Rầm rộ tung chiến cơ thị uy, Bắc Kinh "dở khóc dở cười" vì Đài Loan trả đòn quá độc
Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) dẫn thông tin từ cơ quan quốc phòng Đài Loan ngày 20/12 cho biết, vào sáng cùng ngày Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã điều động nhiều chủng loại máy bay quân sự thực hiện nhiệm vụ bay cự ly dài ở vùng viễn dương, trong đó máy bay trinh sát Tu-154 bay qua eo biển Miyako ra Tây Thái Bình Dương rồi trở lại căn cứ theo hành trình ban đầu.
Cơ quan này cho hay, do hành trình dài của các máy bay, chiến hạm PLA đã trở thành "thường thái" nên Đài Loan sẽ không thông tin về các hoạt động tương tự nữa nếu không có tình huống gì đặc biệt.
Cách thức này được cho là sẽ làm giảm đáng kể tác động từ các hoạt động quân sự của PLA đối với công chúng Đài Loan, hạn chế tâm lý lo sợ lan tỏa trong dư luận và tránh Bắc Kinh đạt được mục tiêu "thị uy" như kỳ vọng, đồng thời kiểm soát các luồng quan điểm chỉ trích chính quyền nhà lãnh đạo Thái Anh Văn khi không tìm cách cải thiện quan hệ với Đại lục.
Cũng theo chính quyền bà Thái, "quân đội Đài Loan luôn giữ vững chức trách", "điều động chiến cơ, chiến hạm giám sát nghiêm ngặt và đối phó [máy bay/tàu chiến Trung Quốc]".
Vào hôm 17/12, các máy bay Trung Quốc cũng tiến hành bay tuần tra vòng quanh đảo Đài Loan, đến sáng ngày 18 các chiến cơ của PLA tiếp tục bay qua eo biển Bashi ra Tây Thái Bình Dương và trở lại căn cứ qua eo biển Miyako.
Kể từ sau Đại hội lần thứ 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 10/2017, tần suất các vụ "tuần tra quanh đảo" Đài Loan của PLA đã trở nên dày đặc, trong khi Đài Loan khẳng định luôn "giám sát toàn bộ quá trình".
Số chuyến bay cũng gia tăng từ ngày 12/12, sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua Luật ủy quyền quốc phòng (NDAA) của năm tài chính 2018, mở đường để tái khởi động các cuộc thăm viếng cảng của nhau giữa chiến hạm Mỹ và Đài Loan, đồng thời mời Đài Loan tham dự cuộc tập trận Red Flag của Mỹ.
Đội bay Trung Quốc tuần tra quanh đảo Đài Loan
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn qua email của hãng thông tấn Đài Loan CNA, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, trung tá Christopher Logan cho biết Mỹ "rất quan tâm" đến vấn đề an ninh của các đồng minh/đối tác trong khu vực, đồng thời hết sức chú ý đến "duy trì trật tự quốc tế hiện nay".
Theo ông Logan, mục tiêu của quan hệ quốc phòng Mỹ-Đài Loan là "bảo đảm Đài Loan ổn định, tự tin, không bị đe dọa", qua đó tạo điều kiện "đàm phán hòa bình giàu thành quả, giải quyết mâu thuẫn giữa hai bờ eo biển theo cách thức mà nhân dân hai bên đều chấp nhận".
Ông Logan tái khẳng định "Mỹ sẽ ủng hộ đến cùng khả năng tự vệ của Đài Loan, cung cấp cho Đài Loan các vũ khí phòng thủ để Đài Loan có thể ngăn chặn sức ép bằng vũ lực hoặc các hình thức khác nhằm vào an toàn của người dân hoặc kinh tế, xã hội".
Chính phủ Trung Quốc phản ứng gay gắt với động thái của Mỹ. Bộ ngoại giao, Bộ quốc phòng, Văn phòng Đài Loan của Quốc vụ viện Trung Quốc lần lượt chỉ trích Mỹ "can thiệp công việc nội bộ" của Trung Quốc và yêu cầu Washington "tuân thủ Ba tuyên bố chung giữa hai nước, hủy bỏ kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan, chấm dứt liên hệ quân sự Mỹ-Đài, nhằm tránh làm tổn hại quan hệ Mỹ-Trung và quan hệ hợp tác song phương trong các lĩnh vực quan trọng".
Hải Võ