Sau khi loạt "ông lớn" thoái vốn, Gelex trở thành cổ đông lớn tại Eximbank
Ảnh minh họa |
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (mã: EIB) vừa công bố thông tin liên quan đến danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên.
Theo báo cáo, tại ngày 1/7, Eximbank có tổng cộng 5 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Trong đó, cổ đông tổ chức bao gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Gelex (mã: GEX) sở hữu gần 86 triệu cổ phiếu EIB, tương ứng 4,9% vốn điều lệ.
Hai cổ đông tổ chức còn lại của Eximbank gồm Công ty Cổ phần Chứng khoán VIX (mã: VIX) sở hữu hơn 62 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 3,58% vốn điều lệ và Công ty Cổ phần Thắng Phương sở hữu hơn 53 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 3,07% vốn.
Hai cổ đông cá nhân nắm giữ trên 1% vốn của ngân hàng này là bà Lê Thị Minh Loan sở hữu gần 18 triệu cổ phiếu EIB (1,03% vốn) và bà Lương Thị Cẩm Tú sở hữu gần 20 triệu cổ phiếu EIB (1,12% vốn).
Trong đó, bà Lương Thị Cẩm Tú hiện là Phó chủ tịch HĐQT Eximbank còn bà Lê Thị Mai Loan là cựu Thành viên HĐQT Eximbank. Riêng bà Mai Loan hiện có người liên quan cũng đang nắm cổ phiếu của nhà băng này, nhưng lượng nắm giữ rất ít, chỉ gần 20.000 cổ phiếu EIB.
Như vậy, tính chung 5 cổ đông lớn này hiện nắm giữ tổng cộng 13,7% vốn của Eximbank.
Nguồn: Eximbank |
Eximbank là ngân hàng chứng kiến sự biến động rất lớn trong vòng 2 năm qua khi một loạt nhóm cổ đông lớn đã thoái vốn khỏi ngân hàng này như SMBC (từng nắm giữ 15% vốn), VinaCapital (từng nắm gần 5% vốn), hay nhóm cổ đông liên quan đến Thành Công Group, Âu Lạc, Vietcombank hiện đều đã thoái toàn bộ vốn.
Về tình hình kinh doanh, quý I/2024, Eximbank ghi nhận lãi trước thuế chỉ hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập lãi thuần là khoản mục tăng trưởng duy nhất của Eximbank trong quý đầu năm khi tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 1,358 tỷ đồng. Trong khi đó, các nguồn thu ngoài lãi đều sụt giảm so với cùng kỳ như lãi từ dịch vụ giảm 24%, lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm đến 58%, đồng thời lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 24 tỷ đồng và lãi từ hoạt động khác giảm 46%.
Tính đến 31/3/2024, tổng tài sản Eximbank xấp xỉ đầu năm ở mức 203.584 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 5% lên mức 147.021 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng 3% lên 160.659 tỷ đồng. Tổng nợ xấu tính đến hết quý I/2024 của Eximbank là 4,203 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Đáng chú ý, nợ dưới chuẩn tăng 85%. Kết quả, đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,65% đầu năm lên 2,86%.
Mới đây, Công ty Chứng khoán MBS đã đưa ra dự báo lợi nhuận quý II của Eximbank. MBS cho rằng tăng trưởng tín dụng Eximbank tiếp tục cải thiện trong quý II (dự báo tăng 7% trong 6 tháng) nhờ lãi suất cho vay vẫn ở mức thấp và cung cấp các gói tín dụng với lãi suất hấp dẫn.
Eximbank cũng đã bắt đầu giảm áp lực nợ xấu trong quý II khi nợ nhóm 2 trong quý I của nhà băng này đã giảm xuống chỉ còn 1,2%.
MBS dự báo lợi nhuận ròng quý II của ngân hàng này sẽ tăng 29% so với cùng kỳ chủ yếu là do mức nền thấp đã xác lập trong năm 2023.
Trước đó, trong ĐHĐCĐ thường niên 2024, Eximbank đề ra kế hoạch năm 2024 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 5.180 tỷ đồng, tăng đến 90% so với kết quả đạt được năm 2023. Mục tiêu đến cuối năm 2024, tổng tài sản tăng 11% lên mức 22.102 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu lãnh đạo Eximbank thông tin về vụ đòi nợ thẻ tín dụng 8,8 tỷ đồng Văn bản yêu cầu Eximbank báo cáo Thống đốc NHNN kết quả xử lý vụ việc trước ngày 21/3/2024. |
Một ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 90% trong năm 2024 Eximbank đặt mục tiêu kinh doanh chính năm 2024 với tham vọng lợi nhuận trước thuế đạt 5.180 tỷ đồng, tăng trưởng 90,4% so với năm 2023. |