Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam hỗ trợ toàn bộ tiền ăn cho trẻ em F0 và F1 bị cách ly
Hình ảnh một em nhỏ mặc đồ bảo hộ trong khu cách ly tập trung. |
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam mới đây cho biết, tính đến hết ngày 8/6, cả nước có gần 7.000 trẻ em ở 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch. Số lượng trẻ em điều trị COVID-19 và trẻ em phải cách ly sẽ tiếp tục tăng.
Theo dự báo của Bộ LĐ-TB&XH, từ nay đến cuối năm 2021, khoảng 42.000 trẻ em trên cả nước bị ảnh hưởng, tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19.
Nhân Tháng hành động vì trẻ em Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội, phó chủ tịch Hội đồng bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã có quyết định hỗ trợ toàn bộ tiền ăn cho trẻ em F0 và F1 đang điều trị và cách ly tại các cơ sở cách ly với mức 80.000 đồng/ngày trong 21 ngày bằng nguồn vận động và tích lũy của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (thời gian hỗ trợ từ 27/4 đến 31/12). Ngoài ra, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cũng hỗ trợ thêm cho 3 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Điện Biên 1 tỉ đồng/tỉnh.
Trước đó, Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã ban hành văn bản Số: 217/TE-CSTE về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống COVID-19 cho trẻ em và bảo đảm an toàn cho trẻ em trong đại dịch. Theo đó, Cục Trẻ em đề nghị Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn cấp phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng cập nhật số lượng, lập danh sách và nhu cầu của trẻ em ở các địa bàn giãn cách xã hội và các cơ sở cách ly tập trung. Văn bản của Cục trẻ em cũng nêu rõ việc có thể sử dụng ngân sách của Quỹ Bảo trợ trẻ em cấp tỉnh (nếu có) hoặc ngân sách của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và các nguồn vận động khác để hỗ trợ dinh dưỡng, đồ dùng thiết yếu, thuốc và các vật phẩm y tế bổ sung cho trẻ em với phương châm không để một trẻ em nào có nhu cầu, gặp khó khăn mà không được hỗ trợ kịp thời.
Đặc biệt, Cục Trẻ em cũng đề nghị các địa phương phối hợp với các ngành, các đơn vị chức năng tại địa phương tham mưu với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai kịp thời các biện pháp bảo vệ trẻ em trong hoàn cảnh dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho trẻ em cùng với việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt quan tâm phòng, chống nguy cơ xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em, phòng ngừa sang chấn và hỗ trợ ổn định tâm lý cho trẻ em.