Sếp lớn và người nhà liên tục thoái - gom cổ phiếu: Chuyện "kẻ tung người hứng" thời chứng khoán giảm giá!
HSG “chạm đáy” 3 năm, vợ chủ tịch “tháo chạy”
Vợ chồng ông Lê Phước Vũ
Trước hết phải kể đến vụ thoái vốn 24,21 triệu cổ phiếu HSG (tương đương 6,92% CP có quyền biểu quyết đang lưu hành) của Công ty TNHH MTV Tâm Thiện Tâm tại CTCP Tập đoàn Hoa Sen. Công ty này thuộc sở hữu của bà Hoàng Thị Hương Xuân - vợ Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen - ông Lê Phước Vũ. Bên cạnh đó, bà Xuân cũng là em gái ông Hoàng Đức Huy, hiện đang giữ chức Phó Tổng giám đốc Tập đoàn này.
Theo đó, để đáp ứng nhu cầu tài chính cá nhân, trong khoảng thời gian từ ngày 19/4 đến 17/5, Công ty của bà Xuân đã bán bớt 5 triệu cổ phiếu HSG khi đang ở mức khoảng 14.000-19.000 đồng/CP.
Ngay sau khi bán xong, Tâm Thiện Tâm lại tiếp tục đăng ký bán nốt hơn 19,21 triệu cổ phiếu HSG còn lại (tương đương 5,49% cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành). Giao dịch này được Tâm Thiện Tâm thực hiện theo phương thức thỏa thuận trong ngày 23/5 vừa qua, thu về hơn 230 tỷ đồng.
Điều đáng nói là giao dịch của Tâm Thiện Tâm diễn ra trong bối cảnh Tâm giá cổ phiếu HSG giảm xuống đáy 3 năm, khi giá trị cổ phiếu bốc hơi hơn 50% chỉ sau 4 tháng, vốn hóa thị trường của HSG mất hơn 5.000 tỷ đồng.
Như vậy, hiện nay, Công ty TNHH MTV Tâm Thiện Tâm không còn sở hữu bất kỳ cổ phiếu HSG nào nữa và các cổ đông lớn nhất tại Hoa Sen chỉ còn lại: Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen (25,1%), Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen (20,25%), ông Lê Phước Vũ (10,7%),…
Được biết, thời gian vừa qua, các doanh nghiệp ngành thép gặp khá nhiều khó khăn do mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thép trong nước ngày càng khốc liệt, trong khi việc xuất khẩu ra nước ngoài cũng gặp khó.
Riêng Tập đoàn Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ gặp khó khăn hơn khi Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú USD Trần Đình Long lớn mạnh và đang gấp rút triển khai đại dự án Dung Quất. Thép Kyoei thâu tóm Thép Việt Ý, gia tăng thị phần thép miền Bắc cùng HPG cạnh tranh vị trí số 1.
Trong khi đó, thị phần của Tập đoàn Hoa Sen trên thị trường tôn mạ đã giảm từ mức 40,9% năm 2012 đã xuống chỉ còn 33,1% năm 2016. Xu hướng giảm thị phần này là đáng báo động và một nguyên nhân quan trọng đó là tốc độ tăng trưởng đầu tư của Hoa Sen đã thấp hơn tốc độ tăng trưởng đầu tư của toàn ngành.
Mới đây, Tập đoàn này đã công bố BCTC hợp nhất Quý I/2018 với lợi nhuận thuần chỉ đạt 115 tỷ đồng, bằng 1/5 cùng kỳ và lợi nhuận chỉ đạt 87 tỷ đồng. Đây là con số thấp nhất trong vòng 4 năm qua của tập đoàn này.
Mặc dù vậy, tổng vay nợ của Tập đoàn Hoa Sen lại tăng hơn 3.945 tỷ đồng so với đầu kỳ lên mức 15.795 tỷ đồng, bao gồm, nợ ngắn hạn 12.646 tỷ đồng, tăng hơn 3.600 tỷ đồng so với hồi đầu kỳ. Do vay nợ ngân hàng tăng đã đẩy chi phí lãi vay quý này của Tập đoàn Hoa Sen lên 216 tỷ đồng, tăng tới 70% so với cùng kỳ. Theo tính toán, riêng trong quý này, mỗi ngày ông Lê Phước Vũ phải trả lãi vay ngân hàng mỗi ngày hơn 2,4 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu HBC giảm mạnh: Anh bán ra, em trai là Chủ tịch mua vào!
Ông Lê Viết Hưng (trái) và ông Lê Viết Hải (phải)
Mới đây, CTCP tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã thông báo về việc đăng ký giao dịch cổ phiếu của ông Lê Viết Hưng – cố vấn Công ty, đồng thời là anh trai Chủ tịch HĐQT - Ông Lê Viết Hải.
Theo đó, ông Hưng sẽ thực hiện việc bán ra 526.500 cổ phiếu HBC để thu xếp công việc cá nhân, trong khoảng thời gian từ ngày 25/5 đến ngày 22/6/2018.
Nếu giao dịch thành công, sẽ giảm số lượng cổ phiếu do ông Hưng sở hữu xuống còn 1.926.468 cổ phiếu, tương đương 1,48% vốn điều lệ Công ty.
Được biết, trước đó, ông Lê Viết Hưng đã bán xong 150.000 cổ phiếu HBC, tương ứng tỷ lệ 0,11% cổ phần trong hai ngày 15 và 16/5 qua giao dịch khớp lệnh. Với mức giá cổ phiếu HBC trong hai ngày này dao động trong khoảng 38.850 đồng/CP – 40.500 đồng/CP, ước tính ông Hưng đã thu về khoảng 6 tỷ đồng từ giao dịch này.
Ngay sau khi anh trai đăng ký bán ra lần 2, ông Lê Viết Hải cũng ra thông báo về việc muốn nâng lượng cổ phiếu nắm giữ tại doanh nghiệp của mình, trong khoảng thời gian từ 30/5 đến 28/6, thông qua phương thức khớp lệnh trên sàn hoặc thỏa thuận.
Nếu giao dịch thành công, ông Hải sẽ trở thành cổ đông lớn nhất tại Hòa Bình, vượt qua quỹ PYN Elite Fund đang sở hữu 17,25% vốn với 23,42 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 18,04% vốn.
Động thái trái ngược của 2 anh em Chủ tịch Hòa Bình diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu HBC trong giai đoạn giảm mạnh từ vùng đỉnh cuối năm 2017, gần 65.000 đồng/CP. Tại thời điểm ông Hải đăng ký mua vào, thị giá của HBC chỉ xoay quanh mức 36.700 đồng, đây cũng là mức giá thấp nhất của cổ phiếu ông lớn ngành xây dựng này trong 1 năm trở lại đây.
Được biết, đà giảm của cổ phiếu HBC bắt đầu từ cuối tháng 10/2017 do dính quá nhiều "tin đồn ác ý, nhằm mục đích phá hoại - theo lời Chủ tịch Lê Viết Hải.
"Đầu tiên là tin đồn bị Khải Silk 'xù' nợ 2.500 tỷ đồng, sau đó lại có tin đồn Hòa Bình quan hệ với các dự án của Vũ 'nhôm'. Mặc dù, lãnh đạo doanh nghiệp đã lên tiếng giải thích nhưng giá cổ phiếu vẫn không tăng nhiều.
Bên cạnh đó, đà giảm của HBC còn một phần đến từ sự hoài nghi của các nhà đầu tư về chất lượng tài sản của doanh nghiệp, khi cùng với đà tăng của lợi nhuận thì các khoản phải thu theo tiến độ xây dựng và nợ ngắn hạn cũng tăng theo.
Tính đến cuối năm 2017, khoản phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng của doanh nghiệp này lên tới 4.673 tỷ đồng, tăng 1.769 tỷ (61%) so với đầu năm. Tổng các khoản phải thu ngắn hạn của Hòa Bình thêm lên tới 9.190 tỷ đồng, tăng 36% so với đầu kỳ. Đây cũng là nguyên nhân dòng tiền kinh doanh của Hòa Bình liên tục âm trong vài quý vừa qua.
Trong năm 2018, Hòa Bình đặt chỉ tiêu doanh thu đạt 20.680 tỷ đồng và lãi 1.068 tỷ đồng. Hết quý I, doanh nghiệp đã thu về tổng cộng 3.346 tỷ doanh thu thuần, tăng 10% nhưng lãi ròng lại giảm 25%, chỉ đạt 136 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khoản lợi nhuận sụt giảm do công ty phải chi ra hàng chục tỷ đồng trả tiền lãi vay ngân hàng, cùng với các khoản chi tài chính khác.
Động thái trái ngược của 3 anh em nhà Chủ tịch Thế Giới Di Động
Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động
Theo báo cáo của Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE), mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Thảo em gái ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động đã đăng ký bán ra 30.000 cổ phiếu MWG trong tổng số 167.176 cổ phiếu nắm giữ. Thời gian giao dịch từ 28/5 đến 24/6 thông qua thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn. Mục đích bán ra cổ phiếu là phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân.
Chỉ một ngày sau đó, bà Nguyễn Thị Thu Tâm, cũng là em gái ông Tài đã đăng ký bán 60.000 cổ phiếu trong tổng số 120.864 đơn vị nắm giữ. Thời gian giao dịch 28/5 - 26/6.
Như vậy, tổng số lượng cổ phần mà cả hai cùng bán ra là 90.000 cổ phiếu. Tại mức giá bình quân của cổ phiếu này những ngày gần đây khoảng 105.000 - 113.000 đồng, cả hai có thể thu về trên 9,5 tỷ đồng.
Việc bán cổ phiếu của hai em gái ông chủ Thế Giới Di Động đang diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu công ty lên xuống thất thường. Trước đó, các thông tin về việc đóng cửa một vài cửa hàng kinh doanh di động và kết quả hoạt động của chuỗi Bách hóa xanh đã nhanh chóng khiến cổ phiếu công ty này từ vùng giá 135.000-140.000 đồng xuống 97.000 đồng một cổ phiếu.
Mặc dù, ông Nguyễn Đức Tài từng thừa nhận, hơi vội vàng trong việc đưa Bách hóa xanh vào các khu dân cư khiến chuỗi này chịu lỗ trước thuế khoảng 60 tỷ đồng, nhưng ngay sau đó, ông này cũng ra thông báo về việc đăng ký mua vào 100.000 cổ phiếu MWG, trong khoảng thời gian từ ngày 1/6 đến ngày 30/6/2018.
Thông tin này đã khiến cho giá cổ phiếu MWG bật tăng trở lại. Theo đó, hết phiên hôm 29/5, sau khi có tin ông Tài mua số lượng lớn cổ phiếu, MWG đóng cửa ở mức 105.000 đồng/CP, tăng khoảng 2,6%. Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, 30/5, giá cổ phiếu MWG lại giảm.
Được biết, doanh thu thuần 4 tháng đầu năm 2018 của Thế giới Di Động đạt 29.699 tỷ đồng, tăng 43% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.044 tỷ đồng, tăng trưởng 44% so với cùng kỳ.
Cụ thể: công ty ghi nhận đóng góp của chuỗi Thegioididong.com giảm dần, từ mức chiếm 57% tổng doanh thu 4 tháng năm 2017 xuống còn 42% tổng doanh thu 4 tháng đầu năm 2018. Trong khi đó, tỷ lệ đóng góp của Điện Máy Xanh và Bách Hóa Xanh lại tăng trưởng, đóng góp lần lượt 55% và 3% trong tổng doanh thu.
Điểm đáng chú ý, trong báo cáo của Thế giới Di động là số cửa hàng của chuỗi Thegioididong.com giảm xuống còn 1.065 cửa hàng từ con số 1.072 cửa hàng vào cuối năm 2017.
Như vậy, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2018, Thế giới Di động đã đóng tổng cộng 7 cửa hàng. Trong khi đó, suốt những năm vừa qua, số cửa hàng Thegioididong.com chỉ tăng lên chứ chưa bao giờ giảm xuống, thậm chí có những tháng mỗi ngày mở tới 2 cửa hàng.
Lãnh đạo mua vào để "đỡ giá" cổ phiếu.
Thông thường, việc mua vào cổ phiếu của lãnh đạo doanh nghiệp có thể xuất phát từ việc họ nhìn thấy triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp, nên muốn gia tăng sở hữu hoặc mua vào nhằm “đỡ giá” cổ phiếu của doanh nghiệp mình trên sàn chứng khoán, khi cổ phiếu của doanh nghiệp đang trong xu thế giảm.
Với những trường hợp của HSG, HBC và MWG có thể thấy giữa lúc thị trường giảm mạnh, lãnh đạo các doanh nghiệp này đã tích cực đăng ký mua thêm cổ phiếu cũng không nằm ngoài những mục đích nêu trên.
Tuy nhiên việc "đỡ giá" hời hợt, với số lượng cổ phiếu đăng ký mua vào không cao của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, khiến nhiều cổ phiếu chỉ tăng giá trở lại 1,2 phiên rồi tiếp tục đà lao dốc.
Ánh Phượng
Theo Báo Thời Đại