Robot thám hiểm sao Hỏa của NASA sắp hỏng bánh đến nơi
Một cuộc kiểm tra định kỳ do NASA thực hiện đã phát hiện hai vết rách trên bánh xe của robot thám hiểm sao Hỏa Curiosity Rover. Đây không phải là một sự cố bất ngờ và cũng không nghiêm trọng, nhưng nó đã nhắc nhở chúng ta rằng “nhà thám hiểm nhỏ bé” này không thể bền mãi.
Hư hại được phát hiện ở bánh xe giữa bên trái vào ngày 19/3. Lần cuối NASA kiểm tra bánh xe của Curiosity là vào ngày 27/1 và không thấy điều gì bất thường, vì vậy mà những hư hại này mới chỉ xảy ra gần đây. Rõ ràng là NASA không hài lòng về điều này, nhưng họ cũng nhấn mạnh rằng việc hao mòn sẽ không làm thay đổi kế hoạch thám hiểm hiện tại.
“Tất cả sáu bánh xe đều có độ bền vượt mức cần thiết để có thể đưa robot đến tất cả các địa điểm trong nhiệm vụ”, Quản lý Dự án Curiosity, ông Jim Erickson đã nói trong một thông cáo. “Mặc dù không bất ngờ, nhưng hư hại này là dấu hiệu đầu tiên cho thấy bánh xe ở giữa bên trái đang gặp vấn đề.”
Các nhà hoạch định kế hoạch của NASA đã nhận ra rằng bánh xe của Curiosity đang bị hao mòn nhanh hơn dự kiến vào năm 2013, vì vậy mà họ đã bắt đầu lái robot theo chiều ngược lại như một biện pháp bảo vệ. Các bài kiểm tra sau đó đã cho thấy cho thấy một bánh xe chỉ còn khoảng 60% tuổi thọ.
Đến nay, Curiosity đã đi qua 16 km trên bề mặt gồ ghề của sao Hỏa. Bộ vành của sáu bánh xe này được làm từ nhôm, có đường kính 50 cm, phủ một lớp đệm bên ngoài có độ dày chỉ bằng một đồng xu (một số bánh có lớp đệm dày hơn). Mỗi bánh xe được trang bị 19 xích hình ziczac, chúng sẽ phải chịu trọng lượng của robot, đồng thời cung cấp lực kéo khi các bánh xe di chuyển trên cát và đá dăm. Curiosity nặng khoảng 900 kg trên Trái Đất, nhưng ở sao Hỏa thì nó chỉ còn khoảng 38% trọng lượng do trọng lực tại đây yếu hơn. Tuy nhiên, nó vẫn là một cỗ máy khá “đầm”.
Mọi chuyện vẫn chưa rõ ràng đến khi có thông báo mới, nhưng sự cố đã bắt đầu cho thấy robot này không thể bền mãi. Vào đầu tháng 12 năm 2016, NASA đã không thể di chuyển mũi khoan của robot. Các kỹ sư cho rằng các mảnh vụn như đất đá ở sao Hỏa đã làm động cơ ở mũi khoan không thể hoạt động, và vấn đề này vẫn chưa được giải quyết. Sau đó, vào ngày 24/2, cánh tay giữ ống kính chụp hình của robot đã không thể vươn đến vị trí tối đa của nó. NASA hiện đang tiến hành các thử nghiệm và tìm hiểu điều gì đang xảy ra.
Tham khảo Gizmodo
Nguyễn Tuấn Tài