Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018: Tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí
(Ảnh minh họa: Internet)
Tai nạn giao thông giảm ba tiêu chíTheo báo cáo tổng hợp sơ bộ đến thời điểm 16 giờ của Văn phòng Bộ Công an, ngày 20/2, toàn quốc xảy ra 29 vụ tai nạn giao thông (trong đó có 5 vụ va chạm giao thông đường bộ), làm chết 16 người, 34 người bị thương.
Như vậy, trong 7 ngày nghỉ Tết Mậu Tuất, cả nước xảy ra 218 vụ tai nạn giao thông, 78 vụ va chạm giao thông, làm chết 195 người, bị thương 199 người (chưa bao gồm những người bị xây sát nhẹ trong các vụ va chạm). So với 7 ngày nghỉ Tết Đinh Dậu, số vụ tai nạn giao thông giảm 150 vụ (41%), 8 người chết (4%) và 218 người bị thương (52%).
Trong thời gian nghỉ Tết, chỉ xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng vào ngày 16/2 tại Cà Mau làm chết 3 người, bị thương 1 người. Đặc biệt, dịp Tết năm nay không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách.
Còn theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tổng số ca khám, cấp cứu do tai nạn giao thông từ sáng 14/2 đến sáng 20/2 là 37.376 trường hợp (lượt khám), không tăng so với Tết năm trước. Đây là số liệu ghi nhận tại khoa khám bệnh các bệnh viện, theo lời khai của người bệnh và người nhà người bệnh, bao gồm nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau, chưa loại trừ số liệu trùng lặp do các trường hợp chuyển tuyến hoặc một trường hợp đến khám tại nhiều bệnh viện.
Tuy vậy, số lượt nhập viện điều trị nội trú là 12.630 trường hợp, tăng 12,8% so với dịp Tết Đinh Dậu, tăng cao trong các ngày mùng 3 và mùng 4 Tết. Tổng số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông (bao gồm cả tử vong trước khi đến bệnh viện) là 168 trường hợp, giảm nhẹ so với 175 trường hợp trong 6 ngày Tết Đinh Dậu năm 2017.
Đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân
Điểm nổi bật trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp Tết năm nay là mặc dù nhu cầu đi lại tăng cao nhưng năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đã đáp ứng được.
Với sự chủ động chuẩn bị của các đơn vị vận tải và sự phối hợp chặt chẽ của các bến xe, tổ chức bán vé và vận tải hợp lý nên tất cả các bến xe trong cả nước đều đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, không để tồn đọng khách trên bến hàng ngày. Trong đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, sản lượng vận chuyển từ ngày 6/2 đến ngày 20/2 ước đạt trên 1,33 triệu lượt khách với hơn 51,6 ngàn lượt xe phục vụ, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 148% so với ngày thường. Trong dịp Tết Nguyên đán 2018, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam bố trí 22 đoàn tàu khách, phục vụ trên 60 ngàn lượt hành khách, tăng 5 đoàn tàu và tăng 5,9% lượng hành khách vận chuyển so với cùng kỳ năm 2017.
Vận tải hàng không trong dịp Tết 2018 cũng tăng mạnh. Số liệu thống kê cho thấy từ ngày 13/2 - 19/2 (ngày 28 tháng Chạp đến ngày 4 tháng Giêng), tổng sản lượng hành khách, hàng hóa thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt 13,3 ngàn lần hạ cất cánh, tăng 9,2%; hơn 1,98 triệu hành khách, tăng 13,5%; 10,7 ngàn tấn hàng hóa. Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển đạt hơn 975 ngàn khách, 3,6 tấn hàng hóa, tăng tương ứng 23,1% về hành khách và 10,6% về hàng hóa so với cùng thời điểm Tết nguyên đán Đinh Dậu năm 2017.
Trong giai đoạn Tết Nguyên đán, thời tiết xấu tại Cảng hàng không Vinh, Đồng Hới, Thọ Xuân, Huế, là nguyên nhân dẫn đến các chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam bị chậm chuyến, hủy chuyến. Đặc biệt, trong ngày 19/2, tại Cảng hàng không Vinh, các chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam bị chậm chuyến, phải chuyển sân hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (5 chuyến bay). Bên cạnh đó, các chuyến bay của các hãng khai thác sau 20h30 đều bị hủy và chậm chuyến kéo dài (có 6 chuyến bay bị hủy). Các hãng hàng không đã nghiêm túc thực hiện tốt công tác phục vụ hành khách đối với các chuyến bay bị chậm, gián đoạn, hủy chuyến theo quy định. Đối với hành khách trên các chuyến bay chuyển sân hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, các hãng đã chủ động bố trí phương tiện ô tô đưa hơn 850 hành khách trở về Vinh.
Lĩnh vực vận tải đường thủy nội địa và hàng hải cũng ghi nhận tình hình lưu thông thuận lợi, an toàn, thông suốt, không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Hoạt động bốc dỡ hàng hóa tại các cảng, bến được bố trí đủ nhân lực, vật lực, đảm bảo giải phóng hàng nhanh chóng, không xảy ra ách tắc hàng hóa tại cảng, bến.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng, nhiều nhà máy, doanh nghiệp, trường đại học tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương đã tổ chức chương trình hỗ trợ phương tiện đưa công nhân, sinh viên nghèo về quê ăn Tết. Các lực lượng nỗ lực cao nhất để đảm bảo không để người dân không về đón Tết với gia dình do không có phương tiện đi lại. Đặc biệt, tại Hà Nội lực lượng Cảnh sát giao thông đã sử dụng phương tiện cá nhân để giúp 5 người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn kịp về đón xuân với gia đình. Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội phối hợp với Sở Giao thông vận tải Hà Nội tổ chức 25 chuyến xe 45 chỗ để chở miễn phí công nhân về quê ăn Tết; tăng cường 990 chuyến xe buýt của mạng lưới tuyến xe buýt, sẵn sàng đảm bảo phục vụ hành khách khi có nhu cầu tăng đột biến. UBND tỉnh Bình Dương đã phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh phát động chương trình hỗ trợ 4.000 vé xe và xuất quà cho công nhân về quê ăn Tết, ngoài ra, nhiều doanh nghiệp vận tải trên địa bàn cũng đã ký hợp đồng vận chuyển với khu công nghiệp để vận chuyển đưa đón công nhân về quê ăn Tết...
Ùn tắc giao thông giảm
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, do có phương án chỉnh trang kết cấu hạ tầng, tổ chức phân luồng hợp lý và tăng cường lực lượng hướng dẫn giao thông, đồng thời, do người dân cũng chủ động chọn thời điểm đi lại, tránh tập trung những khoảng thời gian cao điểm nên tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, kéo dài trong kỳ nghỉ Tết này đã giảm đáng kể so với những năm trước. Một số trạm thu phí, tuyến đường trục chính tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra ùn tắc đã được lực lượng chức năng ứng trực kịp thời xử lý và đưa giao thông thông suốt trở lại.
Tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh về cơ bản không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài mà chỉ xảy ra tình trạng ùn ứ tại một số tuyến phố quanh khu vực bắn pháo hoa, các đền, chùa do người dân đi lễ đầu năm. Lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đã tổ chức chốt trực, hướng dẫn phân luồng giao thông tại 352 nút giao thông trọng điểm (63 điểm chợ hoa, chợ Tết; 15 tuyến quốc lộ, trục chính ra vào thành phố; các điểm tâm linh).
Tuy nhiên, theo ông Khuất Việt Hùng, tình trạng đi xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, uống rượu bia điều khiển phương tiện còn xảy ra khá phổ biến. Tai nạn giao thông còn diễn biễn phức tạp, tăng cao trên địa bàn ngoài đô thị. Vẫn còn còn tâm lý “nể nang” trong ngày Tết của lực lượng chức năng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn trong việc xử lý những hành vi vi phạm quy định pháp luật của người điều khiển phương tiện.
Bên cạnh đó, tình trạng chở quá số người quy định (nhồi nhét khách), tăng giá vé ô tô quá mức quy định vẫn xảy ra. Hiện tượng đón, trả khách dọc đường, không đúng nơi quy định diễn ra khá phổ biến trên hầu hết các tuyến giao thông có mật độ xe ô tô chở khách cao, đặc biệt là trên quốc lộ 1. Nguyên nhân chủ yếu là một bộ phận chủ xe, lái xe cố tình vi phạm để kiếm lời, mặt khác do một bộ phận hành khách có thói quen vẫy xe trên đường, không chịu đến bến xe, điểm đón trả khách theo quy định; đồng thời, công tác kiểm tra, kiểm soát vẫn chưa giám sát hết được các hành vi vi phạm.
Chu Thanh Vân