Quyết tâm kế thừa di sản của cố Thủ tướng Abe trong thúc đẩy quan hệ với Việt Nam
Cố Thủ tướng Abe Shinzo là một trong những lãnh đạo quốc tế từ rất sớm đã đánh giá được giá trị địa chính trị và kinh tế của Việt Nam. Tháng 1/2013, cố Thủ tướng Abe đã chọn Việt Nam là điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của chính quyền Thủ tướng Abe lần thứ hai.
Hơn nữa, vào tháng 5/2016, Việt Nam đã nhận được lời mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Ise-Shima do cố Thủ tướng Abe chủ trì.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi sổ tang tưởng niệm cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo tại Đại sứ quán Nhật Bản ngày 11/7 (Ảnh: TTXVN). |
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có mặt tại Thượng đỉnh G7, và đối với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Thủ tướng Chính phủ) - vị lãnh đạo Việt Nam sẽ dự Lễ Quốc tang của cố Thủ tướng Abe, đây là sự kiện ngoại giao cấp cao đa phương đầu tiên Ngài tham dự sau khi nhậm chức.
Cố Thủ tướng Abe Shinzo là một trong những lãnh đạo quốc tế từ rất sớm đã đánh giá được giá trị địa chính trị và kinh tế của Việt Nam. |
Kể từ đó, cố Thủ tướng Abe Shinzo và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển của quan hệ Nhật Bản-Việt Nam thông qua việc xây dựng mối quan hệ tin cậy lẫn nhau sâu sắc và tổ chức đối thoại thường xuyên.
Hiện nay, Nhật Bản và Việt Nam đang không ngừng thúc đẩy hợp tác ổn định và xây dựng quan hệ hữu nghị bền chặt trong mọi lĩnh vực trên cơ sở quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng. Các chuyến thăm thường xuyên của lãnh đạo cấp cao đã mang tới luồng gió mạnh mẽ cho sự phát triển của quan hệ song phương.
Kể từ khi Thủ tướng Abe nhậm chức Thủ tướng lần thứ hai, Việt Nam và Nhật Bản thường xuyên tổ chức các chuyến thăm và hội đàm cấp cao hằng năm cho tới khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới vào tháng 2/2020.
Cựu Thủ tướng Suga Yoshihide đã tiếp nối chính sách này khi chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuyến thăm nước ngoài của mình. Còn Thủ tướng Kishida Fumio đã đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính - vị khách cấp cao nước ngoài đầu tiên của mình.
Trong hai ngày 11 và 12/7, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã mở sổ tang tưởng niệm cố Thủ tướng Abe. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới Đại sứ quán để tận tay viết lời chia buồn và bày tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi của một người bạn vô cùng quan trọng đối với Việt Nam.
Hơn 1.000 người Việt Nam, trong đó có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và nhiều lãnh đạo cấp cao đã tới Đại sứ quán để chia buồn và ghi sổ tang.
Tôi đã một lần nữa cảm nhận những tình cảm đặc biệt của người dân Việt Nam đối với cố Thủ tướng Abe và đất nước Nhật Bản và càng quyết tâm kế thừa những di sản của cố Thủ tướng Abe, nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy quan hệ hai nước.
Năm 2023, Nhật Bản và Việt Nam sẽ chào đón dấu mốc lịch sử kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Tôi cho rằng trong giai đoạn này, sự hiện diện của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - người đã cùng với cố Thủ tướng Abe thiết lập một kỷ nguyên trong quan hệ hai nước tại Lễ Quốc tang có ý nghĩa mang tính biểu tượng trong việc nhìn lại hành trình đã qua của quan hệ song phương và hướng tới tương lai.
Tôi cho rằng, đây cũng là một cơ hội để nâng quan hệ Nhật Bản-Việt Nam lên một tầm cao mới, và xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành cũng như hoan nghênh Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới thăm Nhật Bản và dự Lễ Quốc tang.
“Việt-Nhật đồng hành, Hướng tới tương lai - Vươn tầm thế giới”
Còn ba tháng nữa là tới năm 2023, năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Kishida tới Việt Nam vào tháng Tư năm nay, lãnh đạo hai nước đã khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ để tạo nên sự kiện kỷ niệm tương xứng với mối quan hệ song phương hiện nay.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi còn là Thủ tướng Chính phủ) và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio (Ảnh: TTXVN). |
Mối quan hệ Nhật Bản-Việt Nam với “tiềm năng vô hạn” đang tiến tới thời kỳ đánh dấu bước phát triển vượt bậc. Tôi hy vọng dấu mốc 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam sẽ kiến tạo nền tảng cho quan hệ hai nước phát triển vượt bậc hơn nữa, hướng tới tương lai, vươn tầm khu vực và thế giới với tư cách là những đối tác có vị thế ngang bằng cùng mang lại lợi ích cho nhau.
Theo tôi, yếu tố quan trọng làm nền tảng cho sự phát triển của quan hệ Nhật Bản-Việt Nam là “sự thấu hiểu và đồng cảm giữa con người với con người”.
Có thể thấy rất nhiều ví dụ thực tế thể hiện sự thấu hiểu và đồng cảm trong mọi lĩnh vực quan hệ Nhật Bản-Việt Nam và ở mọi thế hệ, bao gồm thế hệ trẻ, chẳng hạn như mối quan hệ tin cậy đặc biệt được vun đắp ở cấp lãnh đạo hai nước, hay việc mở rộng giao lưu trong cuộc sống hằng ngày như trong ẩm thực và lối sống.
Ngoài ra, những ví dụ này cũng xuất hiện trong lịch sử lâu đời vượt xa 50 năm của Nhật Bản và Việt Nam. Chẳng hạn, vào thời kỳ thương mại châu Ấn thuyền khoảng 400 năm về trước, có một câu chuyện tình yêu giữa thương nhân Araki Sotaro đến từ Nagasaki, Nhật Bản và công chúa Ngọc Hoa của triều Nguyễn.
Mối quan hệ Nhật Bản - Việt Nam với “tiềm năng vô hạn” đang tiến tới thời kỳ đánh dấu bước phát triển vượt bậc. |
Hãy cùng coi dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản-Việt Nam là cơ hội để tái khẳng định và tái khám phá mối quan hệ hai nước, và biến đây thành một năm phát triển mạnh mẽ hướng tới tương lai.
Sẽ có nhiều dự án kỷ niệm 50 năm được tổ chức ở cả Nhật Bản và Việt Nam. Tôi mong muốn đây sẽ là những dự án trân trọng sự thấu hiểu và đồng cảm giữa con người với con người, nơi tất cả mọi người ở cả hai nước có thể cùng tham gia, đồng hành, chung tay sáng tạo, những dự án mang tính bao trùm mà mọi người thuộc mọi lĩnh vực và cấp độ có thể cùng nhau tận hưởng niềm vui.
“Việt-Nhật đồng hành, Hướng tới tương lai - Vươn tầm thế giới”
Với chủ đề này, chúng ta hãy cùng chung tay tạo nên kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam.