Sắc xanh trở lại, thị trường vẫn còn nỗi lo bị Bluechips "thả trôi"
Định vị thị trường
Vận động trái chiều trong biên độ hẹp từ chứng khoán châu Á không đưa ra được sự định hướng rõ ràng cho thị trường Việt Nam. Các chỉ số NIKKEI 225 (-0,8%), TWSE (-0,85%), SET (-1,24%) cùng giảm điểm trong khi KOSPI (+1,12%), HSI (+1,3%), SHCMP (+0,52%) tăng điểm.
VN-Index cũng có phiên tăng điểm nhưng thành tích gần như không đáng kể. Qua đó, chỉ số đã có 3 phiên liên tiếp đánh mất xu hướng tăng ngắn hạn.
Chất xúc tác
Sau phiên có thanh khoản bung ra, thị trường quay lại với tình trạng kém sôi động. Khớp lệnh của HOSE đã giảm 26,5% xuống 535 triệu đơn vị, hụt khá xa so với mức bình quân 20 phiên gần nhất.
Nhà đầu tư nội vẫn là bên chi phối dòng tiền khi tỷ trọng giao dịch 2 chiều chiếm gần 92%. Khối ngoại chỉ đóng góp khoảng 8% và cùng đã có phiên mua nhẹ đầu tiên sau chuỗi 8 phiên liên tiếp bán ròng. Theo thống kê, nhóm nhà đầu tư ngoại đã mua ròng hơn 9 tỷ đồng trong đó TCB (+145 tỷ đồng), STB (+56,2 tỷ đồng) được mua nhiều nhất còn VHM (-87,41 tỷ đồng), FUEVFVND (-73 tỷ đồng) bị bán ra nhiều nhất.
Khối ngoại mua ròng trở lại trên HOSE. |
Hiện tỷ giá USD vẫn chưa có những tín hiệu đảo chiều, giá bán trên thị trường tự do đang ở 25.620 VND/USD còn tại các ngân hàng cũng lên gần 25.500 VND/USD.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đang liên tục hút ròng để giảm thiểu hoạt động đầu cơ. Trong ngày hôm qua, đã tiếp tục hút ròng 9.450 tỷ đồng từ thị trường qua kênh thị trường mở. Hiện đang có 3.000 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 46.400 tỷ đồng tín phiếu lưu hành.
Vận động thị trường
Thị trường đang có xu hướng kém tích cực trong ngắn hạn sau VN-Index để thủng mất đường xu hướng ngắn hạn. Nối tiếp điều này, chỉ số VN-Index đã có lúc giảm về 1.263 điểm trong phiên sáng.
Tuy nhiên, áp lực bán tháo đã không xuất hiện, thay vào đó những nỗ lực triệt tiêu bớt áp lực của các cổ phiếu lớn. Các cổ phiếu VIC (+2,4%), STB (+2,3%), TPB (+2%), PLX (+1,2%) cùng hỗ trợ chỉ số đảo chiều cuối phiên.
Nếu như VHM (-2,6%) không chịu áp lực, những đóng góp kể trên có thể đã phản ánh tốt hơn vào thành tích của chỉ số. Chốt phiên, VN-Index chỉ tăng tăng 1,01 điểm lên 1.270,9 điểm (+0,08%). Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 14.051 tỷ đồng, tương đương 589 triệu đơn vị.
Riêng nhóm VN30 đã chiếm hơn 55% tổng giá trị giao dịch của HOSE. Điều nay cho thấy, sự phụ thuộc của cả thị trường vào những chuyển động của các cổ phiếu. Nếu các cổ phiếu lớn "thả trôi" giá hoàn toàn có thể khiến thị trường xuất hiện thêm những diễn biến tiêu cực.
Ở nhóm Midcap và Penny, sắc xanh đã xuất hiện nhiều hơn. Dù vậy, ngoại trừ trường hợp cá biệt của KSB (+6,91%), các cổ phiếu tăng tốt nhất đều chỉ mang tính chất hồi phục kỹ thuật như NLG (+3,01%), DXG (+2,47%), DIG (+3,46%), PDR (+3,35%), VDS (+2,6%), CTS (+1,3%), FTS (+1%). Tổng cộng, sắc xanh được ghi nhận ở 47% số mã trên HOSE.
So với HOSE, 2 sàn còn lại lại có mức tăng tốt hơn: HNX-Index tăng 0,44% còn UPCoM-Index tăng 0,43%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 1.200 tỷ đồng.