Sự thật vụ cô gái gội đầu thành Trưởng phòng ở Tỉnh uỷ Đắk Lắk
Nữ trưởng phòng dùng bằng của chị để thăng tiến |
Sáng ngày 4/10, trên báo Tiền Phong đăng tải thông tin xác nhận sự việc gây xôn xao cộng đồng mạng trong nhiều giờ qua: Bà Trần Ngọc Ái Sa (SN 1973, hiện đang giữ chức vụ Trưởng phòng Hành chính – Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh uỷ Đắk Lắk) đã sử dụng bằng cấp 3 của chị gái suốt thời gian công tác các đơn vị trực thuộc Văn phòng Tỉnh uỷ.
Đơn tố cáo bà Sa gửi đến báo Tiền Phong |
Sự việc này bắt nguồn từ một thông tin được đăng tải trên mạng xã hội Facebook. Theo đó, tài khoản này "tố" 1 nữ trưởng phòng tên Trần Thị Ngọc Ái Sa, có tên, họ, ngày sinh, số CMND, tên cha mẹ trùng khớp với một cán bộ ở 1 bệnh viện tỉnh Lâm Đồng.
Tài khoản nêu trên cho biết nữ trưởng phòng này chỉ mới học xong cấp 2, làm nhân viên tiệm tóc và rất xinh đẹp, nhưng đã “lên” như diều gặp gió. Theo đơn tố cáo này, bà Sa đã khai không trung thực trong lý lịch dẫn đến được bổ nhiệm đến chức vụ trưởng phòng như hiện nay.
Sau tìm hiểu được biết, tên thật của vị Trưởng phòng Hành chính – Quản trị là Trần Thị Ngọc Thảo (SN 1975). Tên thường gọi ở nhà là Thảo. Sau đó khi đi làm việc ở trụ sở Văn phòng Tỉnh uỷ thì được gọi tên là Sa, theo bản lý lịch gian dối trùng họ tên với chị gái của Thảo là Trần Ngọc Ái Sa (SN 1973, hiện đang công tác tại một bệnh viện ở tỉnh Lâm Đồng).
Cũng theo nguồn tin từ báo Tiền Phong, bà Sa (tên thật là Thảo) xuất thân từ nghề thợ cắt tóc gội đầu, sau đó “mượn” bằng tốt nghiệp PTTH của chị gái đi học lên kế toán.
Tuy nhiên, sau một thời gian ở Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk, bà Sa giả này đã được điều qua làm kế toán tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, rồi lại được nâng đỡ để leo lên chức Trưởng phòng.
Liên quan đến vụ đánh tráo nhân thân thành Trưởng phòng Tỉnh uỷ Đắk Lắk, sau khi sự việc bị bại lộ, bà Thảo đã có tờ trình gửi Văn phòng Tỉnh ủy, Ban tổ chức tỉnh ủy Đắk Lắk. Trong đơn bà viết: "Thời điểm xảy ra sự việc, tôi còn trẻ, suy nghĩ chưa chín chắn và nông nổi. Chỉ vì muốn có việc làm để mưu sinh trong lúc gia đình khó khăn nên tôi đã mượn hồ sơ của chị gái để xin việc làm chứ hoàn toàn không có mục đích nào khác", báo Sức khỏe cộng đồng đưa tin.
Tờ trình bà Sa (tên thật là Thảo) gửi lên Văn phòng Tỉnh ủy, Ban tổ chức tỉnh ủy Đắk Lắk. |
Ngoài ra, bà cũng trình bày rõ trong đơn về những vi phạm của bản thân và quyết định xin thôi việc tại văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.
"Tôi nhận thấy bản thân đã vi phạm và xin thôi việc tại văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.", bà Sa (tên thật là Thảo) viết.
Trong đơn trình lên Văn phòng Tỉnh ủy, Ban tổ chức tỉnh ủy Đắk Lắk, bà Thảo vẫn ký tên là Trần Thị Ngọc Ái Sa.