Susan Warner - Bean: Biến nỗi đau thành động lực vun đắp hòa bình
Lựa chọn "mở lòng"
David Warner tử trận tại chiến trường Việt Nam khi chưa đầy 22 tuổi. Trong trí nhớ của cô bé 7 tuổi Susan Warner, anh David Warner là người hoạt bát, yêu thể thao, thích trượt tuyết và thường hay trêu đùa em gái. Ba anh em thường cùng nhau chơi trò té nước, cùng hát bài “The Halls of Montezuma” mỗi khi anh về nhà trong kỳ nghỉ lễ.
Susan Warner - Bean (áo hoa) chụp ảnh cùng chị gái và anh David (ảnh: NVCC). |
“Ngày nhận tin anh David qua đời, mẹ tôi đứng trước hai lựa chọn, ôm lấy nỗi đau mất con hay mở lòng để vượt qua nỗi đau đó. Bà hiểu rằng, thù hận là nỗi đau lớn. Nếu bà thù hận, cảm xúc đó sẽ đầu độc, nhấn chìm bà cùng gia đình. Bà đã chọn mở lòng, coi việc kết bạn và đóng góp cho hòa bình là cách tưởng nhớ người con đã mất.
Mẹ tôi tin rằng hòa bình được xây nên trước hết từ quan hệ giữa người với người. Bà kết nối với mọi người thông qua nhiều cách khác nhau, từ người chị tôi là du học sinh hay qua các cộng đồng người nước ngoài ở địa phương. Bà chủ động tìm gặp những người ngoại quốc sống gần nhà, làm quen, kết bạn, mời họ dùng bữa ăn tối, học hỏi, tìm hiểu văn hóa đất nước họ. Nhà tôi luôn mở cửa chào đón những người bạn đến từ nhiều đất nước. Mẹ tôi yêu quý tất cả những người bạn bà gặp", Susan nhớ lại.
Lần đầu đến Việt Nam
Năm 2005, Susan Warner lần đầu đến Việt Nam. Ông Chuck Meadow, người 38 năm trước từng là chỉ huy của anh trai Susan nay là giám đốc điều hành tổ chức PeaceTrees trở thành người đồng hành của Susan trong một chuyến đi mang sứ mệnh khác.
Susan kể: “Đó là lần đầu tiên tôi trực tiếp đối diện với nỗi đau mất người thân. Tôi đã bối rối, choáng ngợp. Tôi cố gắng hình dung những gì anh tôi đã trải qua, ngắm nhìn Việt Nam qua góc nhìn của anh, lắng nghe Việt Nam bằng đôi tai của anh, xem những gì anh thấy đẹp, thấy sợ, đi tìm khung cảnh cuối cùng mà anh thấy trước khi nhắm mắt. Tôi đã đến cánh đồng nơi anh qua đời. Đó là một cánh đồng đẹp, xa xa có đồi núi. Tại đó, tôi cảm nhận được sự tồn tại của anh, cảm thấy như anh đang nói: “Anh vẫn đang chờ em đến”.
Mẹ tôi dù lựa chọn mở lòng nhưng bà vẫn chưa thể đối mặt với nỗi đau mất con. Nhiều năm sau khi anh mất, gia đình chúng tôi vẫn cùng nhau chia sẻ những kỷ niệm về David, nhưng chúng tôi chưa bao giờ nhắc đến chuyện anh hy sinh. Chiếc hộp đựng những di vật của anh vẫn được khóa kín trong tủ.
Bà Susan Warner - Bean. |
Khi tôi kể với mẹ rằng, tôi chuẩn bị đến Việt Nam, bà im lặng hồi lâu. Nhưng khi tôi trở về sau chuyến đi, bà vừa hồi hộp lại vừa mong chờ tôi kể về chuyến đi. Cũng như cách bà mở lòng kết bạn với nhiều người từ nhiều nền văn hóa khác nhau, tôi nghĩ bà đã mở lòng đón nhận câu chuyện.
Tôi đã kể cho mẹ nghe về sự chào đón nồng hậu và tấm lòng tử tế của người Việt Nam. Bà rất xúc động. Mẹ tôi quyết định mở chiếc hộp đựng di vật đã cất kín nhiều năm.
Trong chiếc hộp đó chúng tôi tìm thấy những bức hình anh chụp ở Việt Nam, những băng cối ghi âm. Chúng tôi cùng ngồi nghe lại các đoạn băng. Điều làm tôi ấn tượng và xúc động nhất là đoạn băng anh tả cảnh trời đêm ở Việt Nam. Anh nói rằng khi nhìn về phía những ngọn đồi ở Huế, ánh sáng phản chiếu xuống khiến các ngọn đồi trông như có tuyết phủ. Cảnh tượng đó khiến anh nhớ nhà.
Ngôi trường mang tên David
Ở Washington DC, Mỹ, có một bức tường tưởng niệm khắc tên 47.000 binh lính Mỹ đã tử trận trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, trong đó có tên người anh trai của Susan. Bức tưởng tưởng niệm tôn vinh những người lính tử trận. Nhưng Susan muốn tôn vinh cách anh David và những người lính khác đã sống thông qua việc đưa tên anh lên bức tường của trường mầm non ở Quảng Trị. Susan mong muốn mỗi ngày khi các em học sinh đến trường, nhìn lên bức tường, học hỏi, làm bạn, đóng góp cho hòa bình tương lai.
Năm 2007, Susan quay lại Việt Nam với mong muốn xây dựng một trường mầm non mang tên người anh trai. “Mẹ tôi mất 3 ngày trước chuyến đi. Khi đó bà 84 tuổi, nhưng bà đã kịp làm hộ chiếu vì bà nghĩ rằng bà đã sẵn sàng đến Việt Nam, gặp gỡ, làm bạn với người Việt Nam”, Susan nói.
Ngôi trường mẫu giáo mang tên người anh trai của bà Susan, trường David Howard Warne ại xã A Xing, huyện Hường Hóa, Quảng Trị (Ảnh: PeaceTrees Vietnam). |
Trong năm đó, trường mẫu giáo David Howard Warner đã được tổ chức PeaceTree hỗ trợ xây dựng tại xã A Xing, huyện Hường Hóa, Quảng Trị. Học sinh của trường là các em nhỏ từ 4 đến 5 tuổi, đến từ các gia đình dân tộc thiểu số.
Bà Susan Warner - Bean chia sẻ câu chuyện về người anh trai với phóng viên tạp chí Thời Đại. |
Susan cho rằng, đau thương là người thầy vĩ đại vì nó dạy con người cách cảm thông để tiếp tục đồng hành, hợp tác cùng nhau.
Phát biểu tại buổi giao lưu cựu chiến binh và thân nhân Việt Nam - Mỹ do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức vào đầu năm 2023, bà nói: "Chúng ta đều đã mất người thân, chúng ta cũng đều tự hào vì họ đã sống, chiến đấu, hy sinh cho tổ quốc mình. Điều đó từng chia cắt chúng ta nhưng cũng chính nó gắn kết chúng ta.
Chúng ta không được quên bài học từ quá khứ, vì khi chúng ta quên, mọi chuyện sẽ lặp lại. Hãy nghe câu chuyện của những người, những gia đình trải qua chiến tranh, học từ câu chuyện của họ. Hãy xây dựng tình bạn. Bạn sẽ không gây chiến với bạn bè của mình, phải không?".
"Tôi không phải chính trị gia để nói về các chính sách, nhưng tôi biết rằng chúng ta phải làm bạn, làm đối tác ngay từ cấp độ cá nhân. Bởi mỗi tình bạn, mỗi quan hệ, mỗi kết nối, mỗi lần chúng ta mở lòng, chúng ta xích lại gần nhau hơn. Một mình tôi không thể gây dựng hòa bình trên thế giới, nhưng tôi có thể xây dựng tình hữu nghị cá nhân. Tất cả chúng ta đều có thể làm vậy và tôi mong rằng tình hữu nghị giữa chúng ta sẽ tiếp tục phát triển". Susan Warner - Bean |