So găng Hồng Kông vs Singapore: Sống và làm việc ở đâu tốt hơn?
Hồng Kông quay trở lại với Trung Quốc vào năm 1997 với một nền tảng cơ sở hạ tầng, luật pháp, kinh tế bền vững thừa hưởng từ Anh và nhận được những cơ hội to lớn khi Trung Quốc đại lục mở cửa. Trong khi đó, Singapore vốn đã có một nền kinh tế bậc nhất Đông Nam Á và đang đẩy mạnh phát triển ngành công nghệ. Do thiếu nguồn lực lao động nên những nhân viên trình độ cao luôn được chào đón tại đây.
Theo hãng nhân sự HRnetOne, ngành tài chính ngân hàng của Hồng Kông nổi trội hơn rất nhiều so với Singapore nhưng những mảng khác lại có sự cạnh tranh quyết liệt giữa 2 nền kinh tế. Dưới đây là một số tiêu chuẩn so sánh môi trường làm việc cho người nước ngoài tại 2 thị trường này.
1. Mức lương
Số liệu của hãng tin Bloomberg mới đây cho thấy mức lương ngành tài chính ngân hàng ở Hồng Kông cao hơn 25% so với Singapore. Mức thuế thu nhập của cả 2 thị trường cũng không cao với tỷ lệ cao nhát là 22% ở Singapore và 17% tại Hồng Kông. Tuy nhiên nhìn chung nhiều ngành nghề tại Hồng Kông cũng được trả lương nhỉnh hơn so với Singapore.
2. Chi phí sinh hoạt
Mặc dù những người giàu có không ngại gì sống ở Hồng Kông nhưng những lao động nước ngoài lại phải tính toán cẩn thận đến chi tiết này. Số liệu của ECA International cho thấy Hồng Kông đã vượt qua Tokyo để trở thành nơi đắt đỏ nhất Châu Á và đắt thứ 2 thế giới. Trong khi đó, Singapore lại chỉ đứng ở thứ 24 trong bảng xếp hạng.
Khảo sát của ECA tham khảo giá bán của mọi thứ từ một cốc bia cho đến 1 bao thuốc lá, ngoại trừ những chi phí như giá thuê nhà hay học phí cho trẻ em.
Về mặt bằng chung, ngoài những đồ uống có cồn thì Hồng Kông đắt hơn Singapore. Dẫu vậy, do đánh thuế đặc biệt lên đồ uống có cồn nên bia rượu, thuốc lá của Singapore lại đắt đỏ hơn. Một vại bia tại Singapore có giá khoảng 9 USD, cao hơn mức 7,7 USD ở Hồng Kông.
Một điều khá thú vị là ẩm thực của Hồng Kông có vẻ nhỉnh hơn Singapore. Nền kinh tế này của Trung Quốc có tới 61 nhà hàng đạt giải thưởng Michelin danh giá về ẩm thực với 6 nhà hàng có tới 3 sao Michelin. Trong khi đó, Singapore chỉ có 38 nhà hàng có sao Michelin và chỉ duy nhất 1 nơi là đạt được 3 sao chất lượng.
3. Giá nhà
Đối với nhiều lao động nước ngoài, thuê nhà là loại chi phí tốn kém nhất trừ khi công ty chấp nhận thuê nhà cho họ.
Theo ECA, mức phí trợ cấp bao gồm lương cho các lao động nước ngoài ở cả Singapore và Hồng Kông đã giảm trong 5 năm qua. Tại Hồng Kông là giảm 2% xuống 265.000 USD/năm còn tại Singapore là giảm 6% xuống 235.500 USD/năm.
Mặc dù mức lương tại Singapore đã tăng trong vòng 5 năm qua nhưng tiền trợ cấp khác lại giảm, qua đó làm giảm tổng thể mức lợi ích mà người lao động nước ngoài nhận được.
Dẫu vậy, ECA cho rằng giá nhà ở Hồng Kông cao hơn Singapore nên họ buộc phải tăng lương hoặc nâng tiền trợ cấp cho các nhân viên nước ngoài.
Đối với những lao động tự thuê nhà, Hồng Kông thực sự là cơn ác mộng với họ. Số liệu của Expatistan cho thấy giá nhà tại đây cao hơn 47% so với Singapore. Một căn hộ gần 84 m2 tại Singapore có giá thuê khoảng 2.600 USD/tháng trong khi Hồng Kông lên tới 4.900 USD/tháng.
4. Kinh doanh và đầu tư
Đối với những người nước ngoài muốn đầu tư tiền của họ tại nước ngoài, Hồng Kông lại là lựa chọn tốt hơn trong những năm qua khi ngành bất động sản tăng trưởng chóng mặt 400% kể từ cuộc đổ vỡ bong bóng năm 2003. Thị trường chứng khoán Hồng Kông cũng tăng trưởng mạnh hơn rất nhiều so với Singapore.
Số công ty nước ngoài đổ về Hồng Kông cũng tăng 53% kể từ năm 1997 và đạt 1.400 hãng vào năm 2016. Trong khi đó, số tập đoàn nước ngoài vào Singapore khoảng thời gian 2011-2015 lại giảm 12%, chỉ riêng các công ty Mỹ là những hãng tăng cường hiện diện thêm tại đây.
Nếu đầu tư 1.000 USD vào thị trường chứng khoán cách đây 5 năm, bạn giờ sẽ có bao nhiêu (USD)
Điều trớ trêu là báo cáo của DTZ Cushman & Wakefield cho thấy môi trường kinh doanh của Singapore tốt hơn Hồng Kông. Giá thuê văn phòng tại Singapore rẻ hơn trong khi khả năng sáng tạo, ứng dụng công nghệ cũng tốt hơn. Singapore đứng thứ 2 tại Châu Á và thứ 6 trên thế giới trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới của Bloomberg.
Báo cáo của Ngân hàng thế giới (World Bank) cũng cho thấy Singapore đứng thứ 2 thế giới về độ dễ dàng khởi nghiệp cũng như các thủ tục hành chính để mở công ty trong khi Hồng Kông lại chỉ đứng thứ 4.
Thị trường bất động sản Hồng Kông tăng trưởng nhanh hơn rất nhiều so với Singapore
5. Di chuyển
Singapore có thể là nơi đắt nhất thế giới cho việc sở hữu một chiếc xe và lái chúng trên đường. Chính phủ quốc đảo sư tử đã cố gắng gia tăng các chính sách, quy định nhằm ngăn chặn tình trạng tắc nghẽn giao thông. Mức phí khác cao cùng những phương tiện đi lại khả dụng giá rẻ khác như tàu điện ngầm, xe buýt khiến người dân nơi đây không hứng thú mấy với việc sở hữu xe.
Những người mua xe ở Singapore phải đấu giá để mua được quyền hữu hạn sở hữu xe hơi. Sau đó họ phải trả một lượng lớn thuế và phí mà tổng chi phí có thể đắt gấp đôi giá trị của chiếc xe.
Mức chi phí để sở hữu 1 chiếc Audi A6 Sedan
Một chiếc Audi A6 tại Singapore có giá 168.100 USD bao gồm các loại thuế và bảo hiểm trong khi tại Hồng Kông chỉ có giá 70.400 USD.
Mức giá taxi lại khá rẻ tại Hồng Kông và Singapore khi bình quân hành khách phải trả 8 USD cho 8km.
6. Môi trường
Hồng Kông hiện nay đang bị đánh giá rất thấp về ô nhiễm không khí do có mật độ xe cộ quá đông. Bởi vậy chính quyền địa phương đang cố gắng thực hiện những biện pháp nhằm giảm thiểu lượng xe cộ cũng như khí thải.
Số liệu chính thức cho thấy kể từ năm 1999 đến nay, Hồng Kông đã giảm lượng khí thải xe cộ được 56%.
Chất lượng không khí tại Hồng Kông
Chất lượng không khí tại Singapore
Trong khi đó, dù có những tiêu chuẩn rất cao cho môi trường cũng như có lượng cây xanh phủ lớn trên toàn lãnh thổ nhưng Singapore lại gặp khó khi nhiều luồng khói bay sang từ Indonesia do nạn đốt rừng.
Năm 2015, Singapore có 87,5% số ngày với chất lượng không khí trung bình, thấp hơn mức 97% của năm trước do nạn đốt rừng ở Indonesia. Hồng Kông chỉ có 67% số ngày trong năm 2016 là có mức không khí chất lượng trung bình.
7. Giáo dục
Đối với nhiều nhân viên nước ngoài, việc đem cả gia đình sang sinh sống là chuyện bình thường và học phí là một trong những yếu tố chủ chốt cho quyết định chọn nơi làm việc.
Mức học phí của trường học Singapore American School vào khoảng 36.200 USD cho những gia đình không phải người Mỹ. Trường American School Hong Kong thì có mức phí vào khoảng 25.200 USD, nhưng họ sẽ phải đóng thêm tiền cọc 77.000 USD và sẽ được hoàn trả sau khi kết thúc khóa học.
Một điều trớ trêu là việc xin học tại những trường quốc tế ở Hồng Kông khó khăn hơn nhiều so với Singapore nhưng chất lượng đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của quốc đảo sư tử lại trội hơn. Các học sinh Singapore có mức điểm PISA hàng đầu thế giới về môn toán, văn học và khoa học. Trong khi đó, Hồng Kông chỉ đứng thứ 2 về văn học và toán nhưng lại tụt xuống thứ 9 về môn khoa học.
Mức giá thuê người giúp việc cũng khá dao động tại 2 nền kinh tế. Mức lương tối thiểu cho người giúp việc tại Hồng Kông là 550 USD/tháng trong khi giá thuê người giúp việc Philippines tại Singapore lại được quy định bởi chính phủ Philippines. Năm 2016, mức lương cho người giúp việc Philippines vào khoảng 400 USD/tháng.
BT