Tạo sinh kế cho người dân nghèo Campuchia: hoạt động thiết thực, hiệu quả
Tặng, tạo “vốn mồi” cho người dân nghèo Campuchia
Từ 1 con bò giống do Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước tặng vào năm 2020, đến nay gia đình bà Sovannthyda, huyện Snoul, tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia đã có 3 con bò. Đàn bò được chăm sóc đúng kĩ thuật nên phát triển tốt. Nhờ có đàn bò này, gia đình bà cũng được thoát nghèo. Cách xây dựng, vệ sinh chuồng trại, che chăn khi trời rét, cách trồng cỏ voi, kỹ thuật chăm sóc bò thịt, bò, trâu sinh sản; cách nhận biết một số bệnh thông thường và phòng tránh dịch bệnh được cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Bình Phước theo dõi, hướng dẫn chăm sóc; cơ quan thú y hỗ trợ về kỹ thuật, bảo đảm cho trâu, bò giống phát triển tốt.
Trao bò giống cho người dân khó khăn tại Campuchia. Ảnh: Bùi Liêm |
Anh Phat Chang (xã Thmay, huyện Kampong Ro, tỉnh Svay Rieng) hào hứng khoe, 4ha đất của anh chưa bao giờ đạt năng suất cao như vậy. Nhờ áp dụng phương thức sản xuất mới mà nông dân Việt Nam hướng dẫn, anh thu hoạch lúa được gần 7 tấn/ha. Anh Chang nói: "Tôi học được rất nhiều từ những hướng dẫn của người dân, cán bộ xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, Long An. Tôi thường xuyên sử dụng phân, thuốc theo đúng hướng dẫn, giúp cây lúa khỏe mạnh, mang lại hiệu quả rõ rệt. Chắc chắn vụ mùa này, năng suất sẽ cao như những vụ trước".
Có thể nói chăm lo đời sống cho người dân hai bên biên giới là việc làm thường xuyên được chính quyền địa phương hai quốc gia đặc biệt quan tâm. Ngoài hỗ trợ về bò giống, những năm qua tỉnh Bình Phước còn hỗ trợ cây sắn giống, gà giống H’Mông, đà điểu, cây điều giống cho tỉnh Kratíe, Kratie, Mondulkiri, Tabong-Khmun - Campuchia.
Thời gian qua, hàng loạt các tỉnh miền Tây của Việt Nam đã thường xuyên trao đổi, hỗ trợ các tỉnh của Campuchia. Cụ thể, tỉnh An Giang đã hỗ trợ tỉnh Takeo, Kandal đào tạo kỹ thuật canh tác lúa, nông sản, chăn nuôi, hướng dẫn phương pháp quản lý dịch hại và phối hợp quản lý nguồn nước tại khu vực biên giới. Hay như tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ nguồn vốn phát triển kinh tế cho 5 phụ nữ xã Sê Rê Huy-huyện Ko Nhét, tỉnh Modulkiri, với số tiền 150 triệu đồng.
Tỉnh Long An đã thường xuyên trao đổi, chia sẻ kỹ thuật canh tác nông nghiệp, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật với nông dân nước bạn để sản xuất hiệu quả hơn. Tỉnh Long An đã hỗ trợ tỉnh Svay Rieng của Vương quốc Campuchia 1.000 lít thuốc sát trùng và 10.000 liều vắcxin phòng chống dịch lở mồm long móng 2 types (O, A) ở gia súc.
Tỉnh Tây Ninh cũng đã vận động được nhiều nguồn lực hỗ trợ nhân dân Campuchia, như: giúp ươm cây mì giống, hỗ trợ sửa chữa đường; đưa nông dân Việt Nam sang hỗ trợ nông dân nước bạn kinh nghiệm sản xuất, chọn lúa giống, phân bón, cách bảo quản nông sản; tổ chức các đợt giao lưu, thăm hỏi, trao đổi về kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi lợn, cách trị bệnh tụ huyết trùng trên trâu, bò...
Tỉnh Đắk Nông bàn giao Trường Phổ thông dân tộc dạy nghề cho tỉnh Mondulkiri (Campuchia). Công trình gồm 14 dãy nhà với 56 phòng học và các hạng mục khác như sân vườn, hàng rào, sân vận động, phòng thư viện…nhằm phục vụ việc dạy chữ và dạy nghề cho con em người dân tỉnh Mondulkiri.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An trao 2 suất học bổng cho 2 học sinh huyện Chanhtria, tỉnh Svay Rieng, Campuchia. Ảnh: Thành Phú |
Thiết thực, hiệu quả
Việc trao tặng bò và con giống, cây giống, kỹ thuật có ý nghĩa rất quan trọng, động viên người dân nghèo để phát triển kinh tế... từ món quà ý nghĩa này, các gia đình có thêm động lực để phấn đấu vươn lên, làm nền tảng để gia đình thoát nghèo trong tương lai gần nhất.
Đại tá Nguyễn Hồng Khiêm, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết, trong thời gian tới, Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động hữu nghị nhân dân giữa 2 nước nói chung và các tỉnh tiếp giáp nói riêng, nhất là nhân dân ở khu vực hai bên biên giới. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà, vật tư trang thiết bị y tế; giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho nhân dân hai bên biên giới. Đặc biệt, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, nuôi trồng thủy sản và phát triển kinh tế vùng biên.
Ngoài ra, trong buổi làm việc giữa tỉnh An Giang và đoàn đại biểu tỉnh Kampong Chhnang (Campuchia), Lãnh đạo hai tỉnh đã nhất trí tập trung đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản. Trong đó An Giang sẽ hỗ trợ đào tạo kỹ thuật nhân giống và nuôi tôm nước ngọt thương phẩm cho tỉnh Kampong Chhnang.
“Thực tế cho thấy, chỉ khi đời sống của người dân ổn định, phát triển thì mới có thể xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”, Đại tá Nguyễn Hồng Khiêm cho biết.
Theo các nhà ngoại giao, việc thúc đẩy phát triển kinh tế biên giới, chăm lo đời sống, sinh kế cho người dân khu vực biên giới, phối hợp mở lớp bồi dưỡng lãnh đạo trẻ và liên kết mở các khoá đào tạo nghề cho thanh niên các tỉnh giáp biên giới là hoạt động thiết thực, hiệu quả. Các chương trình, hoạt động này sẽ góp phần gìn giữ, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, truyền thống giữa tỉnh với các địa phương biên giới Campuchia.
Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 của Hội Trung ương hội Hữu nghị hai nước Việt Nam - Campuchia đề ra trong Hội nghị liên tịch giữa Trung ương hội Hữu nghị hai nước Việt Nam - Campuchia vừa được tổ chức tại tỉnh Tây Ninh vào tháng 11/2023 mới đây.