Sinh kế cho người nhiễm HIV
Cho vay vốn sản xuất
Năm 1989, anh Vũ Đình Nền (xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Cạn) lập gia đình và có một con gái. Cuộc sống khó khăn khiến anh phải đi làm phu đào vàng để nuôi sống gia đình nhỏ. Trong thời gian ở đây, anh bị rủ rê, lôi kéo rồi nghiện ma túy lúc nào không hay.
Dằn vặt, xấu hổ với gia đình, năm 2000, Nền vào miền Nam cai nghiện. Sau 3 năm, không những đoạn tuyệt với “nàng tiên nâu”, anh còn học được nghề mộc và xin được việc làm tại TP. HCM.
Dự án “Sáng kiến chính sách hỗ trợ hòa nhập và phát triển kinh tế cho người nhiễm HIV và nhóm người dễ bị tổn thương bởi HIV” hỗ trợ sinh kế cho người nhiễm HIV
Tuy nhiên, 9 năm sau, trong một lần tới bệnh viện khám sức khỏe, anh không còn tin vào tai mình khi kết quả xét nghiệm máu của anh có phản ứng dương tính với HIV. Với tâm trạng suy sụp hoàn toàn, anh trở về quê nhà.
May mắn thay, với sự động viên từ vợ và con gái, hy vọng sống lại trỗi dậy trong anh. Anh tìm đến nhóm Hy vọng Bắc Cạn và được các thành viên coi như người nhà.
Tới năm 2010, nhóm Tự lực hy vọng huyện Chợ Mới được thành lập. Anh Nền được giao giữ chức trưởng nhóm.
Cuối năm 2010, với số vốn vay 5 triệu đồng từ Trung tâm nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và phát triển COHED trong khuôn khổ dự án “Sáng kiến chính sách hỗ trợ hòa nhập và phát triển kinh tế cho người nhiễm HIV và nhóm người dễ bị tổn thương bởi HIV”, Nền mở xưởng mộc tại nhà. Công việc làm ăn của anh ngày càng thuận lợi. Đến năm 2012, COHED lại hỗ trợ kỹ thuật và tài chính lên tới hơn 92 triệu đồng cho toàn nhóm. Từ đây, các thành viên khác của nhóm chung tay góp vốn, phát triển xưởng mộc Hy vọng Chợ Mới.
Công việc tại xưởng mộc đem lại niềm vui cho các thành viên với mức thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, xưởng mộc tạo việc làm cho 14 người nhiễm HIV.
Hình thành nhóm sản xuất, tạo việc làm
Dự án “Sáng kiến chính sách hỗ trợ hòa nhập và phát triển kinh tế cho người nhiễm HIV và nhóm người dễ bị tổn thương bởi HIV” được Trung tâm COHED triển khai tại TP. Hải Phòng, Bắc Cạn, Bà Rịa – Vũng Tàu... với sự tài trợ từ tổ chức Irish Aid (Ireland). Thông qua hoạt động của dự án, COHED hỗ trợ thông tin cho người nhiễm HIV về cách tiếp cận các dịch vụ tín dụng vi mô và cơ hội việc làm.
Sinh hoạt chung của nhóm "Sóng biển Đồ Sơn"
Ths. Phạm Thị Hồng, điều phối viên Trung tâm COHED chia sẻ: “Dự án “Sáng kiến chính sách hỗ trợ hòa nhập phát triển kinh tế cho người nhiễm HIV và các nhóm dễ bị tổn thương bởi HIV/AIDS” nhằm mục tiêu tìm một sinh kế bền vững, có thu nhập ổn định cho những nhóm dễ bị tổn thương để họ được tái hòa nhập với cộng đồng”.
Kết quả cho thấy, gần 2 năm thực hiện dự án có 3 hợp tác xã tại Hải Phòng được trao giấy đăng ký kinh doanh. Hầu hết các nhóm khi thực hiện dự án đều sử dụng vốn hiệu quả và hoàn lại đầy đủ.
Như nhóm “Trường Sơn xanh” được hỗ trợ cho vay 300 triệu để thành lập hợp tác xã, nay hoàn được vốn đầy đủ. Nhóm “Những người bạn Đồ Sơn” nhận được hỗ trợ 170 triệu đồng thực hiện dự án “Trồng cà chua trên đất ngập mặn” đến nay cũng được đăng ký hợp tác xã.
Một hợp tác xã may mặc khác với 24 máy may hoạt động liên tục. Hiện thu nhập của các thành viên trong hợp tác xã ổn định trên 3 triệu đồng/tháng. Hợp tác xã “Nắng mai” chuyên hoạt động biểu diễn nghệ thuật, kịch, múa, hát và có thể tham gia biểu diễn các chương trình lớn cũng hoạt động rất hiệu quả.
Nhóm "Sống tích cực" (Dương Kinh, Hải Phòng) sản xuất túi
Ngoài ra, “Nhóm sóng biển Đồ Sơn” cũng chuẩn bị thực hiện dự án “Nuôi ong trên rừng ngập mặn”. Với dự án này ong sẽ hút mật trên hoa của cây sú, vẹt trồng ven đê biển, khai thác những nguồn lực sẵn có tại địa phương.
Bên cạnh đó, tại huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, dự án hỗ trợ để thành lập nhóm lau dọn vệ sinh công nghiệp, cung cấp dịch vụ vệ sinh nhà cửa, máy móc ở các khu công nghiệp.
An Vinh