Tên lửa DF-26 của Trung Quốc đủ sức đánh chìm tàu sân bay Mỹ?
Tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) Dongfeng-26 (DF-26) chính thức được Lực lượng tên lửa thuộc Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLARF) đưa vào hoạt động từ ngày 26/4/2018 sau quá trình thử nghiệm và kiểm tra hoạt động kéo dài nhiều tháng.
Phát biểu tại buổi họp báo cùng ngày, Đại tá Wu Qian, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết tên lửa DF-26 là loại vũ khí mới được trang bị cho PLARF và có 4 tính năng nổi bật.
Thứ nhất, đây là loại tên lửa được nghiên cứu, phát triển và chế tạo hoàn toàn bởi Trung Quốc và nước này có toàn quyền sở hữu DF-26. Thứ hai, DF-26 có thể mang cả đầu đạn thông thường cũng như đầu đạn hạt nhân, có khả năng phản công hạt nhân nhanh chóng hoặc tấn công phủ đầu chính xác ở tầm trung và tầm xa. Thứ ba, nó có thể tấn công chính xác mục tiêu quan trọng trên đất liền cũng như tàu cỡ trung và cỡ lớn trên biển. Thứ tư, Trung Quốc đã áp dụng một số công nghệ mới cho DF-26, làm tăng hiệu quả và nâng cao khả năng kết nối của nó.
Tên lửa DF-26 lần đầu xuất hiện chính thức vào năm 2015. Ảnh AFP..
Ông Wu khẳng định: Trung Quốc không giống như Mỹ và Nga mà sẽ tiếp tục duy trì nghiêm ngặt chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước, bất chấp khả năng tự vệ mạnh mẽ của loại tên lửa mới. "Cần phải nhấn mạnh rằng không có sự thay đổi trong chiến lược phòng vệ hạt nhân của Trung Quốc cũng như chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước" - Đại tá Wu nhấn mạnh.
Theo các thông tin đã được công bố, DF-26 có tầm bắn 3.000 - 4.000km, có thể mang đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân nặng 1,2 - 1,8 tấn. Điều này có nghĩa Trung Quốc có thể tấn công thẳng vào lãnh thổ Mỹ ở đảo Guam hoặc DF-26 có thể được sử dụng để nhắm mục tiêu vào các tàu chiến trên biển, trong trường hợp có chiến tranh. Ngoài ra, những quả tên lửa khổng lồ (nặng khoảng 20 tấn) này cũng có khả năng đe doạ các tàu sân bay lớp Nimitz, thậm chí các siêu tàu sân bay sử dụng năng lượng hạt nhân lớp Ford của Mỹ.
Trong khi đó, theo phân tích của tờ National Interest (Mỹ), có ít nhất 2 phiên bản của tên lửa DF-26, bao gồm DF-26A và DF-26B. Các phiên bản này có trang bị đầu đạn khác nhau, cũng như các thiết bị dẫn đường riêng biệt. Trong đó, một phiên bản có lẽ được thiết kế để nhắm mục tiêu cố định trên mặt đất và có khả năng trang bị kép đầu đạn thông thường/hạt nhân với độ sai lệch khoảng 150 - 450m. Tuy nhiên, một biến thể tên lửa DF-26 chống hạm sẽ được thiết kế để nhắm mục tiêu trên biển và trên bộ với độ chính xác cực kỳ cao. Theo đó, độ sai lệch sẽ là rất nhỏ, ước tính có thể chỉ vào khoảng 10m.
Tên lửa DF-26 xuất hiện trong một buổi diễu hành ở Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh The National Interest.
Mặc dù vậy, chưa rõ chính xác tên lửa DF-26 nhắm mục tiêu và định hướng như thế nào. Trong mọi trường hợp, hành trình bay của các tên lửa tầm trung/tầm xa là vô cùng phức tạp và rất dài. Do đó, đến nay, chưa có bất cứ thử nghiệm nào công khai thừa nhận khả năng chống lại mục tiêu trên biển của tên lửa DF-26.
Một số chuyên gia suy đoán rằng DF-26 đã được thử nghiệm hồi tháng 5/2017 tại vùng biển gần bán đảo Triều Tiên, nhưng Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc không chính thức thừa nhận điều này. Hôm 9/5/2017, Bộ Quốc phòng nước này chỉ cho biết PLARF đã bắn thử một loại tên lửa mới "ở đâu đó" thuộc vùng biển Bột Hải "trong những ngày gần đây và đạt được kết quả mong muốn". Bắc Kinh không đưa ra chi tiết về loại vũ khí đã được thử nghiệm này.
Nhà phân tích quân sự Liang Guoliang khi đó nhận định trên tờ South China Morning Post: "Tên lửa có thể đã được phóng đi từ phía Tây Bắc về phía Đông, với tầm bắn từ 2.000km trở lên. Đó có khả năng là tên lửa tầm trung tiên tiến DF-26B, một phiên bản cải tiến của DF-26". Đồng quan điểm với ông Liang còn có nhiều chuyên gia khác, nhưng vẫn không có bằng chứng chắc chắn khẳng định Trung Quốc đã bắn thử tên lửa DF-26.
Trọng Sang