"Rút BHXH một lần rất thiệt thòi cho người lao động"
Trao đổi với Tạp chí Thời đại, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này hướng tới việc mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH; đồng thời, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu.
-Thưa Thứ trưởng, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang lấy ý kiến, đối với quy định về rút BHXH một lần có phương án quy định chỉ giải quyết 50% tổng thời gian đóng và bảo lưu phần còn lại cho đến tuổi nghỉ hưu. Xin ông cho biết thêm về đề xuất này?
-Trong thời gian vừa qua, bình quân mỗi năm có khoảng gần 700 nghìn lượt người hưởng BHXH một lần và có xu hướng gia tăng qua từng năm. Việc rút BHXH một lần rất thiệt thòi cho người lao động, vì sẽ khiến họ mất hoặc giảm cơ hội hưởng lương hưu khi về già. Bởi mục tiêu của chế độ hưu trí là bảo đảm ổn định cuộc sống khi về già, nên người lao động phải tích lũy thời gian đóng BHXH trong quá trình làm việc khi còn trẻ để khi về già được quỹ BHXH chi trả lương hưu hàng tháng.
Thuyết phục NLĐ không rút BHXH một lần luôn là vấn đề khó xử với cơ quan chức năng |
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này bổ sung nhiều quy định theo hướng gia tăng quyền lợi, khuyến khích người lao động lựa chọn bảo lưu thời gian đóng, tiếp tục tham gia để hưởng lương hưu hàng tháng như: Quy định điều kiện thuận lợi hơn trong hưởng lương hưu (người lao động tham gia đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm); Quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ có thêm lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng; được hưởng bảo hiểm y tế, kinh phí do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Đồng thời, với quy định về rút BHXH một lần, dự thảo luật đưa ra 2 phương án. Trong đó phương án 2 trong cho phép người lao động hưởng BHXH một lần, nhưng vẫn phải dành một phần thời gian đóng để bảo lưu, tiếp tục tham gia bảo đảm cuộc sống khi về già. Phương án này một mặt đáp ứng một phần nhu cầu khó khăn trước mắt của người lao động, đồng thời một mặt vẫn được bảo lưu, ghi nhận phần thời gian đóng để tiếp tục tham gia và thụ hưởng BHXH.
Dù phương án nào thì nhà nước luôn khuyến khích người lao động ở lại hệ thống để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại, bất lợi khi họ hưởng BHXH một lần.
-Sau khi dự thảo luật đưa ra đã có không ít ý kiến cho rằng việc hạn chế rút BHXH một lần khó thực thi vì nội dung chưa tính toán đầy đủ đến thực tế cuộc sống cũng như cách suy nghĩ của người lao động, Thứ trưởng nghĩ sao về những phản ứng này?
-Để có cơ sở đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW các cơ quan đã tiến hành tổng kết, đánh giá thi hành Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Nghị quyết số 93/2015/QH15 của Quốc hội về hưởng BHXH một lần. Trên cơ sở chủ trương Nghị quyết của Trung ương, kết quả tổng kết thi hành và đánh giá tình hình thực tiễn, dự thảo luật đã lựa chọn tiếp cận đề xuất theo hướng gia tăng quyền lợi thông qua bổ sung quy định nhằm khuyến khích người lao động lựa chọn bảo lưu thời gian đóng, tiếp tục tham gia để hưởng lương hưu hàng tháng.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan |
Sau khi đăng dự án luật trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cổng Thông tin điện tử Bộ LĐTBXH, cơ quan chủ trì soạn thảo nhận được ý kiến góp ý của nhiều bạn đọc chia thành 2 nhóm chủ yếu. Nhóm thứ nhất chiếm đa số là lựa chọn phương án 1 để người lao động chủ động cân nhắc lợi ích của việc bảo lưu thời gian tham gia để hưởng hưu. Bên cạnh đó, có một số ý kiến lựa chọn phương án 2. Sau khi tổng hợp ý kiến góp ý của nhân dân, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng trước khi trình Chính phủ, Quốc hội.
-Thực tế trước đây năm 2015, khi Luật Bảo hiểm xã hội không cho người lao động được hưởng BHXH một lần sau khi nghỉ việc (Điều 60) cũng dẫn đến phản ứng trong xã hội. Vậy, quá trình soạn thảo, Bộ LĐTBXH điều chỉnh các nội dung như thế nào, thưa ông?
-Tôi cho rằng, cùng với sự phát triển kinh tế xã - hội của đất nước, đời sống nói chung của nhân dân ngày càng được cải thiện; nhận thức của người lao động về chính sách BHXH cũng được nâng lên. Người lao động ngày càng quan tâm hơn tới việc chăm lo, đảm bảo cuộc sống của bản thân khi về già.
Về cơ bản, các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội lần này đều hướng tới việc mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH, đồng thời bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu.
Việc đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật đều được nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, từ cơ sở lý luận và thực tiễn, đặt trong bối cảnh điều kiện cụ thể của Việt Nam, trên cơ sở đó cân nhắc thận trọng nhằm hướng tới mục tiêu chung.
-Để hạn chế việc rút BHXH một lần, theo ông những điều kiện liên quan nào cần được bổ sung, hoàn thiện trong dự thảo luật?
-Có rất nhiều nguyên nhân lý giải cho việc người lao động quyết định hưởng BHXH một lần, trong đó có một số lý do chủ yếu như tính chất công việc biến động, thiếu ổn định, thay đổi chỗ làm thường xuyên, khó khăn về tài chính trước mắt, đời sống của đại bộ phận người lao động còn khó khăn, khi mất việc chưa tìm được việc làm mới thì phải đối mặt với nhu cầu tài chính trước mặt như tiền sinh hoạt, thuê nhà, con nhỏ… Trong khi đó, chính sách BHXH còn bộc lộ một số hạn chế, chưa hấp dẫn người lao động tham gia lâu dài (điều kiện về thời gian đóng tối thiểu hưởng lương hưu, bảo hiểm thất nghiệp,..).
Hạn chế tiếp cận thông tin chính thống, trong khi đó các nguồn tin không chính thống trên mạng xã hội đã và đang ảnh hưởng tới tâm lý, làm giảm niềm tin của người lao động vào hệ thống BHXH.
Để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần, cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp. Ngoài các giải pháp đã được đề cập ở trên thì quan trọng hơn cũng cần thực hiện các giải pháp nhằm duy trì việc làm, giúp người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động, ổn định việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống người lao động; tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt cho người lao động thông qua các chính sách hỗ trợ, ưu đãi,...Các cơ quan chức năng cần chủ động hơn nữa trong cung cấp thông tin, định hướng dư luận, giúp người lao động có nhận thức đầy đủ về chính sách…..
-Ông hình dung thế nào về gánh nặng an sinh xã hội sau này nếu không kiểm soát tốt việc rút BHXH một lần?
-Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu người cao tuổi, trong khi cơ quan BHXH mới đang chi trả khoảng trên 3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội; ngân sách nhà nước chi trả khoảng gần 2 triệu người hưởng trợ cấp hàng tháng.
Như vậy, còn khoảng trên 6 triệu người cao tuổi đang không được hưởng chính sách nào từ quỹ BHXH. Việc nhiều người rút BHXH một lần, đồng nghĩa với việc giảm hoặc mất cơ hội hưởng lương hưu khi về già, trong khi đó mục tiêu của Nghị quyết 28-NQ/TW đề ra là phấn đấu có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. Nếu tình trạng này tiếp tục sẽ rất khó đạt được mục tiêu trên.
Với tốc độ già hóa dân số và thực tiễn điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nếu không có các giải pháp hiệu quả trong việc mở rộng đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH thì con số này sẽ tiếp tục gia tăng rất nhanh trong thời gian tới.
-Bộ LĐTBXH sẽ tiếp thu ý kiến góp ý về nội dung này thế nào, thưa ông?
-Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp và sẽ kết thúc vào ngày 30/4/2023. Sau khi tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân, Bộ LĐTBXH sẽ cùng với các bộ, ngành liên quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo luật trình Chính phủ, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp vào tháng 10/2023.
-Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!