Sai lầm trong 3 phương pháp học tiếng Anh khiến bạn không giỏi
"Đăng ký một lớp học thêm đi", "Xem phim tiếng Anh ấy" là những lời khuyên hẳn bạn đã từng được nghe khi bàn về việc học tiếng Anh. Những kế hoạch này có vẻ tuyệt vời nhưng bạn nhanh chóng trở nên chán nản sau một thời gian bởi không thấy hiệu quả và gác lại việc học tiếng Anh của mình.
Chiến lược học tiếng Anh của bạn không phát huy tác dụng. Điều này xuất phát từ cách tiếp cận của bạn bị sai trọng tâm.
Lý do duy nhất để lý giải cho điều này là việc bạn đã bỏ qua nguyên tắc cốt lõi của việc học ngoại ngữ - bạn không thể học thuộc mà phải sử dụng nó. Dưới đây là ba phương pháp học tiếng Anh phổ biến, nguyên nhân khiến nó không hiệu quả và giải pháp đề xuất giúp bạn khắc phục.
Phương pháp 1: Tham gia một lớp học dạy lý thuyết
Đến những lớp học này, bạn thường phải ngồi lắng nghe một cách thụ động những bài giảng của giáo viên, thường là bằng tiếng mẹ đẻ. Bạn không có nhiều cơ hội nói ngoại ngữ. Đây thực là một việc gây lãng phí thời gian. Cũng vì vậy, nhiều học sinh có hơn 5 năm học ngoại ngữ theo kiểu này vẫn không thể bắt đầu, duy trì một cuộc hội thoại đơn giản. Phương pháp này không hiệu quả là vì bạn chỉ học lý thuyết mà không sử dụng, nên bạn cần thay đổi thực trạng này.
Điều bạn cần làm là có trách nhiệm hơn với việc học. Nhiều người không thể tự học nên thích tham gia lớp để tự ép mình vào một khuôn khổ nhất định. Tuy nhiên, bạn cũng sẽ có được những tiến bộ như vậy khi tham gia vào một chương trình trực tuyến, hoặc rủ bạn bè cùng tạo ra lộ trình, ràng buộc nhau học mà không phải mất thời gian, cảm thấy chán nản khi phải đến lớp, nghe giảng.
Bổ sung khoảng thời gian nói ngoại ngữ trong lớp. Thay vì nghỉ lớp thiên về lý thuyết, bạn có thể bổ sung thời gian luyện nói thông qua các diễn đàn, các trang học tiếng Anh gồm nhiều người đến từ các quốc gia. Điều quan trọng là bạn phải nói thật nhiều.
Phương pháp 2: Xem phim và các chương trình truyền hình
Những người học ngoại ngữ vẫn thường mơ tưởng rằng mình sẽ được học một cách thụ động khi xem phim và các game show. Tuy nhiên, bạn chỉ có thể thành công khi thực sự cố gắng.
Xem phim là cách nhiều bạn chọn vì được xem bộ phim yêu thích và tin rằng mình đang giỏi tiếng Anh hơn từng ngày.
Xem phim, chương trình TV có thể giúp bạn học tiếng Anh, nhưng không có nghĩa bạn nên dành 8 tiếng mỗi ngày cho việc dán mắt vào màn hình. Điều này cũng dễ hiểu như việc bạn không thể thành phi công nếu dành toàn bộ thời gian quan sát cách một chiếc máy bay vận hành. Bạn cần sự tiếp xúc, động não thực sự.
Đừng chỉ mỗi xem phim, hãy tập trung cho mục tiêu học. Nếu chỉ xem phim đơn thuần, bạn không quan tâm nhiều đến yếu tố ngôn ngữ. Hãy xem bộ phim như một cuốn sách hướng dẫn học tiếng Anh, và cố gắng chú ý đến yếu tố ngôn ngữ như từ vựng, mẫu câu, cụm từ, ngữ điệu…
Chia bộ phim thành những phần nhỏ để dễ hấp thu. Một bộ phim dài suốt 2 giờ sẽ quá dài để bạn hấp thu kiến thức trong một lần. Vì vậy, hãy chia ra thành những phần dài khoảng 10 phút hoặc ít hơn, rồi xem đi xem lại nhiều lần cho đến khi bạn thực sự học được điều gì.
Dấn thân vào câu chuyện. Một bộ phim là một cuốn sách về ngôn ngữ hình thể, giọng điệu, phát âm và nhiều yếu tố khác. Vì vậy, đừng do dự tham gia vào câu chuyện, đóng các vai nhân vật, nhắc đi nhắc lại lời thoại và các hành động và khiến ngôn ngữ trở nên sống động.
Phương pháp 3: Nghe nhạc
Cũng như xem phim, chương trình TV, nghe nhạc cũng được xem là một cách hữu ích để luyện ngoại ngữ. Vấn đề nhiều bài hát có lời khá vô vị, không thực sự phù hợp để học từ mới hay ngữ pháp. Tuy nhiên, nghe nhạc vẫn đóng góp nhất định cho việc học ngôn ngữ của bạn, nếu được tiếp cận đúng cách.
Điều bạn cần sửa đổi là hát theo bài hát. Bạn nên áp dụng phương pháp giống như với xem TV, phim - chú trọng việc học, nhắc đi nhắc lại và đắm mình trong bài hát (hãy hát theo, đừng chỉ nghe thôi). Lời bài hát được viết sáng tạo, nên nếu bạn muốn học lời bài hát, hãy hình dung như đang đọc thơ, suy nghĩ sáng tạo hơn để hiểu ý nghĩa của cả bài.
Theo VnExpress