Sau PCI, Quảng Ninh lại tiếp tục giành quán quân tại PAPI 2022
Quảng Ninh năm thứ 6 liên tiếp giữ vị trí quán quân về PCI Theo công bố của VCCI, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Tháp lần lượt là các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao nhất trong Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022. |
PCI 2022: Thấy gì từ 2 địa phương lần đầu trong Top 5? Theo VCCI, để giành được vị trí nhóm dẫn đầu PCI và lọt vào nhóm có chất lượng điều hành kinh tế tốt, chính quyền địa phương phải chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy kiến tạo, thiết lập môi trường kinh doanh tốt nhất cho hoạt động của doanh nghiệp. |
Ngày 12/4, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cùng các đối tác đã công bố Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2022.
Báo cáo cung cấp một bức tranh quan trọng về hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương trong năm thứ hai của nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời, khắc họa sự thay đổi quan điểm của người dân về hiệu quả của công tác chống tham nhũng ở địa phương, trong bối cảnh người dân kỳ vọng về nền quản trị hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
PAPI 2022 cho thấy dù nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19, song nỗi lo ngại về tác động của đại dịch vẫn còn đó, cùng với mối quan ngại ngày càng gia tăng về hiệu quả phòng chống tham nhũng ở cấp địa phương trong bối cảnh người dân ngày càng kỳ vọng cao hơn về nền quản trị hiệu quả
Trong đó, các vấn đề: Nghèo đói, Tăng trưởng kinh tế, Việc làm, Chất lượng đường sá, và Tham nhũng... là những điều được người dân quan tâm nhất.
Toàn cảnh Lễ công bố Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2022 |
Nhiều nỗi lo vẫn... còn đó
Theo báo cáo, những nỗ lực của Việt Nam trong năm 2022 nhằm khắc phục các tác động kinh tế-xã hội của hai năm đại dịch đã giúp tăng niềm tin của người dân vào điều kiện kinh tế của hộ gia đình và của quốc gia trong năm qua.
Có tới 66,1% số người được hỏi đánh giá nền kinh tế quốc gia là "tốt" vào năm 2022 – tăng 19,4% so với một năm trước. Cũng ở câu hỏi này, tỷ lệ người dân đánh giá điều kiện kinh tế của đất nước là "kém" giảm tới 13,7% so với tỷ lệ 19,8% của năm 2021 xuống còn 6,1% năm 2022. Cũng như vậy, ở cấp hộ gia đình, tỷ lệ người dân cho rằng điều kiện kinh tế hộ của mình là "kém" giảm từ 15,3% năm 2021 xuống còn 11,4% năm 2022.
Tuy cảm nhận về điều kiện kinh tế khá hơn, tác động của hai năm đại dịch vẫn còn đó. Mặc dù 56% số người được hỏi khẳng định điều kiện kinh tế hộ gia đình của họ tốt hơn vào năm 2022, cao hơn so với tỷ lệ 52% vào năm 2021, tỷ lệ này vẫn là mức thấp nhất kể từ năm 2012.
Tương tự, những người cho rằng điều kiện kinh tế hộ gia đình của họ là kém vẫn tăng lên, cao nhất kể từ năm 2012, nếu ngoại trừ kết quả của năm 2021. Những con số này cho thấy nhiều người vẫn còn nỗi lo ngại về ảnh hưởng của đại dịch, trong đó người dân tộc thiểu số và phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tỷ lệ nghèo đói và việc làm không ổn định cao hơn ở hai nhóm này.
Sự chuyển dịch sang thời kỳ hậu đại dịch cũng được phản ánh trong ý kiến của người dân khi được hỏi về những vấn đề hệ trọng nhất cần Nhà nước tập trung giải quyết trong năm 2022.
Tỷ lệ lựa chọn vấn đề y tế và bảo hiểm y tế là vấn đề hệ trọng nhất giảm mạnh từ 23,84% theo khảo sát PAPI 2021 xuống 6,38% theo khảo sát PAPI 2022. Trong khi đó, vấn đề nghèo đói trở lại vị trí hàng đầu với 22,13% số người trả lời chọn vấn đề này năm 2022.
Như vậy, nghèo đói cũng là vấn đề liên tục đứng đầu danh sách các vấn đề được người dân quan tâm kể từ năm 2015, ngoại trừ năm 2021 khi Việt Nam chịu tác động mạnh của đại dịch COVID-19.
Quảng Ninh lập "cú đúp", Hà Nội có nhiều cải thiện
Tại lễ công bố, thay mặt nhóm nghiên cứu, TS Đặng Hoàng Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng (CECODES) cho biết, so với PAPI năm 2021, 33 tỉnh/thành phố đã có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 1 "Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”; 18 tỉnh/TP có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 2 “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương" và 30 địa phương có mức độ cải thiện ở Chỉ số nội dung 8 "Quản trị điện tử".
Chiều ngược lại, cũng có tới 29 địa phương giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 7 "Quản trị môi trường", 18 địa phương giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 4 "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công" và 18 tỉnh/thành phố giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 6 "Cung ứng dịch vụ công”.
Đáng chú ý, chỉ một ngày sau công bố kết quả PCI, Quảng Ninh lại tiếp tục được vinh danh ở vị trí đầu bảng PAPI 2022 Năm nay, với số điểm 47,8 điểm, quán quân PAPI có số điểm cao hơn 9 điểm so với địa phương có điểm số thấp nhất (Cao Bằng với hơn 38,8 điểm).
Trước đó, ở năm 2021, Quảng Ninh không được xếp hạng do những sai số trong dữ liệu. Giống trường hợp của Quảng Ninh năm ngoái, năm nay, hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang cũng không được xếp hạng trong báo cáo PAPI do một số dữ liệu khảo sát không chính xác.
Ở các chỉ số thành phần, Quảng Ninh đứng đầu ở chỉ số công khai, minh bạch trong quyết định (6,37 điểm), kiểm soát tham nhũng (4,58 điểm); thủ tục hành chính công (7,65). Các chỉ số còn lại là tham gia của người dân ở cấp cơ sở, trách nhiệm giải trình với người dân, cung ứng dịch vụ công, quản trị môi trường, quản trị điện tử đều được đánh giá ở nhóm địa phương có điểm hàng đầu.
Trong khi đó, với điểm số 43,9049 - Hà Nội xếp ở vị trí thứ 12, nằm trong nhóm đứng đầu, gồm 15-16 tỉnh/thành phố đạt tổng điểm PAPI 2022 từ 43,44 đến 47,88 điểm; đồng thời có sự thăng hạng đáng kể trong chỉ số PAPI.
Theo TS Đặng Hoàng Giang, Hà Nội đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong 2 năm trở lại đây trong bảng xếp hạng PAPI. Nếu như nhiều năm trước, Hà Nội luôn nằm trong nhóm thứ ba, đến năm 2021, năm 2022 đã vươn lên lọt vào nhóm đứng đầu trong các địa phương về chỉ số PAPI.
Chống tham nhũng là vấn đề được quan tâm hàng đầu
Trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh phòng chống tham nhũng là công tác trọng tâm trong nhiệm kỳ này, kết quả khảo sát PAPI năm 2022 cho thấy thái độ của công chúng đối với vấn đề này đang thay đổi.
Theo TS. Paul Schuler, Phó Giáo sư khoa học chính trị, Đại học Arizona, Hoa Kỳ, thành viên nhóm nghiên cứu - trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang xác định phòng chống tham nhũng là trọng tâm trong nhiệm kỳ này, tỷ lệ người được hỏi cho rằng tham nhũng là vấn đề hệ trọng cần Nhà nước tập trung giải quyết đã tăng 4,8% trong năm 2022, so với năm 2021.
Xu hướng này nhất quán với những phát hiện của Chỉ số nội dung "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công", với số người dân ghi nhận hiệu quả kiểm soát tham nhũng của chính quyền địa phương sụt giảm lần đầu tiên kể từ năm 2016.
Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do tỷ lệ người dân cho rằng phải nhờ vào mối quan hệ thân quen với người có chức, có quyền mới xin được việc làm trong cơ quan nhà nước tăng lên và tỷ lệ người dân phải "chung chi" khi làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất cũng gia tăng.
TS. Paul Schuler, thành viên nhóm nghiên cứu PAPI 2022. |
Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương giúp cảnh báo sớm nguy cơ sai trái, vì thế góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu tham nhũng. Tuy nhiên, kết quả khảo sát PAPI 2022 cho thấy chưa có nhiều chuyển biến tích cực ở khía cạnh quản trị công quan trọng này.
Nguyên nhân chủ yếu là do người dân vẫn phản ánh về tính thiếu chính xác trong việc lập danh sách hộ nghèo của chính quyền cấp cơ sở để hộ thực sự nghèo tiếp cận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Dù vậy, người dân vẫn ghi nhận sự cải thiện trong việc công khai thông tin thu, chi ngân sách cấp xã trong năm 2022.
Tại sự kiện, Đại sứ Australia tại Việt Nam ông Andrew Goledzinowski cho biết: "Tôi rất vui khi thấy Chính phủ Việt Nam theo dõi kết quả PAPI để điều chỉnh chính sách và cải thiện chất lượng dịch vụ công, đặc biệt là ở cấp tỉnh. Điều quan trọng là PAPI thể hiện quan điểm, tiếng nói của đông đảo các tầng lớp dân cư, bao gồm phụ nữ và nam giới, cũng như người khuyết tật".
Theo ông Andrew Goledzinowski, lắng nghe ý kiến công dân là điều rất cần thiết để cải thiện dịch vụ công. "Australia đã và đang hỗ trợ sáng kiến quản trị quan trọng này suốt bảy năm qua bởi chúng tôi nhận thấy nghiên cứu này mang lại giá trị cho Việt Nam", ông nói.
Với số lượng phỏng vấn cao nhất từ trước tới nay, đạt 16.117 người trả lời được lựa chọn ngẫu nhiên từ tất cả 63 tỉnh thành của Việt Nam, Báo cáo PAPI 2022 cung cấp dữ liệu và thông tin quý giá về hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp trong hai năm đầu nhiệm kỳ 2021-2026 và đóng góp cho việc xây dựng chính sách, pháp luật quan trọng trong năm 2023. Theo bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam: "Chương trình nghiên cứu Chỉ số PAPI nhằm phản ánh đánh giá của người dân về việc thực hiện chính sách và các chương trình phát triển của Nhà nước, từ đó đóng góp vào việc cải thiện và tăng cường khả năng đáp ứng, tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền". "Báo cáo PAPI 2022 cung cấp nguồn dữ liệu thực chứng quan trọng để các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương theo dõi hiệu quả hoạt động của mình trong công tác điều hành, quản lý Nhà nước, hành chính công và cung ứng dịch vụ công", bà Ramla Khalidi kỳ vọng. |
ĐBSCL đã có sự bứt phá cải thiện điểm số PCI Trong xu hướng chung các tỉnh, thành cả nước nỗ lực cải thiện điểm số PCI, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có sự bứt phá cải thiện điểm số PCI, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế. |
Nhiều lợi ích khi xây dựng "Chỉ số xanh" cấp tỉnh Ngày 7/6, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) nhằm mục tiêu thúc đẩy các tỉnh, thành phố tại Việt Nam quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. |