Ra mắt cẩm nang kinh nghiệm đưa hàng Việt vào chuỗi cung ứng tại Vương quốc Anh
Cẩm nang "nhập gia tùy tục"
Cuốn sách được ra mắt trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Vương quốc Anh 2023 diễn ra ngày 24/11 tại Hà Nội.
Sự kiện nằm trong chuỗi sự kiện do Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước (JETCO) tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-Len (1973-2023). |
Giới thiệu bối cảnh khai mạc Diễn đàn và ra mắt cuốn sách, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ Tạ Hoàng Linh nhấn mạnh: Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 10 tháng đầu năm 2023 đạt 5,87 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội đưa sản phẩm Việt Nam thâm nhập thị trường tại Anh cũng như hiểu biết văn hóa kinh doanh tại đây thì doanh nghiệp cần có trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng một cách có hệ thống.
Trong lời tựa của cuốn "Thị trường Anh - Những điều cần biết", Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Long, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, có chia sẻ: "Đọc cuốn sách này, các bạn sẽ hiểu biết văn hóa kinh doanh của người Anh cùng với phương thức thanh toán và giải quyết tranh chấp thương mại tại Anh Quốc. Các bạn cũng sẽ biết phải hỏi ai và tìm thông tin hữu ích ở đâu khi cần".
Cuốn "Thị trường Anh - Những điều cần biết" của do Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Anh, Bộ Công Thương (Ảnh: Nhung Nguyễn). |
Cuốn sách cũng đưa ra khuyến nghị, giải pháp cho các thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải về xây dựng thương hiệu, tạo lập uy tín với đối tác hay vận dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh. Qua đó, các doanh nghiệp nhận thức được vị trí, cơ hội của mình trong quá trình thâm nhập thị trường lớn hàng đầu châu Âu.
Nhiều tiềm năng thương mại từ CPTPP
Phát biểu tại diễn đàn, Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh đã đánh giá về những động lực thúc đẩy trao đổi thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể là Hiệp định thương mại tự do song phương UKVFTA, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2021. Mới đây nhất là việc Vương quốc Anh chính thức ký thỏa thuận gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) vào ngày 16/7/2023.
"Từ đầu năm 2023 đến nay, tuy trao đổi thương mại của Việt Nam với hầu hết các thị trường xuất khẩu trọng điểm tại khu vực châu Âu chứng kiến đà sụt giảm do căng thẳng địa chính trị và những khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh là một trong những điểm sáng", Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh nói.
Đồng quan điểm trên, Trưởng bộ phận thực thi FTAs, Bộ Kinh doanh và Thương mại Vương quốc Anh David Johnstone nhấn mạnh, ngoài các lợi ích rõ rệt về mặt thuế quan, bổ sung thêm nhiều ưu đãi hấp dẫn so với Hiệp định song phương hiện có, CPTPP còn tạo ra những lợi ích to lớn cho cả hai nước trong việc tích hợp sâu hơn vào chuỗi cung ứng của nhau, thuận lợi hóa quá trình kinh doanh của doanh nghiệp hai bên, tạo ra tiềm năng tăng trưởng đột phá với viễn cảnh mở rộng Hiệp định trong tương lai, cũng như hai Bên có thể trực tiếp tham gia vào quá trình thiết lập các quy tắc và điều khoản mới của Hiệp định.
Nhiều đại diện của Bộ Công Thương, Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam, các tập đoàn, doanh nghiệp hai nước đã tham dự Diễn đàn bằng hai hình thức trực tiếp và trực tuyến (Ảnh: Nhung Nguyễn). |
Cũng tại diễn đàn, năng lượng được coi là một trong những lĩnh vực giàu tiềm năng trong thương mại song phương Việt Nam - Vương quốc Anh. Việc triển khai "Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng" (JETP) có vai trò cơ sở để hai nước tiếp tục thực hiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm một cách thực chất, hiệu quả. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được nước bạn đánh giá cao khi đưa ra Cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính và cơ hội đầu tư, đổi mới công nghệ của các nhà đầu tư Vương quốc Anh sau khi Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được phê duyệt.