Thái Bình: Nhiều chuyển biến trong khắc phục 'thẻ vàng' IUU
Đây cũng là hành động cấp thiết nhằm chung tay cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” của EC vào năm 2022 theo quyết tâm của Chính phủ, đồng thời đưa hoạt động khai thác thủy sản tại địa phương đi vào nề nếp, hướng tới phát triển bền vững.
Từng bước thay đổi nhận thức của ngư dân
Tỉnh Thái Bình có 760 tàu cá được đăng ký và nhập dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia và 178 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS (đạt tỷ lệ trên 97%) (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN). |
Thay vì quy trình khai thác, đánh bắt truyền thống như trước đây thì nay, trước mỗi chuyến đi biển ngư dân Tạ Duy Tú (thôn Quang Lang, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy) đã hình thành thói quen thông báo lịch trình, ghi chép nhật ký khai thác và các thủ tục theo quy định trước khi xuất bến. Mặc dù đây là việc làm còn mới mẻ song anh Tú và nhiều chủ tàu khác tại Cảng cá Tân Sơn (huyện Thái Thụy) đều chấp hành nghiêm túc.
Còn đối với ngư dân Nguyễn Văn Lang (chủ tàu TB.90215-TS và TB.90216-TS, Thị Trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy) việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá giúp ngư dân yên tâm hơn khi vươn khơi, nhất là trong điều kiện thời tiết nhiều bất thường. Với 2 tàu cá có chiều dài trên 24 mét, năm 2019 anh Lang đã sớm lắp đặt thiết bị giám sát hành trình với kinh phí gần 19 triệu đồng.
Ngư dân Nguyễn Văn Lang cho biết, ưu điểm khi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là cơ quan quản lý có thể nắm bắt được tàu đang hoạt động ở vị trí nào. Khi tàu gặp trục trặc hay tai nạn dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm, cứu hộ. Ngoài ra, đây cũng là kênh thông tin quan trọng giúp tàu cá định vị khai thác trong vùng biển được quy định.
Để từng bước thay đổi, nâng cao ý thức của ngư dân về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, đồng thời thực hiện Quy chế phối hợp giữa các ngành trong chống khai thác IUU, thời gian qua lực lượng Biên phòng tỉnh đã tích cực phối hợp với Chi cục Thủy sản và chính quyền địa phương tuyên truyền đến từng ngư dân, từng chủ phương tiện về các quy định của pháp luật. “Chủ công” trên mặt trận này là các đồn biên phòng nằm trên 2 địa bàn ven biển Thái Thụy, Tiền Hải.
Huyện Thái Thụy là địa phương tập trung số lượng tàu cá có chiều dài từ 15 đến 24 mét và trên 24 mét lớn nhất của tỉnh Thái Bình với tổng số 144 phương tiện. Thiếu tá Kiều Công Võ, Đội trưởng đội giám sát thủ tục Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Diêm Điền, huyện Thái Thụy cho biết, bên cạnh việc tuyên truyền, ký cam kết, thời gian qua lực lượng biên phòng cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, nhắc nhở và kiên quyết không thực hiện thủ tục xuất bến đối với các phương tiện chưa đủ điều kiện. Qua các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, bước đầu ghi nhận ý thức của bà con ngư dân trong việc thực hiện các quy định kiểm tra, kiểm soát và chấp hành quy định trong hoạt động khai thác thủy sản đã có chuyển biến tích cực.
Chung tay nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU
Đồn Biên phòng Cửa Lân (Tiền Hải, Thái Bình) tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến ngư dân (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN). |
Thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Thái Bình (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh), hiện toàn tỉnh có 760 tàu cá đã được đăng ký và nhập dữ liệu vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase; 178/183 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS (đạt 97,26%); có 682/760 tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản (đạt 89,73%); 175/183 tàu được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (đạt 95,62%).
Thực hiện quy chế phối hợp, hàng tháng Chi cục Thủy sản đều có văn bản thông báo tới UBND các huyện và lực lượng Bộ đội biên phòng các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác hải sản IUU như tàu cá mất kết nối, chưa kích hoạt thuê bao, chưa cấp giấy phép khai thác, chưa được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
Thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát, 6 tháng năm 2022, lực lượng chức năng tỉnh Thái Bình đã phát hiện 26 vụ, 23 phương tiện, 38 đối tượng vi phạm Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, thu nộp ngân sách nhà nước số tiền gần 282 triệu đồng; trong đó có một số lỗi vi phạm như đánh dấu tàu cá sai quy định, thuyền viên không có có tên trong sổ danh bạ tàu cá…
Ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thái Bình cho biết, thời gian qua UBND tỉnh Thái Bình, các ngành và 2 huyện ven biển Thái Thụy, Tiền Hải đã quyết liệt chỉ đạo, tăng cường phối hợp trong việc triển khai thực hiện các biện pháp chống khai thác IUU. Đến nay, việc kiểm tra, kiểm soát tàu thuyền tại cảng cá đã đi vào nề nếp, hầu hết bà con ngư dân đã nghiêm túc chấp hành quy định Luật Thủy sản cũng như quy định về khai thác IUU. Tuy vậy, việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp tại Thái Bình vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2 cảng cá là cảng cá Tân Sơn (huyện Thái Thụy) và cảng cá Cửa Lân (huyện Tiền Hải) đang hoạt động; trong đó cảng cá Tân Sơn chưa được công bố là cảng cá loại II với luồng ra vào cảng bồi lắng, tàu cá khó ra vào cảng, cơ sở hạ tầng xuống cấp dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ giám sát sản lượng thủy sản, thu nhật ký, báo cáo khai thác theo quy định. Đối với cảng cá Cửa Lân mặc dù đã được công bố là cảng cá loại II song cơ sở vật chất tại đây cũng chưa đảm bảo theo quy định; chưa cập nhật đầy đủ dữ liệu vào phần mềm quản lý tàu cá Quốc gia VNFishbase.
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa Lân (Tiền Hải, Thái Bình) tăng cường tuần tra kiểm soát kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến ngư dân về chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp và không khai báo, không theo quy định (IUU) (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN). |
Theo ông Giang, hiện nay vẫn còn tình trạng một số ngư dân cố ý ngắt kết nối gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra, kiểm soát hoặc vượt ranh giới biển. Thống kê đến ngày 31/7/2022, có 40 tàu cá mất tín hiệu kết nối (trong đó 25 tàu cá chưa kích hoạt lại thuê bao; 15 tàu mất kết nối trên 10 ngày), 5 tàu thuộc huyện Thái Thụy chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; 9 tàu chưa được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và 78 tàu chưa được cấp giấy phép khai thác thủy sản.
Tuy nhiên theo ông Giang, việc xác định hành vi mất kết nối do cố ý hay không rất khó xác định do tàu cá hoạt động trên biển, khó khăn cho lực lượng chức năng có căn cứ để xử lý theo quy định.
Để tiếp tục đưa công tác chống khai thác IUU đi vào nề nếp và cùng với cả nước sớm đạt mục tiêu gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu vào năm 2022 theo chỉ đạo của Chính Phủ, thời gian tới tỉnh Thái Bình sẽ tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền về Luật Thủy sản và các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tàu cá tại cảng, đặc biệt là kích hoạt thiết bị giám sát hành trình, hạn chế việc tàu thuyền khai thác không đúng quy định và vi phạm vùng biển nước ngoài.