Thâm nhập “pháo đài” phòng chống dịch COVID-19 ở Đông Anh - Hà Nội
Thôn Lỗ Giao, xã Việt Hùng (Đông Anh – Hà Nội) là một trong những địa phương được Thủ tướng tặng bằng khen vì làm tốt công tác phòng chống dịch. |
3 vòng “thành trì” kiên cố
Con đường từ trung tâm xã Việt Hùng về thôn Lỗ Giao rợp bóng cờ, pano chuẩn bị cho ngày bầu cử đến gần. Nhịp sống vùng nông thôn yên ả, nhưng thôn xóm nơi đây vẫn đang trong trạng thái quyết liệt chống dịch. Qua mỗi tuyến đường lại có một chốt barie, người từ nơi khác đến phải đo thân nhiệt, khai báo y tế và buộc phải đeo khẩu trang. Chúng tôi vượt được qua “lớp thành trì” chống dịch đầu tiên này mới chỉ là vòng ngoài của “3 lớp” chống dịch để đi gần tới thôn Lỗ Giao – điểm nóng COVID-19 trong những ngày qua.
Trên tuyến đường liên thôn, thỉnh thoảng lại có xe tải, xe máy thồ hàng hóa, nhu yếu phẩm chạy thẳng tới thôn Lỗ Giao và đổ hàng ngay gần chốt kiểm dịch đầu thôn. Giữa trời nắng như đổ lửa, anh Nguyễn Huy Toàn, Công an huyện Đông Anh, trực chốt tại đây liên tục nhắc mọi người đứng đúng vị trí, trả hàng phía ngoài chốt. Hàng hóa tiếp tục được các nhóm thanh niên tình nguyện, bên trong chốt, vận chuyển miễn phí qua từng vòng đai chống dịch. Nếu việc trao đổi bằng tiền mặt, người phía trong trả tiền hàng, sẽ phải nhúng tiền vào nước sát khuẩn, đặt lên bàn sát barie rồi lùi lại để người phía ngoài đến nhận. Cuộc giao dịch mua bán ấy vẫn tuân thủ giữ khoảng cách ít nhất 2 mét giữa người với người, tuyệt đối không tiếp xúc trực tiếp.
Các chốt phòng dịch được thiết trên các con đường liên thôn, liên xã ở huyện Đông Anh. (Trong ảnh: Chốt phòng dịch ở khu vực cách ly thôn Lỗ Giao) |
Anh Nguyễn Huy Toàn cho biết: Chốt phòng chống dịch này được lập lên từ ngày 30/4, khi thôn Lỗ Giao phát hiện trường hợp dương tính COVID-19. Ngay trong ngày, 3 “chốt cứng” chống dịch được dựng lên phong tỏa toàn bộ các lối đi vào thôn, đồng nghĩa với việc tuyệt đối không ai được qua lại. Một “chốt mềm” được dựng ngay đầu thôn có lực lượng trực chốt 24/24. Chốt mềm này là tuyến đường duy nhất cho phép đưa hàng hóa, nhu yếu phẩm từ ngoài vào Lỗ Giao suốt gần 20 ngày qua.
Thực hiện khử khuẩn ở chốt này, anh Nguyễn Khắc Sáng, 31 tuổi, người thôn Lỗ Giao, đang lui cui pha nước sát khuẩn và xịt kỹ từng xe hàng trong làng ra, rồi lại tất bật chuyển các loại thức ăn tươi sống, rau thịt từ phía ngoài vào thôn. Đứng phía bên trong barie “phòng tuyến phong tỏa” nói với ra phía ngoài để trả lời chúng tôi, anh Sáng cho biết: Cả thôn vẫn trạng thái “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, nhưng không phong tỏa hàng hóa, giao thương. Hàng hóa phía trong làng chuyển ra đều buộc phải xịt khuẩn kỹ càng, có lực lượng riêng hỗ trợ vận chuyển hàng ra ngoài. Khối lượng hàng hóa, nhu yếu phẩm duy trì “thông chốt” đều đặn, nên tuyệt đối không có chuyện khan hiếm nhu yếu phẩm trong khu phong tỏa cách ly.
Ở nhà, 5K, tiếp viện
Lúc 11 giờ trưa, loa phóng thanh phía đầu làng bắt đầu chương trình “phát sóng”. Cứ đều đặn hàng ngày, loa phóng thanh của thôn phát nội dung giải thích, nhắc nhở mọi người ở “phòng tuyến lõi” – địa bàn bị cách ly, phong tỏa, tuân thủ nghiêm phòng chống dịch. Yêu cầu mọi người ở yên trong nhà, tuyệt đối không tiếp xúc với nhau và thực hiện tốt 5K. Nhờ vậy, người dân hiểu và tâm thế chống dịch của từng gia đình đã chủ động hơn.
Thanh niên chung tay hỗ trợ người dân vận chuyển hàng hóa vào khu vực cách ly thôn Lỗ Giao |
Anh Nguyễn Khắc Sáng nhớ lại, khi mới phát hiện có người mắc COVID-19 ngay trong thôn, người dân nơi đây đều thấy lo lắng, sợ hãi đến mất ăn mất ngủ. Dịch bệnh đã ở ngay cạnh mình, cả làng không ai dám ra khỏi nhà. Ngay gia đình anh Sáng, bố mẹ già yếu, con còn nhỏ, nguồn thu chính đều trông vào tiền lương công nhân ít ỏi của anh. Thời gian phong tỏa toàn thôn, cũng đồng nghĩa Sáng nghỉ việc bằng đó thời gian. Dù vậy, với tinh thần cùng phòng chống dịch, công ty của Sáng vẫn chấp nhận trả một phần lương trong thời gian anh cách ly tại nhà. Bớt đi áp lực chi phí sinh hoạt, anh Sáng cùng các thành niên trong thôn dành toàn bộ thời gian để hỗ trợ công tác chống dịch trong thôn, cùng quyết tâm đẩy lùi COVID-19.
Tranh thủ tới chốt kiểm dịch để nhận đồ thực phẩm tươi sống về, chị Trần Thị Thuận, người trong thôn Lỗ Giao, cho biết: Thực hiện cách ly chống dịch, nên mọi người đều ở trong nhà. Nhà sát vách cũng hạn chế tiếp xúc, nói chuyện. Suốt 2 tuần qua, chị chỉ ra đầu làng để lấy thức ăn tươi sống về và tuân thủ việc ở yên trong nhà. Người dân trong làng vốn sống dựa vào nông nghiệp, gạo, rau có thể chủ động được. Khi cần thịt, cá hay hàng tiêu dùng thiết yếu thì nhờ người quen ở “vòng ngoài” mua ở chợ mang vào. “Trong lúc chống dịch quyết liệt thế này, ai cũng sẵn sàng, nhiệt tình giúp nhau, đâu tính gì công xá. Đến giá cả các mặt hàng cũng không thay đổi, hay chèn ép gì”, chị Thuận nói.
Sau gần 3 tuần thực hiện phong tỏa, thời điểm này, mọi người đã dần quen với nhịp sống mới. Chốt chưa được gỡ bỏ, dịch bệnh vẫn lẩn khuất xung quanh, nhưng theo chị Thuận, người dân không còn hoang mang nữa. Bởi ai cũng nhận thức và ý thức chủ động các biện pháp phòng chống dịch, tuân thủ nghiêm “5K”. Giữ khoảng cách, sát khuẩn thường xuyên, đeo khẩu trang, dịch bệnh dần được đẩy lùi; người dân thấy yên tâm thì nhịp sinh hoạt trong thôn cũng không còn quá căng thẳng, bức bối nữa. “Cứ đồng lòng, quyết tâm, chung tay phòng chống dịch, thì cuộc sống trong thôn sẽ sớm trở lại như bình thường”, chị Thuận quả quyết.
Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương mua vaccine để tiêm trên diện rộng Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18/5/2021 về việc mua vaccine phòng COVID-19. |
Đảm bảo giãn cách và tuân thủ 5K tại khu vực tổ chức bầu cử Đây là một trong những lưu ý của Bộ Y tế nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trước và trong thời gian bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. |