Sách trắng về quyền con người 2018: Những điều cần biết
Việt Nam đã không ngừng đấu tranh vì các quyền tự do cơ bản của con người, nhất là quyền độc lập và quyền tự quyết của dân tộc, quyền được sống trong hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc cho mỗi người dân. Việt Nam cũng là quốc gia nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế về thúc đẩy quyền con người và chủ động đóng góp tại các diễn đàn về quyền con người trong khuôn khổ Liên Hợp quốc, ASEAN và nhiều cơ chế khác.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. (ảnh: Châu Như Quỳnh).
Năm 2005, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố cuốn sách “Thành tựu bảo vệ và phát triển các quyền con người ở Việt Nam”. Từ đó cho đến nay Việt Nam đã chứng kiến những thành tựu quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển quyền con người, đặc biệt là việc thông qua Hiến pháp năm 2013 và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người.
Cuốn sách “Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam” ra mắt trong năm 2018 là một nỗ lực của Việt Nam trong việc tăng cường đảm bảo quyền con người.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, nhân quyền là giá trị chung của nhân loại, song vẫn có những sự khác biệt về cách tiếp cận và ưu tiên về quyền con người, xuất phát từ khác biệt về lịch sử, văn hóa, thể chế chính trị, trình độ phát triển. Đây là thực tiễn bình thường trong quan hệ quốc tế. Điều quan trọng là chúng ta cần sẵn sàng hợp tác, đối thoại trên tinh thần hợp tác, xây dựng và tôn trọng lẫn nhau.
“Việt Nam tiếp tục duy trì các cơ chế đối thoại về quyền con người với một số nước/đối tác nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm và mở ra những cơ hội hợp tác song phương trong lĩnh vực quyền con người. Chúng tôi cũng mong muốn cộng đồng quốc tế có cái nhìn khách quan, toàn diện, cân bằng về nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người,” bà Hằng khẳng định.
Cuốn sách “Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam” cung cấp các thông tin cập nhật về luật pháp, chính sách, nỗ lực và thành tựu của Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người cũng như thách thức cần vượt qua và những ưu tiên cần thúc đẩy thực hiện ngày càng tốt hơn quyền con người ở Việt Nam.
Cuốn sách gồm 4 chương, trong đó nêu rõ quan điểm, chính sách và luật pháp của Việt Nam về quyền con người, thành tựu của Việt Nam trong thực hiện quyền dân sự, chính trị, xã hội, văn hóa, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương…
7 ưu tiên quyền con người tại Việt Nam
Trong sách trắng về quyền con người 2018, Việt Nam đã công bố 7 hướng ưu tiên trong thời gian tới nhằm bảo đảm thực hiện tốt hơn các quyền con người.
Sách trắng về quyền con người 2018. Ảnh: NLĐ.
Cụ thể, ưu tiên thứ nhất của Việt Nam là tiếp tục kiện toàn hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm thực hiện tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân trên cơ sở phù hợp với Hiến pháp 2013 và các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Tiếp đó, Việt Nam sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội nhằm nâng cao điều kiện, nguồn lực phục vụ công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Trong các ưu tiên tiếp theo, Việt Nam cam kết sẽ nâng cao khả năng tiếp cận với các loại hình an sinh xã hội cũng như cải thiện chất lượng giáo dục nhằm phát triển nguồn nhân lực, trong đó có giáo dục về quyền con người; tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới; chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hướng đến một xã hội khỏe mạnh và được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầy đủ cả về thể chất và tinh thần; tiếp tục tăng cường hợp tác với tất cả các quốc gia, các cơ chế và tổ chức chuyên môn của khu vực và toàn cầu có liên quan đến quyền con người.
Lan My