Quý I giải ngân TPCP cho các dự án giao thông chỉ đạt 1,28% kế hoạch
Cũng số liệu từ Vụ Kế hoạch – Đầu tư, thể hiện: Năm 2018, Bộ GTVT dự kiến giải ngân hơn 31.200 tỷ đồng. Trong đó được phân ra như sau: Hơn 18.640 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước, hơn 2.580 vốn TPCP và 10.000 tỷ đồng vốn ngoài NSNN. Đến nay, sau 3 tháng triển khai, Bộ GTVT đã giải ngân gần 7.200 tỷ đồng (đạt 23,04% kế hoạch năm 2018). Cụ thể, nguồn vốn NSNN giải ngân hơn 5.200 tỷ đồng (đạt 27,95%), nguồn vốn TPCP 33 tỷ đồng (đạt 1,28%) và nguồn vốn ngoài ngân sách, giải ngân 1.952 tỷ đồng (đạt 19,52%).
Công trình đường giao thông đang thi công. Ảnh internet.
Như vậy, việc giải ngân nguồn vốn chung và TPCP nói riêng trong quý I là thấp. Đại diện Vụ Kế hoạch – Đầu tư cho biết, từ 1/1 – 31/1/2018, các chủ đầu tư, ban QLDA phải tập trung giải ngân nguồn vốn của năm 2017 (thời gian giải ngân vốn năm 2017 thực hiện đến hết 31/1/2018), sau đó lại rơi vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2018. Nhưng còn có nguyên nhân nào khác nữa thì vị này không đưa ra.
Theo lý giải của đại diện Vụ này thì: “Kết thúc dịp nghỉ Tết, các chủ đầu tư, ban QLDA mới bắt đầu tập trung làm các thủ tục phân khai vốn và nhập dự toán cho các dự án trên hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc. Kết quả giải ngân trong 3 tháng đầu năm 2018 thực chất chỉ là kết quả thực hiện từ ngày 1/3 đến nay”.
Thạc sỹ kinh tế Nguyễn Hữu Thành, giảng viên ở trường Đại học tại Hà Nội, có hiểu biết nhiều về mảng đầu tư cho các dự án giao thông phân tích: “Nhiều năm nay rồi, chúng ta (kể cả chủ đầu tư, đơn vị thi công lớn, nhỏ…) đều mắc bệnh là “nước đến chân mới nhảy”. Có nghĩa là đã nhận được dự án rồi, họ để đó, tìm kiếm dự án khác, không sợ hết việc làm. Trong khi đó, việc họ cần phải làm thì lại chuyển cho bên hợp tác, liên doanh… Thủ tục lại càng chậm. Họ mải miết tìm kiếm dự án mới mà không biết, dự án đã nhận nếu làm tốt, xong nhanh, chất lượng đảm bảo, nghiệm thu được thì tiền về nhanh hơn là cứ đi bắt “bóng mới”, bỏ bê cái cũ như thể “nhận chỗ” và kiểu gì cũng phải xong vậy. Chính tâm lý đó, nên nhiều chủ dự án đã cuống quýt, khổ sở vào dịp cuối năm để được giải ngân…Tình trạng này, cần phải khắc phục thì tiến độ giải ngân mới được tiến triển và quan trọng hơn là chất lượng công trình sẽ đảm bảo chất lượng cũng như tiến độ.”
Dự án đường sắt trên cao nghìn tỷ đồng ở Hà Nội. Ảnh internet.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có văn bản chỉ đạo các chủ đầu tư, ban QLDA tập trung giải quyết các thủ tục đầu tư, khẩn trương triển khai những dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Đối với những dự án đang triển khai thi công, Bộ GTVT đã yêu cầu các nhà thầu quyết liệt triển khai, đẩy nhanh tiến độ và giải quyết nhanh các thủ tục nghiệm thu, thanh toán để giải ngân vốn kịp thời.
Vũ Đăng