San sẻ và đón nhận “bình yên” qua trà đạo truyền thống Nhật Bản ở Hà Nội
Chia sẻ với Tạp chí Thời Đại, trà sư Mitsue Hashimoto (61 tuổi, đến từ Osaka, Nhật Bản, đang sống ở Hà Nội) cho biết đã gắn bó với môn nghệ thuật này hơn 50 năm.
“Tôi bắt đầu đến với trà đạo từ khi mới 10 tuổi, từ đó tới nay đã hơn 50 năm. Lúc đó tuổi còn nhỏ, tôi ngóng chờ tới lớp trà đạo chỉ đơn giản để được uống trà và ăn bánh ngon. 8 năm trước, tôi đã nhận bằng cấp cao nhất của phụ nữ trong trà đạo và 4 năm trước, tôi được cấp bằng giáo viên”, trà sư người Nhật nói.
Trà sư Mitsue Hashimoto (bên phải) là thuộc trường phái Omotesenke. Đây là trường phát đề cao tính truyền thống và những lễ tiết cổ. Vì vậy trong lớp, bà chú trọng dành thời gian chia sẻ những kiến thức cơ bản của lý thuyết trà đạo trước, sau đó cho học viên thực hành. |
Lớp học tràn ngập niềm vui
Sau 1 năm sinh sống ở Hà Nội cùng gia đình, bà Hashimoto đang dẫn dắt lớp trà mang tên “Bình Yên” để giới thiệu trà đạo truyền thống Nhật Bản tới Việt Nam. Dù đã gắn bó hơn một nửa thế kỷ với bộ môn nghệ thuật này, việc dạy trà đạo cho người Việt vẫn mang đến cho trà sư người Nhật nhiều niềm vui mới.
“Lớp trà đạo ở Việt Nam khác với ở Nhật Bản ở rào cản ngôn ngữ và văn hóa. Phải nhờ tới sự giúp đỡ của trợ lý, cũng là thông dịch viên lớp học, tôi mới có thể trao đổi với học viên. Nhưng tôi thấy rất vui khi thấy nhiều người Việt Nam mong muốn tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản”, bà Hashimoto chia sẻ.
Trà sư hướng dẫn học viên cách gấp khăn |
Với những lớp dành cho học viên lần đầu làm quen với trà đạo, bà Hashimoto bận rộn hơn cả. Trong các công đoạn của một buổi trà đạo như chuẩn bị, pha trà, mời trà, trà sư không chỉ làm mẫu cho học viên mà còn phải giải thích về ý nghĩa của các bước đó trong văn hóa Nhật Bản.
Trung tâm Ikebana House được thành lập tại tầng 5, số 36, Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội từ tháng 10/2020, với mong muốn nơi đây sẽ là ngôi nhà chung cho những người yêu mến Ikebana - Nghệ thuật cắm hoa truyền thống Nhật Bản. Bên cạnh đó, nơi đây cũng trở thành không gian giao lưu những nét đẹp văn hoá truyền thống Nhật Bản và Việt Nam. |
Không những vậy, bà còn dành thời gian để học viên đặt câu hỏi cho đến khi đạt được sự am hiểu nhất định. Trà sư cho biết, qua những lần hỏi đáp hay lặp đi lặp lại các bước như vậy, chính bà cũng hiểu thêm về trà đạo.
“Những lớp đầu tiên, học viên người Việt chỉ quan sát cách pha trà và sau đó thưởng thức. Trong một buổi học dài tầm 3 tiếng đồng hồ, tôi sẽ dành 1 tiếng để cho mọi người biết kiến thức về trà đạo, thời gian còn lại để thực hành. Khi thực hành tôi chỉ từng động tác cho từng học viên để họ có thể làm được vì trà đạo có nhiều công đoạn phức tạp”, bà nói.
Bầu không khí lớp học luôn tích cực và hào hứng. Trong lớp trà “Bình yên”, tiếng giảng từ tốn, chậm rãi của bà Hashimoto cùng động tác chỉ dẫn kỹ càng giúp học viên người Việt dễ dàng theo dõi. Khi thấy ai chưa bắt kịp hay còn quên bài, bà nhanh chóng đến tận nơi, ngồi cạnh làm mẫu lại động tác. Nhờ có cô giáo hết sức thân thiện, các học viên ban đầu còn lúng túng nhưng sau đó dần thành thục và tự tin hơn.
Bước thực hành trong lớp trà đạo cơ bản của trà sư Mitsue Hashimoto tại Hà Nội. |
Trà đạo gắn kết tâm hồn
Theo bà Hashimoto, trong số các học viên, ai cũng có lý do riêng để đến với lớp trà “Bình yên”. Tuy nhiên, trà sư người Nhật mong muốn rằng trà đạo có thể mang lại cho họ sự thoải mái và thư giãn trong tâm hồn.
“Trà đạo là một nghi thức Thiền trong Phật giáo, mang đến cho chúng ta sự bình yên và thư thái vì vậy tôi muốn giới thiệu nó đến cho mọi người. Sau khi tham gia [lớp trà], học viên có thể tiếp tục theo học trà đạo cũng có thể không. Nhưng tôi thấy được sự thích thú của học viên khi đến với trà đạo. Dù khó khăn trong giao tiếp nhưng họ đều làm tốt, còn cố gắng ngồi đúng tư thế quỳ trong trà đạo”, trà sư chia sẻ.
Học viên lắng nghe trà sư Hashimoto chia sẻ về trà đạo. |
Đặc biệt, một trong những lý do bà dạy trà ở Việt Nam vì muốn những thực tập sinh, sinh viên du học người Việt từ Nhật Bản về nước có thể tiếp tục học và thực hành trà đạo. Bản thân cô đã đề xuất điều này với trường phái Omotesenke ở Nhật với hi vọng giới thiệu trà đạo đến với nhiều người Việt Nam hơn nữa.
Học viên Hà Thị Hải Yến (Hà Nội) chia sẻ, qua những buổi học tại lớp trà đạo “Bình yên”, chị thêm yêu và nể phục con người Nhật Bản về sự tinh tế, tỉ mỉ, và tình yêu đối với thiên nhiên.
“Buổi học vô cùng lý thú, bởi ngoài cách dạy gấp khăn, pha trà, cô Hashimoto chia sẻ những điều khác nữa. Chẳng hạn, cô là người tự tay cắm bình hoa trong buổi tiệc trà, cô giải thích tại sao cô chọn lọ hoa có hình dáng chú ve sầu cho buổi học, tại sao nguyên liệu hoa cắm trong buổi tiệc trà là loại hoa này mà không phải là loại hoa kia, bánh ăn trong buổi tiệc trà có liên quan đến 4 mùa thế nào,… Mình rất thích thú, bởi đây là khía cạnh văn hoá, là điều mình muốn được biết, được tìm hiểu", học viên nói.
Cũng theo chị Hải Yến, sự tận tình và tâm huyết của cô giáo Hashimoto là động lực để chị rèn luyện cho bản thân về kiến thức và sự nhạy cảm, trân trọng đối với những giá trị truyền thống cũng như những điều bình dị có sẵn xung quanh.
Bắt nguồn từ cuối thế kỷ 12, trà đạo được coi là một trong những môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc nhất của Nhật Bản. Không chỉ có bề dày lịch sử phát triển, trà đạo còn được người Nhật trân trọng vì đây là một thú vui tao nhã, kết hợp uống trà với tinh thần Thiền của Phật giáo. Qua đó, lợi ích do trà đạo mang lại không dừng lại ở đời sống vật chất mà thể hiện ở việc hướng con người đến sự bình yên trong tâm hồn và lối sống đơn giản, hài hòa với thiên nhiên. |
Hà Nội: Tiếp nhận 110 cây hoa anh đào từ vùng Chukyo (Nhật Bản) Chiều 16/3, tại Công viên Hòa Bình (Hà Nội), Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam TP Hà Nội phối hợp với Sở xây dựng Hà Nội, Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản Hà Nội đã tổ chức Lễ tiếp nhận và trồng cây hoa anh đào do Hội hữu nghị Nhật - Việt khu vực Chukyo (Nhật Bản) trao tặng với kỳ vọng sẽ trở thành cầu nối gắn kết trái tim người dân hai nước. |
Thưởng trà: sợi dây kết nối người dân Nhật Bản và Việt Nam "Thưởng trà là nét văn hóa tương đồng, chứa đựng những yếu tố tạo nên sự thấu hiểu, đồng cảm giữa người dân Nhật Bản và Việt Nam". Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio phát biểu như vậy tại sự kiện giao lưu trà đạo do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức vào ngày 17/3 tại Hà Nội. |