Tạo mọi điều kiện cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài triển khai tốt các dự án tại Việt Nam
Toàn cảnh Hội nghị |
Hội nghị đã lắng nghe báo cáo kết quả thảo luận tại 6 Hội thảo chuyên đề diễn ra chiều 12/12, cũng như đã trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động tại Việt Nam. Đồng thời đưa ra đề xuất, ý kiến, khuyến nghị để nâng cao công tác phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) tại Việt Nam thời gian tới.
Nhiều khuyến nghị cụ thể tại 6 Hội thảo chuyên đề
Với lĩnh vực giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, các đại biểu cho rằng, cần có giải pháp đánh giá mức độ hiệu quả của nguồn lực này trong đó chú trọng tới sự phối hợp giữa các tổ chức PCPNN và các cơ quan chuyên môn cấp Trung ương và địa phương. Đồng thời, cần có sự chia sẻ thông tin dữ liệu giữa các bên nhằm tránh chồng chéo các dự án, chương trình viện trợ cũng như những đối tượng được viện trợ. Đặc biệt, cần nâng cao năng lực trong công tác quản lý giáo dục, năng lực của giáo viên, tìm hiểu nhu cầu hỗ trợ các nhóm yếu thế như cộng đồng dân tộc thiểu số, người già, người khuyết tật, trẻ em...; có giải pháp thúc đẩy tính bền vững, khả năng nhân rộng các dự án nhằm đảm bảo phát triển khu vực, cộng đồng lâu dài hơn.
Hội thảo chuyên đề về Giáo dục - đào tạo ngày 12/12 |
Đối với lĩnh vực y tế, ngoài khuyến nghị thúc đẩy đơn giản hóa thủ tục hành chính, các đại biểu cho rằng, cần tăng cường phối hợp liên ngành. Đồng thời, Chính phủ cần đánh giá, xem lại và hoàn thiện chính sách liên quan; rà soát và đẩy nhanh thủ tục hành chính, quy trình cấp giấy phép hoạt động.
Khối doanh nghiệp cũng đề cập tới việc được cung cấp thông tin về những nhu cầu, mô hình tốt nhất, phù hợp nhất với đặc thù từng doanh nghiệp để có hướng hợp tác, đóng góp vào quá trình phát triển của Việt Nam. Các đại biểu cũng cho rằng, cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp trong thời gian tới là tất yếu khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, hình thức hợp tác sẽ chuyển biến theo hướng bền vững, cùng chia sẻ về mặt giá trị.
Trong giải quyết các vấn đề xã hội và khắc phục hậu quả chiến tranh, các đại biểu đề nghị cần có cơ chế chia sẻ, cập nhật và minh bạch thông tin nhằm tránh chồng chéo các dự án; tạo môi trường hoạt động thuận lợi hơn cho các tổ chức PCPNN.
Về lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo, các đại biểu cho rằng cần có chính sách, hành lang pháp lý tạo cơ hội cho các tổ chức PCPNN tiếp cận các nguồn của Chính phủ; cơ chế phối hợp rõ ràng hơn để việc hợp tác dễ dàng, có hiệu quả hơn. Phối hợp đưa ra những giải pháp đối với 9,7 triệu người nghèo của Việt Nam, trong đó phần lớn nằm trong nhóm yếu thế.
Tăng cường hợp tác giữa các tổ chức PCPNN với cơ quan đối tác Việt Nam
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã chia sẻ và đóng góp những ý kiến giúp nâng cao hiệu quả công tác PCPNN thời gian tới.
Bà Phạm Thu Ba – Trưởng đại diện Plan International Vietnam chia sẻ tại Hội nghị |
Bà Phạm Thu Ba, Trưởng đại diện Plan International Vietnam cho rằng vấn đề rất đáng quan tâm là việc gây quỹ cho các chương trình,dự án. Bà cho rằng nếu không có nguồn lực thì sẽ không thực hiện được.
Trong khi đó, ông Phạm Dũng, Giám đốc MCNV tại Việt Nam đề xuất 3 ý kiến để tăng cường hợp tác giữa các tổ chức PCPNN với cơ quan đối tác Việt Nam. Ông Dũng cho rằng, vướng mắc về thủ tục hành chính chủ yếu ở cấp địa phương. Ông đề xuất các tỉnh, địa phương mỗi năm nên tổ chức gặp gỡ các tổ chức PCPNN ít nhất 1 lần để cùng trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, từ đó nhanh chóng tháo gỡ để các chương trình, dự án được triển khai nhanh, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần có đánh giá cụ thể theo từng lĩnh vực về tác động của những dự án hoạt động 5 năm/lần để chứng minh được về những hiệu quả của các hoạt động. Đồng thời, ông Dũng mong muốn Ủy ban cần có kế hoạch thực hiện đánh giá về tính vững bền của các chương tình/dự án. “Tôi mong muốn sau khi các tổ chức PCP rời khỏi địa bàn thì tính hiệu quả vẫn được duy trì, để tránh trường hợp sau vài năm nữa, lại có 1 tổ chức khác đến và thực hiện những việc đã làm của ngày hôm nay”, ông Dũng chia sẻ.
Ông Phạm Dũng, Giám đốc MCNV tại Việt Nam đề xuất 3 ý kiến để nâng cao hiệu quả công tác PCPNN |
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Phan Anh Sơn khẳng định: Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài có đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Các cơ quan quản lý công tác PCPNN cam kết tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tốt hơn nguồn viện trợ của các tổ chức PCPNN.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường chia sẻ thông tin, kết nối đầu mối giữa các tổ chức PCPNN với các cơ quan địa phương để giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc.
Ông Phan Anh Sơn phát biểu kết luận Hội nghị |
Đặc biệt, đổi mới phương thức, nâng cấp việc hỗ trợ và đồng hành cùng các tổ chức PCPNN; tăng cường cơ chế chia sẻ và tiếp cận dữ liệu chính xác, tập trung vào thiết kế và giám sát dự án để các hỗ trợ từ phía các tổ chức PCPNN hiệu quả và thiết thực hơn. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa địa phương với các tổ chức PCPNN để đánh giá cụ thể, chính xác các tác động, ý nghĩa và tầm quan trọng của các chương trình/dự án do các tổ chức triển khai trên địa bàn. Từ đó có sự phối hợp triển khai tốt nhất cho các chương trình/dự án, cũng như sự hợp tác bình đẳng giữa các bên.
Bày tỏ trân trọng với những đóng góp của các tổ chức PCPNN, ông Phan Anh Sơn khẳng định, Uỷ ban sẽ tiếp tục ủng hộ và tạo điều kiện để các đối tác PCPNN tham gia vào các hoạt động hỗ trợ giảm nghèo và phát triển bền vững tại Việt Nam, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện thành công Chương trình Quốc gia về tăng cường hợp tác và vận động viện trợ PCPNN giai đoạn 2019-2025.