bó chặt lấy người nên cũng khá gọn gàng và ấm áp. Tuy nhiên, khi xe chưa nổ máy mà tiếp xúc với khối thép mấy chục tấn thì cũng thấy sởn hết gai ốc lên vì lạnh.
Các bài thực hành lái xe, bắn pháo súng trong những ngày giá lạnh cũng khó hơn so với điều kiện bình thường chưa kể đến sự vụng về của những ngón tay lạnh cóng sau lần găng mỏng.
Về mùa đông, sau mỗi đêm tuyết rơi dày phủ lên mặt đất một lớp tuyết mới che lấp hết đường lái cùng các vật chướng ngại và biển báo, cả một thao trường nhìn chỗ nào cũng như nhau trừ cái chòi chỉ huy nhô hẳn lên cao.
Gặp hôm như vậy, trước khi cho học viên vào lái, giáo viên phải cho các trợ giáo lâu năm - những người đã thuộc lòng đường lái vào lái vòng đầu để học viên cứ theo vết xích đó mà chạy. Chạy ra ngoài, rất có thể là sẽ lao xuống hố hoặc đâm vào vật chướng ngại và tất nhiên là không đạt yêu cầu.
Mùa đông, mặt đường đất thường bị đóng băng trở nên rất cứng và trơn. Khi lái xe qua các khúc cua hoặc dốc nghiêng rất dễ xảy ra trượt ngang Gặp trường hợp này phải hết sức bình tĩnh, giảm tốc độ, về số thấp, chuyển hướng từ từ sẽ không sao.
Tuy nhiên, làm như thế lại ảnh hưởng đến chỉ tiêu tốc độ và thời gian. Còn nếu vẫn giữ tốc độ cao lao vào đó thì hoặc là sẽ có một cú "drift" điệu nghệ hoặc là xe văng ra ngoài đường, thậm chí lật xe..
Còn một điều khó chịu nữa là tuyết liên tục phủ trùm lên làm mờ mắt kính lái. Có khi đang căng mắt nhìn đường bỗng thấy tối om vì một cục tuyết đã trùm lên kính. Tất nhiên là người ta đã có cơ chế xử lý tình huống này bằng cách bật công tắc khí nén thổi tuyết đi nhưng nếu mất bình tĩnh, để xảy ra chết máy hoặc đâm húc cũng sẽ bị mất điểm.
Còn tập bắn pháo súng mùa đông cũng khó hơn nhiều. Trước hết là làm sao để quan sát phát hiện được mục tiêu để mà tiêu diệt. Trong kính ngắm, tất cả là một màu trắng toát, chỗ nào cũng như chỗ nào, bia cũng sơn màu trắng nên để phát hiện được chúng là một nhiệm vụ hết sức khó khăn.
Đây là một kỹ năng cần phải được rèn luyện nhiều lần cộng với sự kiên trì và một chút tinh ý mới khắc phục được.
Do trời lạnh, nhiệt độ không khí thấp hơn rất nhiều so với nhiệt độ tiêu chuẩn (150C) nên ảnh hưởng khá nhiều đến quỹ đạo đường đạn. Đối với các loại xe đời mới như xe tăng T-90, T-72... máy tính đạn đạo sẽ xử lý vấn đề này song với các loại xe cũ hơn như T-54, T-55 thì pháo thủ phải tự xác định lượng sửa bắn sao cho phù hợp, nếu không khi bắn đạn sẽ nổ gần.
Tuy nhiên, các học viên Việt Nam vốn "lắm mẹo" nên người trước rỉ tai người sau: "ngắm cao lên một ít". Cuối cùng rồi anh nào cũng trúng.
Nhưng cũng có những ngày đi tập ngoài trời thật tuyệt vời. Đó là những ngày không quá lạnh, nhiệt độ chừng âm 10 độ, có thể có mặt trời. Ngước nhìn lên bầu trời, đôi khi thấy một tia sáng nhỏ lóe lên. Đó chính là phản chiếu ánh mặt trời của một bông hoa tuyết.
Và nếu để ý kỹ một chút sẽ thấy, trên cái nền màu sơn xanh xám của tháp pháo xe tăng lạnh giá bỗng nhiên có những chấm nhỏ lấp lánh nhẹ nhàng hạ cánh. Đó chính là những bông hoa tuyết- những tinh thể tuyết nhỏ ly ty. Nó không tan đi, không bị vỡ mà giữ nguyên hình hài như khi vừa được sinh ra.
Tuyết là gì? Hoa tuyết là gì?
Thuở bé, học Địa lý chắc ai cũng hiểu tuyết là do hơi nước đóng băng do gặp nhiệt độ thấp trên cao rồi rơi xuống mặt đất. Khác với nước gặp nhiệt độ thấp thì đóng thành băng, thành cục "nước đá". Tuyết do là hơi nước nên đóng lại thành các bông tuyết. Nó tơi xốp và mềm mại chứ không cứng và lạnh như những cục nước đá kia.
Băng tuyết thường chỉ có ở những nơi mà nhiệt độ thấp - tức là ở các vùng hàn đới, ôn đới. Còn các vùng nhiệt đới thì không có. Ở Việt Nam, chỉ có một số nơi trên vùng núi cao phía bắc có thể xuất hiện băng tuyết vào mùa đông như Sa Pa (Lao Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn)...
Lớn lên một chút, xem phim, xem vô tuyến truyền hình thấy cảnh tuyết rơi lả tả, nhẹ nhàng cuốn theo chiều gió như những sợi bông gòn tách ra từ hoa bông, hoa gạo... thường ai cũng nghĩ "tuyết như bông" ấy mà!
Nhưng đến khi thấy những cánh đồng tuyết trắng mênh mông, phủ dầy trên mặt đất hàng vài chục xen- ti- mét hoặc hàng mét thì lại nghĩ "tuyết như cát" ấy bởi trông nó lúc đó chẳng khác gì các sa mạc tuyết!
Thực ra, tất cả những cái "tưởng" trên đều là ngộ nhận! Tuyết phức tạp hơn thế nhiều.
Có thể nói, tế bào của tuyết là các tinh thể tuyết- hay còn gọi là hoa tuyết. Trong các đám mây với nhiệt độ dưới -10 °C, các phân tử nước tụ hợp lại và hình thành tinh thể đá nhỏ, kích thước ban đầu khoảng 0,1 mm. Các tinh thể này dần tăng trọng lượng và rơi xuống dưới.
Các học viên xe tăng Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng giáo viên người Nga. Ảnh: Nguyễn Khắc Nguyệt.
Sự lắng đọng của hơi nướccũng góp phần vào quá trình hình thành tinh thể tuyết, với dạng tiêu biểu là kiểu hình lục giác. Sự định dạng tinh thể tuyết phụ thuộc vào cấu trúc phân tử nước (góc 60° hay 120°) và nhiệt độ không khí.
Dưới nhiệt độ thấp, tinh thể tuyết hình lăng trụ được hình thành, ở nhiệt độ cao hơn là hình ngôi sao. Đây là 2 dạng cơ bản, ngoài ra, sự va chạm của chúng còn tạo ra các tinh thể mới. Người ta đã thống kê được có hơn 6.000 kiểu tinh thể. Thật là muôn hình vạn trạng!
Tùy theo mật độ của các tinh thể và điều kiện thời tiết như nhiệt độ, gió v.v... mà tuyết rơi riêng lẻ từng tinh thể, rơi lả tả hay kết lại với nhau thành từng búi, rơi xuống sẽ tan ngay hay hình thành những cánh đồng tuyết mênh mông v.v... Vì vậy, người ta thường không nhìn thấy hình dáng của từng tinh thể tuyết và rất nhiều người- kể cả những người ở xứ lạnh cũng không biết hình dáng một bông hoa tuyết nó thế nào?
Bắt được những bông hoa tuyết còn nguyên dạng trên tháp pháo - Âu đó cũng là niềm vui của người lính tăng trên bãi tập mùa đông lạnh giá của nước Nga!
90 giây nghẹt thở cùng xe tăng T-90
Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt