“S-city Actionaid” - Ứng dụng điện thoại chống nạn quấy rối, xâm hại tình dục
Tối 27/6, tại Hà Nội, Vụ Bình đẳng giới thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm tình nguyện Quốc gia (VCC) thuộc T.Ư Đoàn và Tổ chức ActionAid Việt Nam đã phối hợp tổ chức Lễ ra mắt ứng dụng “S-City ActionAid” có thông điệp “Hành động vì thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái”. Hoạt động nằm trong khuôn khổ chiến dịch “Thành phố An toàn” (Safe cities Campaign) do tổ chức ActionAid Việt Nam và các đối tác thực hiện từ năm 2014 đến nay trên phạm vi toàn quốc.
Lễ ra mắt ứng dụng "S-city ActionAid"
“S-city ActionAid” là ứng dụng đầu tiên chạy trên điện thoại thông minh dành cho tất cả người dân và du khách, với mong muốn chấm dứt hành động bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại nơi công cộng.
Không chỉ giúp người dùng, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái có thể tự bảo vệ bản thân bằng cách gọi cứu trợ khẩn cấp khi gặp quấy rối mà quan trọng hơn, ứng dụng S-city còn tạo ra một không gian mạng xã hội để đánh giá chất lượng các dịch vụ công và cảnh báo tình trạng an toàn tại các địa điểm công cộng trong thành phố. Những dữ liệu này mang ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở cho các khuyến nghị chính sách giúp nâng cao và cải thiện chất lượng dịch vụ công.
Ứng dụng S-city có nhiều chức năng hữu ích như: tìm đường, báo động an toàn, gọi điện thông báo hỗ trợ khẩn cấp, đánh giá chất lượng dịch vụ và báo cáo tình trạng quấy rối.
S-city có thể được tải miễn phí từ App Store (trình duyệt iOS), CH Play (trình duyệt Android) và Window Store (trình duyệt Window) với từ khóa “S-City ActionAid”. Thông tin chi tiết về ứng dụng được đăng tải tại trang web: http://safecity.vn/
S-city ActionAid có nhiều chức năng hữu ích giúp chống quấy rối, xâm hại tình dục
Ông Adriano Campolina, Tổng Giám đốc ActionAid Quốc tế chia sẻ: “Chúng ta đến đây ngày hôm nay từ nhiều quốc gia, lứa tuổi, ngành nghề, nhưng đều được kết nối bằng một quyết tâm. Đó là quyết tâm cùng nhau xây dựng thành phố chúng ta đang sống trở nên an toàn và thân thiện, trở thành nơi mà mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, được tự do đi lại, làm việc và sinh sống, tự do tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công minh bạch, hiệu quả, có chất lượng”.
“Hy vọng rằng với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, ứng dụng S-city ActionAid sẽ nhận được sự chào đón và phản hồi tích cực từ người sử dụng. Bằng sự chủ động trong việc tự bảo vệ bản thân mình cũng như tham gia đánh giá chất lượng dịch vụ tại các điểm công cộng, phụ nữ và trẻ em gái sẽ được sống trong một môi trường an toàn. Đây chính là một trong các tiêu chí của Thành phố và Cộng đồng An toàn với Phụ nữ và trẻ em gái mà Vụ Bình Đẳng Giới mong muốn sẽ xây dựng, thí điểm và áp dụng vào năm 2020”, ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết.
Theo nghiên cứu của ActionAid Việt Nam, 87% phụ nữ và trẻ em gái từng bị quấy rối tình dục và 63,4% phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy lo lắng về các mối nguy hiểm tiềm ẩn tại những nơi công cộng, đặc biệt là xe buýt, bến xe hay nhà vệ sinh công cộng. Đáng buồn hơn, nạn nhân thường im lặng khi bị bạo lực, quấy rối, trong khi phần lớn nam giới và người chứng kiến không hề có hành động gì khi chứng kiến những vụ việc này.
Thùy Linh