Tạm dừng cách tính lương hưu mới: Lao động nữ bớt thiệt
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thời gian qua, tổ chức Công đoàn đã tiếp nhận nhiều ý kiến của đoàn viên và người lao động phản ánh sự bất hợp lý của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 về quy định mức lương hưu hàng tháng đối với lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018.
Cụ thể, Luật BHXH 2014 đã sửa đổi cách tính lương hưu của cả nam và nữ theo hướng nâng thời gian tham gia BHXH của người lao động để được hưởng lương hưu tối đa 75% (nam từ 30 năm lên 35 năm, nữ từ 25 năm lên 30 năm) theo Điều 56, Luật BHXH 2014.
Như vậy, từ 1/1/2018, đối với lao động nam, mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, tương ứng với số năm đóng BHXH của lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó, cứ thêm mỗi năm tham gia BHXH được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Ảnh minh họa
Đối với lao động nữ, mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó, cứ thêm mỗi năm tham gia BHXH được tính thêm 2% (thay vì tính 3% như trước đây) mức tối đa bằng 75%.
Do quy định cách tính lương hưu của lao động nữ thay đổi “nhảy vọt” ngay trong năm 2018 dẫn đến một số lao động nữ có dưới 30 năm đóng BHXH nghỉ hưu năm 2018 sẽ có tỉ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 (mức cao nhất lên đến 10% tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH), ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của lao động nữ.
Theo ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, quy định trên của Luật BHXH 2014 về mức lương hưu hàng tháng của lao động nữ đã tạo ra tình trạng “sốc” do thay đổi chính sách và chưa bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới, gây phản ứng tiêu cực và tâm lý bất an cho người lao động, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới cũng như chính sách an sinh xã hội của đất nước.
Vì vậy, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và một số đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến đề nghị tạm dừng thực hiện cách tính mới này.
Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: “Tôi đã ký văn bản trình Chính phủ các phương án để xử lý vấn đề này, trong đó có phương án tạm thời chưa thực hiện điều khoản trên và lùi tới năm 2022 mới thực hiện".
Các giải pháp sẽ đảm bảo nguyên tắc: Không để lao động nữ thiệt thòi, thực hiện có lộ trình, đảm bảo có đóng BHXH có hưởng, tạo điều kiện cho quỹ BHXH ổn định và phát triển bền vững, không tạo ra những bức xúc trong xã hội.
Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn đề nghị vẫn áp dụng cách tính lương hưu đối với lao động nữ từ 1/1/2018 như hiện tại và giao Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi theo hướng có lộ trình điều chỉnh cách tính lương hưu cho lao động nữ, đảm bảo cân bằng quyền lợi của lao động nam và nữ trong thụ hưởng chính sách BHXH.
Theo số liệu dự báo của BHXH Việt Nam, dự kiến năm 2018 có khoảng 50.000 lao động nữ nghỉ hưu, trong đó có trên 21.000 người có thời gian đóng BHXH dưới 30 năm. Do lao động nữ phải áp dụng ngay cách tính lương hưu mới, nên 21.000 lao động nữ bị thiệt hơn so với người cùng giới có cùng thời gian đóng BHXH và nghỉ hưu năm 2017. Trong đó, có khoảng 4.000 lao động nữ thiệt nhiều nhất, khoảng từ 5 – 10% lương hưu.
Minh Anh