Robot biết làm nũng, "khóc nhè" mang lại niềm vui cho người cao tuổi Nhật Bản
Niềm hạnh phúc lớn nhất của nhiều cụ ông, cụ bà ở viện dưỡng lão là hàng ngày được trò chuyện với robot. Một trong những trò chơi tập thể được ưa thích nhất của họ là trò giải câu đố, theo đó robot sẽ hỏi và người cao tuổi sẽ trả lời. Robot có nhiều loại, có cả robot giống như người và robot giống như thú cưng.
Robot Paro có khả năng phản ứng mỗi khi được vuốt ve
Mang hình dạng như một chú hải cẩu con vô cùng đáng yêu, robot Paro do công ty Daiwa House chế tạo và có thể chớp đôi mắt tròn hơi ướt, ngúc ngoắc đầu mỗi khi bàn tay nhăn nheo vuốt nhẹ lên bộ lông mượt màu hồng. Hay chú chó máy Aibo (Sony) liên tục làm trò như đứng thẳng trên hai chân, xoay vòng vòng để mang lại niềm vui trong ánh mắt của những cụ già gần đất xa trời.
Ông Akira, Viện dưỡng lão Sun Rich Mishima, Nhật Bản cho biết: "Tôi rất thích anh chàng robot này, rất thông minh. Quả là một anh chàng thông minh!"
Ông Fumio, Viện dưỡng lão Kaikuoen, Nhật Bản cho biết: "Với tôi, robot này giống như 1 thú cưng thực sự, tôi cảm thấy an toàn khi nó ở bên tôi"
Từ trước tới nay, người Nhật luôn nổi tiếng với bí quyết trường thọ. Tuy nhiên, nước này cũng đang đối mặt với tình trạng dân số già thuộc hàng đứng đầu thế giới. Thống kê của chính phủ cho thấy Nhật Bản hiện có hơn 33 triệu người trên 65 tuổi, chiếm khoảng hơn 26% dân số.
Trong khi đó, mô hình xã hội và áp lực cuộc sống khiến người Nhật hầu như không thể sống chung để chăm sóc cha mẹ còn thanh niên ngày càng ngại hẹn hò hay lập gia đình. Điều này đang tạo nên áp lực cực kỳ lớn về an sinh và phúc lợi cho người cao tuổi. Mặt khác, do nhiều yếu tố như đãi ngộ và công việc vất vả khiến Nhật đang rất thiếu nhân viên chăm sóc người già. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi ước đoán đến năm 2025, nước này sẽ thiếu gần 400.000 chuyên viên ngành dưỡng lão.
Robot mang lại niềm vui cho người già Nhật Bản
Chính vì thế, ngay từ năm 2013, chính phủ đã kêu gọi và trợ giá cho các tập đoàn, công ty đẩy mạnh khai thác thế mạnh về sáng tạo và công nghệ để nghiên cứu phát triển các loại robot phục vụ chăm sóc người cao tuổi cả về thể chất lẫn tinh thần. Đây là một phần trọng yếu của chiến lược “Tái phục hồi Nhật Bản” do Thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng.
Với việc thúc đẩy nghiên cứu phát triển các loại robot phục vụ và chăm sóc người cao tuổi, Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng sẽ tận dụng được những tiến bộ công nghệ này để góp phần nâng cao chất lượng sống cho các cụ già, giải quyết tình trạng già hóa dân số và thiếu hụt lực lượng lao động.
Cho phép robot chăm sóc người cao tuổi - một công việc thường được xem là đòi hỏi sự kết nối giữa con người - có thể là một ý tưởng táo bạo ở các nước phương Tây, song nhiều người Nhật lại nhìn điều này một cách tích cực. "Những con robot này thật tuyệt vời", cụ Kazuko Yamada, 84 tuổi, đã chia sẻ như vậy sau buổi tập thể dục với Pepper, robot do Tập đoàn SoftBank Robotics sản xuất có khả năng thực hiện các cuộc đối thoại. Cụ cho biết ngày càng có nhiều người sống một mình, và một con robot có thể làm bạn với họ cũng như mang lại niềm vui trong cuộc sống.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trước mắt. Đầu tiên là giá cả khi mỗi chú Paro hay Aibo hiện nay vào khoảng 6.000 USD và hầu hết chi phí thí điểm đều đang do chính phủ gánh cùng chính quyền địa phương. Mặt khác, cả ông Ishikawa lẫn bà Yukari Sekiguchi, giám đốc viện Shintomi, đều thừa nhận hiện robot vẫn mang vai trò hỗ trợ chứ chưa thể thay thế con người trong nhiều hoạt động chăm sóc người cao tuổi.
Trước mắt, ông Ishikawa cho biết cơ quan chức năng và các chuyên gia sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy tắc giám sát và bảo đảm an toàn trong sử dụng robot cũng như tìm biện pháp tăng cường tương tác giữa người và máy.
Bảo Giang