"Rút" 26,5 tỷ đồng cho DN, chỉ 4 cán bộ "tự kiểm điểm rút kinh nghiệm"
Hội nghị giao ban báo chí ngày 26/8/2015 của tỉnh Điện Biên
Ngày 26/8/2015, tại Hội nghị giao ban báo chí, lãnh đạo tỉnh Điện Biên đã thông tin về việc xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan tới những sai phạm trong việc giải ngân 26,5 tỷ đồng cho Công ty TNHH Hoàng Lâm Điện Biên. Mặc dù bị qui kết: "cố ý làm trái các quy định nhà nước trong việc lập hồ sơ khống; báo cáo Chính phủ không trung thực...", tuy nhiên thông báo cho biết chỉ xử lý có 4 cá nhân với hình thức "tự kiểm điểm, rút kinh nghiệm..."
Vô tình hay cố ý?
Kết luận số 18335/BTC-TTr của Bộ Tài Chính đã chỉ ra nhiều sai phạm đối với các tổ chức cá nhân liên quan đến việc giải ngân 26,5 tỷ đồng cho Công ty TNHH Hoàng Lâm Điện Biên và kết luận: “Trách nhiệm thuộc về Công ty TNHH Hoàng Lâm Điện Biên, Sở NN và PTNT tỉnh Điện Biên, UBND tỉnh Điện Biên, Thường trực HĐND tỉnh Điện Biên và các đơn vị có liên quan”.
Sai phạm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đã rõ, tuy nhiên ông Lê Thành Đô - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên lại thông báo, chỉ xử lý một số cán bộ thuộc diện UBND tỉnh quản lý như: Sở NN&PTNT; Kho bạc Nhà nước tỉnh với hình thức "tự kiểm điểm, rút kinh nghiệm".
Cách xử lý này đã khiến dư luận cho rằng, còn nhiều tổ chức, cá nhân sai phạm chưa được tỉnh Điện Biên xử lý.
Kết luận số 18335/BTC-TTr của Bộ Tài Chính ngày 31/12/2013 (Trang 1 và trang 25)
Trước đó, ngày 8/7/2011, UBND tỉnh Điện Biên đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Hoàng Lâm Điện Biên để xây dựng Nhà máy chế biến gỗ với công suất 100.000 m 3 /năm, tổng vốn đầu tư là 290 tỷ đồng, vốn góp để thực hiện là 100 tỷ đồng.
Trong lúc Công ty TNHH Hoàng Lâm Điện Biên chưa trồng rừng, chưa xây dựng nhà máy, vốn điều lệ của Công ty mới chỉ có 2 tỷ đồng thì bất ngờ, ngày 14/11/2011, UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định số 1120/QĐ/UBND phê duyệt kế hoạch sử dụng vốn hỗ trợ vận chuyển sản phẩm từ gỗ cho Nhà máy chế biến gỗ Điện Biên, với tổng vốn hỗ trợ lên đến 218 tỷ 750 triệu đồng.
Theo quyết định trên, nhà máy được hỗ trợ chi phí vận chuyển trong 5 năm, kể từ năm 2012 đến 2016, với số lượng sản phẩm chế biến từ gỗ là 500.000 m3 /5 năm. Mỗi năm Nhà máy chế biến gỗ sẽ được hỗ trợ 43 tỷ 750 triệu đồng để vận chuyển sản phẩm về Hà Nội tiêu thụ.
Quyết định số 1120/QĐ/UBND ngày 14/11/2011, UBND tỉnh Điện Biên
Từ đó cho thấy, việc cấp giấy chứng nhận đầu tư và phê duyệt 218 tỷ 750 triệu đồng này dựa trên giấy tờ và căn cứ vào con số không có trên thực tế tại tỉnh Điện Biên. Không hiểu vì lý do gì mà một doanh nghiệp có vốn điều lệ chỉ có 2 tỷ đồng lại được phép thực hiện một dự án phải góp vốn 100 tỷ và tổng vốn đầu tư 290 tỷ đồng?! Đặc biệt, cuối năm 2012, Nhà máy chế biến gỗ Điện Biên mới được dựng lên mang tính hình thức, thì ngày 21/12/2012, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên "vội" ra tờ trình số 2525/TTr-SNN về việc thành lập Hội đồng nghiệm thu dự án.
Trước vấn đề "bất thường" trên, ngày 27/12/2012, ông Lê Thành Đô - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ra văn bản số 3591/UBND-NN, khi ghi rõ: "Dự án đầu tư Nhà máy chế biến gỗ Điện Biên chưa hoàn thành xây dựng nhà máy, do đó chưa đủ điều kiện để thành lập Hội đồng nghiệm thu nhà máy, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn Công ty TNHH Hoàng Lâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy, xây dựng vùng nguyên liệu, hoàn tất các thủ tục xác nhận khối lượng thực hiện để hoàn tất thủ tục hỗ trợ kinh phí theo quy định hiện hành".
Bỏ "ngoài tai" ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 28/12/2012 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên chủ trì việc lập Biên bản kiểm tra, xác nhận khối lượng, tiến độ xây dựng nhà máy chế biến gỗ của Công ty TNHH Hoàng Lâm Điện Biên và ban hành Văn bản số 2587/SNN-LN đề nghị Kho bạc Nhà nước tỉnh Điện Biên thanh toán tiền hỗ trợ đợt 1 năm 2012 là 6 tỷ đồng cho Công ty.
Văn bản số 2587/SNN-LN ngày 28/12/2012 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên
Ngày 27/3/2013, một lần nữa, các cơ quan chức năng của tỉnh Điện Biên tiến hành lập Biên bản kiểm tra, xác nhận khối lượng, tiến độ tại Nhà máy chế biến gỗ Điện Biên để có cơ sở giải ngân số tiền 26,5 tỷ đồng. Lần này, khối lượng sản phẩm được "kiểm tra, xác nhận" là 685 tấn tre, 715,6 m3 gỗ, sản xuất được 1.073 m3 sản phẩm.
Ngày 5/4/2013, UBND tỉnh lại ra văn bản số 829/UBND-NN giao Kho bạc Nhà nước tỉnh Điện Biên thanh toán tiền cho Công ty Hoàng Lâm theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Kết quả là, ngày 9/4/2013, Kho bạc Nhà nước tỉnh Điện Biên đã thanh toán cho Công ty TNHH Hoàng Lâm Điện Biên số tiền 26,5 tỷ đồng, nhưng trong giấy thanh toán lại ghi là thanh toán vào ngày 29/3/2013, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tài chính, kế toán. Đặc biệt, năm 2012 và năm 2013 công ty này cũng không đóng thuế cho tỉnh Điện Biên.
Văn bản số 829/UBND-NN ngày 05/4/2013 của UBND tỉnh Điện Biên
"Che, đậy" sai phạm?
Ngày 26/8/2015 tại Hội nghị giao ban báo chí, liên quan tới Công ty TNHH Hoàng Lâm Điện Biên, ông Lê Thành Đô - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, sự việc xảy ra từ cuối năm 2013, trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ cho Công ty, thì Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Kho Bạc nhà nước tỉnh đã thiếu sót về mặt quy trình, thủ tục và xác định các điều kiện để giải ngân, thanh toán kinh phí hỗ trợ vẫn chuyển các sản phẩm gỗ cho công ty, như: chưa thành lập Hội đồng nghiệm thu, khối lượng xây dựng nhà máy chưa thực hiện đủ 30% so với thiết kế mô hình, chưa đảm bảo điều kiện về máy móc thiết bị.
Văn bản số 122/UBND-KTTH ngày 13/01/2014 của UBND tỉnh Điện Biên
Trong lúc Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Điện Biên Thừa nhận sự việc được nhiều cơ quan báo chí phản ánh là: "đúng - trúng - kịp thời" thì ông Lê Thành Đô - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên - lý giải vì sao vụ việc không xử lý hình sự như các báo đặt vấn đề, là bởi: "Đối với các vụ án nhạy cảm, liên quan đến các vấn đề ổn định chính trị chúng ta cần phải xem xét hết sức kỹ lưỡng, cho nên chủ trương xử lý về mặt hành chính".
Ông Đô còn nhấn mạnh: "Đây là vấn đề xử lý về mặt kinh tế, Chính phủ cũng như là Bộ Chính trị yêu cầu thu hồi tiền hỗ trợ, như vậy chúng ta đã đáp ứng được nhu cầu phù hợp với chủ trương cấp Uỷ, chuyển toàn bộ vấn đề xử lý về mặt hành chính đối với các cá nhân, cán bộ có liên quan. Vì quy trình xử lý khác nhau, khi các đối tượng liên quan đến việc thực hiện chức năng quản lý, thì trước hết bị xử lý về mặt hành chính trước, rồi cần căn cứ để xử lý về mặt đảng".
Và ông Lê Thành Đô công bố: Chỉ xử lý 4 cá nhân gồm: "ông Phạm Đức Hiển - Giám đốc và ông Nguyễn Đình Kỳ - Phó giám đốc sở NN&PTNT; ông Nguyễn Ngọc Phong - Giám Đốc và bà Đặng Thị Liễu - Phó giám đốc kho bạc nhà nước tỉnh... với hình thức tự kiểm điểm rút kinh nghiệm".
Với cách thức, biện pháp xử lý như trên, dư luận có quyền đặt câu hỏi phải chăng còn nhiều cá nhân có liên quan vẫn chưa bị đưa ra xử lý? Phải chăng vụ giải ngân 26,5 tỷ đồng to đùng như "con voi" đang bị UBND tỉnh Điện Biên xử thành "con kiến"?
Quang Minh - Anh Hoàng