Thái sư Lưu Cơ và công lao to lớn đối với lịch sử Việt Nam
Tượng đồng Thái sư Lưu Cơ thờ ở đình Đại Từ (Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên). |
Hướng tới kỷ niệm 1010 năm ngày mất của Thái sư Lưu Cơ (1013-2023), sáng 15/5, tại Hoàng thành Thăng Long (số 19C, phố Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội và Hội đồng Lưu tộc Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo khoa học "Vai trò lịch sử của Thái sư Lưu Cơ".
Tại Hội thảo, các nhà sử học đã đưa ra nhiều dẫn chứng cho thấy Thái sư Lưu Cơ là một danh nhân lịch sử, có nhiều công lao to lớn với dân tộc trải qua 3 triều đại: nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý.
Theo "Phả ký tông từ họ Lưu" của dòng họ Lưu, viết vào đời vua Lý Anh Tông năm 1138 (hiện lưu trữ tại đền Vạn Ngang, quận Đồ Sơn, Hải Phòng) và Ngọc phả còn lưu tại đền, đình thờ tự ngài Lưu Cơ, Thái sư Lưu Cơ sinh ngày mùng 3 tháng Giêng năm Canh Tý (940) tại trang Tri Hối (nay là thôn Tuy Hối, xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Ông vốn thuộc dòng họ Lưu "Yên Định xứ Hoan Châu", tức vùng đất Yên Định, nay thuộc xã Thịnh Lộc và xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Cai quản cải tạo Đại La, dời đô về Thăng Long
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Thái sư Lưu Cơ (940-1013) là một trong những vị khai quốc công thần nhà Đinh, có công giúp Đinh Tiên Hoàng đánh dẹp, thống nhất đại loạn 12 sứ quân thế kỷ X trong lịch sử Việt Nam. Ông cũng là một trong tứ trụ triều đình, giúp Đinh Tiên Hoàng điều hành, quản lý, ổn định xã hội, được nhà vua tin dùng.
Thành Đại La – Kinh thành Thăng Long xưa. |
Theo GS TS Trương Quốc Bình - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Bảo tàng, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch - cho biết, Thái sư Lưu Cơ có đóng góp to lớn trong việc cải tạo, xây dựng thành Đại La. Từ thời nhà Đinh, ông là người cai quản thành Đại La trong vòng 40 năm (971 – 1010). Ông đã tu sửa thành Đại La của An Nam đô hộ phủ thời nhà Đường trở nên một toà thành của nước Đại Cồ Việt độc lập và chuẩn bị mọi điều kiện cơ sở hạ tầng cho cuộc dời đô của nhà vua Lý Thái Tổ có thể di chuyển từ Hoa Lư ra Thăng Long trong một thời gian rất ngắn. Ông đã cải tạo An Nam đô hộ phủ (thành Đại La) theo hướng vọng về phía Bắc (hướng về thành Tràng An của nhà Đường) thành một toà thành hướng về phía Nam (hướng về thành Hoa Lư của nhà Đinh và Tiền Lê).
Không phải ngẫu nhiên mà sử sách xưa đã đề cao vai trò của Lưu Cơ: “Đinh Tiên Hoàng nhân khi nước Ngô loạn mất, bình được mười hai sứ quân, trời cho người theo, thống nhất bờ cõi, dùng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú làm người phù tá, sáng chế triều nghi, định lập quân đội, vua chính thống của nước Việt ta, thực bắt đầu từ đấy, kể về mặt dẹp giặc phá địch thì công to lắm!”.
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Thái sư Lưu Cơ
Hội thảo khoa học 'Vai trò lịch sử của Thái sư Lưu Cơ'' (Ảnh:baotintuc) |
Cùng với 18 báo cáo khoa học, Hội thảo khoa học "Vai trò lịch sử của Thái sư Lưu Cơ" đã góp phần làm rõ vai trò lịch sử của ông đối với sự kiện thống nhất đất nước, những đóng góp đối với các triều đại Đinh, Tiền Lê và đầu thời Lý.
Nhận thức được những đóng góp to lớn của Thái sư Lưu Cơ cho lịch sử đất nước, nhiều nhà khoa học, sử học, chuyên gia văn hóa đã đề xuất những hành động cụ thể để tôn vinh, phát huy giá trị như: Khôi phục, tu bổ di tích liên quan đến Thái sư Lưu Cơ; tăng cường nghiên cứu, sưu tầm tư liệu lịch sử về vai trò, vị trí của Lưu Cơ đối với các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý; đặt tên trường, đường phố, giải thưởng...
Bà Nguyễn Thị Dơn - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội - cho rằng những tư liệu lịch sử về Thái sư Lưu Cơ sẽ đóng góp, bổ sung cho việc trưng bày thường xuyên và trưng bày chuyên đề giai đoạn lịch sử tiền Thăng Long của Bảo tàng Hà Nội, di tích Hoàng thành Thăng Long.
"Ông cũng xứng đáng được đặt tên cho một đường phố ở Hà Nội. Điều nay nhằm nhắc nhở thế hệ sau tìm hiểu, ghi nhớ công ơn của các vị tiền bối, để các danh nhân lịch sử sống mãi trong tâm thức của đất Kinh Kỳ, kẻ Chợ, nơi hội danh tài bốn phương suốt hơn 1000 năm qua", bà Nguyễn Thị Dơn đề xuất.
GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo - ĐH QGHN cũng đánh giá: "Công lao, đức độ của Thái sư Lưu Cơ đã được nhân dân ở những nơi có sự hiện diện của ông hoặc biết đến ông ghi nhận qua hệ thống rất nhiều đền thờ, các gia phả, thần phả…. Với tầm vóc và công lao đóng góp của mình, Thái sư Lưu Cơ xứng đáng có vị trí được tôn vinh trong di tích Hoàng thành Thăng Long và ở Thủ đô Hà Nội…"