Sóc Trăng: Những chiếc Protip và ghe Cà hâu rực rỡ sắc màu trên dòng sông Maspéro
Đây là một trong những chuỗi hoạt động diễn ra trong Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024.
Rực rỡ sắc màu những chiếc Protip và ghe Cà hâu trên dòng sông Maspéro. |
Lôi Protip (thả đèn nước) là một loại hình lễ hội văn hóa độc đáo xuất phát từ Phật giáo và phát triển theo điều kiện kinh tế, đời sống xã hội của cộng đồng người Khmer. Từ một truyền thuyết gắn với tôn giáo là nhằm cúng chiếc răng nanh Phật Thích Ca được rắn thần Naga cất giữ nơi Long cung. Ngoài ra, Protip cũng tượng trưng cho hàm răng dưới của Đức Phật ở lại hạ giới độ trì chúng sinh. Lôi Protip còn mang ý nghĩa là để tạ ơn prés thôrni (thần Mặt đất) và prés kông kear (thần Nước). Bởi theo quan niệm của đồng bào Khmer, qua một năm lao động sản xuất và sinh hoạt, con người đã làm ô uế đến thiên nhiên, nên con người làm lễ cúng để tạ lỗi. Khi thả đèn nước, người dân muốn tưởng nhớ đến công ơn của đấng thiên nhiên đã phù hộ con người làm ăn sinh sống bình yên và mong muốn điều tốt lành hơn cho năm sau. Chính vì sự phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, đặc biệt là nước, nên đồng bào Khmer cho rằng, nước là một dạng vật chất, có mặt trong vũ trụ từ rất sớm, có vị trí quan trọng trong cuộc sống con người. Lôi Protip đã ăn sâu vào tâm thức của người Khmer và duy trì từ đời này đến đời khác. Hơn nữa, Lôi Protip còn nhắc nhở con người quay về với thiên nhiên, làm sạch môi trường sống, bảo vệ đất và nước, đó là hai yếu tố quan trọng giúp duy trì sự tồn tại của nhân loại.
Đèn nước được mô phỏng theo giống kiến trúc của những ngôi chánh điện hoặc ngọn tháp với phần khung được làm bằng gỗ hoặc kim loại để tạo sự vững chãi; phần thân, mái ngói, chóp của thuyền được tạo hình bằng giấy bìa cứng; bên ngoài được trang trí với hoa, đèn và nhang, bên trong bày vật cúng tế. |
Ghe Cà hâu được hiểu là ghe hầu, loại thuyền độc mộc dành cho Thượng tọa, Đại đức, Người có uy tín ngồi và chỉ đạo các đội ghe thi đấu trong các cuộc đua ghe ngo. Ngoài ra, ghe Cà hâu còn dùng để chuyên chở lương thực, nước uống, dàn nhạc… phục vụ, tiếp hậu cần cho đội ghe Ngo trong những cuộc đua, đường đua. Hiện nay, ghe Cà Hâu không còn được dùng trong các dịp đua ghe Ngo của đồng bào Khmer như trước nhưng với ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn những vật dụng sinh hoạt, có giá trị văn hóa độc đáo trong đời sống tinh thần của đồng bào, một số ghe Cà Hâu cổ thiết kế, trang trí kỳ công, vẫn đang được các chùa Khmer ở Sóc Trăng đưa vào bảo quản, trưng bày.
Trên dòng sông Maspéro, ngoài những chiếc đèn mang dáng dấp của những ngôi chùa tại địa phương được thiết kế công phu sáng tạo, cách điệu, hài hòa với không gian sông nước lung linh còn có những chiếc ghe Cà Hâu được phục dựng sinh động, đẹp mắt. |
Phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn Pô cho biết, hoạt động trình diễn Lôi Protip và ghe Cà hâu năm nay mang nhiều màu sắc văn hóa độc đáo, góp phần cho Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024 thêm phần hấp dẫn, làm cho không khí lễ hội thêm tưng bừng, náo nhiệt, phong phú, đa dạng, tạo ra sản phẩm văn hóa đặc trưng; phục vụ phát triển du lịch theo hướng liên kết vùng, miền, gắn với việc thực hiện mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Hoạt động trình diễn Lôi Protip (thả đèn nước) và ghe Cà Hâu năm 2024 góp phần tôn vinh nét đẹp văn hóa vật thể truyền thống của đồng bào dân tộc. |
Hoạt động trình diễn Lôi Protip (thả đèn nước) và ghe Cà Hâu năm 2024 góp phần tôn vinh nét đẹp văn hóa vật thể truyền thống của đồng bào dân tộc. Từ đó, giúp đa dạng hóa công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các di sản văn hóa đặc sắc của tỉnh Sóc Trăng đến với khách du lịch trong và ngoài tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn hóa.
UNICEF hỗ trợ người dân Sóc Trăng có nước sạch bằng năng lượng mặt trời Một trong những sáng kiến của dự án Innovation for Children là cung cấp nguồn nước sử dụng năng lượng mặt trời. Bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng nước có khả năng ứng phó với khí hậu, UNICEF và các đối tác giúp đảm bảo cộng đồng địa phương được tiếp cận với nguồn nước sạch và an toàn. |
Sóc Trăng cần tập trung xây dựng, vun đắp khối đại đoàn kết các dân tộc Ngày 18/8, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng lần thứ IV năm 2024 đã chính thức khai mạc với sự tham dự của 260 đại biểu đại diện cho hơn 424.000 đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội, đánh dấu chặng đường phát triển mới của cộng đồng các dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng. |
Sóc Trăng: 200 nghệ nhân hòa tấu nhạc ngũ âm Khmer lập kỷ lục Việt Nam Tối 11/11, tại Quảng trường Bạch Đằng (tỉnh Sóc Trăng) 200 nghệ nhân, nhạc công, diễn viên Khmer đã tham gia biểu diễn hòa tấu nhạc ngũ âm, xác lập kỷ lục Việt Nam về " Chương trình diễn nhạc ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng quy mô lớn nhất Việt Nam". |