Tham gia HĐBA Liên Hiệp Quốc phản ánh vị thế ngày càng đi lên của Việt Nam
Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc hội nghị. |
Tham dự hội nghị có ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Triệu Minh Long - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông và đại diện một số bộ ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về các chủ đề liên quan đến hội nhập quốc tế và UNESCO là cơ hội để các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí và đại diện các Bộ, ngành liên quan gặp gỡ và cùng trao đổi về hợp tác đa phương. Hội nghị đưa đến các thông tin về công tác đối ngoại đa phương của Việt Nam trong quá trình đàm phán và thực thi các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam, các cơ hội và thách thức. Bên cạnh đó là các hoạt động trọng tâm của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trên các lĩnh vực có liên quan, chiến lược của UNESCO tại Việt Nam giai đoạn 2020-2021.
Ông Đỗ Hùng Việt, Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao phát biểu tại hội nghị. |
Tại hội nghị, đại diện Bộ Ngoại giao Ông Đỗ Hùng Việt, Vụ trưởng Vụ Chính sách Đa biên khẳng định việc tham gia Hội đồng Bảo an của Việt Nam là một quyết định mang tính chiến lược, phản ánh xu thế khách quan về nhu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam cũng như vị thế ngày càng đi lên của đất nước, là bước triển khai đường lối đối ngoại đa phương của Đảng và Nhà nước, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Quang cảnh hội nghị. |
Chỉ thị đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để triển khai đồng bộ các hoạt động đối ngoại đa phương trên các lĩnh vực, và các tầng nấc ưu tiên trong triển khai đối ngoại đa phương được xác định là ASEAN, Liên hợp quốc, đặc biệt, với vai trò là khu vực then chốt đối với không gian phát triển của Việt Nam và đang trở thành một trung tâm quyền lực mới của thế giới, các khuôn khổ hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có hợp tác tiểu vùng cũng được xác định là một tầng nấc ưu tiên trong triển khai công tác đối ngoại đa phương thời gian tới.
Tại hội nghị, Bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Đa biên, Bộ Công thương trình bày tổng quan về vấn đề “Cập nhật tình hình đàm phán và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam” trong đó nhấn mạnh hai hiệp định là CPTPP và VN-EVFTA.
Bà Mai nêu ra cơ hội của Việt Nam khi kí kết được các hiệp định thương mại quan trọng, và đặc biệt bà Mai nhấn mạnh những thách thức như xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên; xu hướng tái định hình các mối quan hệ kinh tế quốc tế; một số thị trường đối tác FTA như ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ có tính bổ sung thấp, khó tiếp tục khai thác hiệu quả; khả năng tận dụng ưu đãi của FTA chưa cao; sức ép cạnh tranh đối với hàng hoá, dịch vụ trong nước và chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học công nghệ chưa cao.
Trên cơ sở đó, bà Phạm Quỳnh Mai đưa ra 5 khuyến nghị là: Xác định kế hoạch tổng thể; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin phù hợp; nâng cao vai trò tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động trong doanh nghiệp và hoàn thiện xây dựng pháp luật, thể chế.
Ông Mai Phan Dũng, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO đã trình bày “Các hoạt động trọng tâm của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam”. Trong đó, nhấn mạnh quan hệ hợp tác Việt Nam-UNESCO tiếp tục được tăng cường. Việt Nam tiếp tục đóng góp vào các vấn đề quan trọng của tổ chức, qua đó khẳng định vai trò thành viên tích cực, có trách nhiệm tại UNESCO, tiếp thu và nỗ lực thúc đẩy các chương trình, sáng kiến của UNESCO về văn hóa, khoa học tự nhiên, giáo dục và thông tin ở trong nước thông qua các hợp tác cụ thể…
Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam (thứ hai từ trái sang) trình bày về 4 chủ đề chiến lược của UNESCO tại Việt Nam. |
Tham dự hội nghị, ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã đề cập đến “Chiến lược của UNESCO tại Việt Nam trong giai đoạn tới”. Theo Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, chiến lược của UNESCO tại Việt Nam 2020-2021 hướng đến mục tiêu hợp tác vì sự tiến bộ của xã hội. Chiến lược gồm có 4 chủ đề chính: Học tập vì tương lai; Khoa học vì sự phát triển bền vững; Đặt văn hóa ở trung tâm của sự phát triển; Thúc đẩy phát triển xã hội qua truyền thông.
Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về các chủ đề liên quan đến hội nhập quốc tế và UNESCO là hoạt động thường niên do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Các diễn giả là các chuyên gia có bề dày kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu, đã và đang tham gia trực tiếp vào việc triển khai các hoạt động về hội nhập quốc tế nói chung và UNESCO nói riêng.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua chương trình làm việc tháng 1/2020 do Việt Nam đề xuất Ngày 2/1, tại New York (Mỹ), Việt Nam đã tiến hành các hoạt động chính thức trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an ... |
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có 6 thành viên mới Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã có 6 thành viên mới, gồm: Guinea Xích đạo, Cote D'Ivoire, Kuwait, Hà Lan, Peru ... |
Thụy Điển ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc Sáng 6/4 (giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tới ... |