Quốc gia đang khiến Google Dịch phải điên đầu khi có tới 122 ngôn ngữ khác nhau được dùng rộng rãi
Sự phổ biến của tiếng Anh dường như là điều không có gì phải bàn cãi. Tháng trước, hãng sản xuất ô tô đến từ Đức Volkswagen đã chính thức sử dụng tiếng Anh trong các hợp đồng giao dịch thay vì tiếng mẹ đẻ như trước.
Một trong những quốc gia nói tiếng Anh trên thế giới được biết đến nhiều nhất đó chính là Ấn Độ. Tuy nhiên tiếng Anh không phải là ngôn ngữ duy nhất của quốc gia này mà còn có tới 122 ngôn ngữ chính thức được người dân sử dụng chưa kể đến 1600 ngôn ngữ thiểu số khác. Các công ty nước ngoài khi muốn nhắm vào thị trường lớn thứ 6 thế giới này thường dịch những website chính thức của công ty sang các tiếng Hindi, Tamil, Marathi, Punjabi, Kannada, Bengali, Gujarati, Telugu, Malayalam, Urdu, và Oriya.
Đối với ngành dịch thuật ở Ấn Độ , vốn kiến thức sâu rộng về nhiều ngôn ngữ khác nhau cùng sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet, việc làm cho phiên dịch viên trở nên dồi dào hơn bao giờ hết. Nếu không có những người này thì việc giao tiếp với 80% đến 90% dân số Ấn Độ không nói tiếng Anh là điều không thể. Các doanh nghiệp cố gắng biết càng nhiều thứ tiếng địa phương càng tốt để dễ dàng tiếp cận với khách hàng.
Kể từ năm 2014, Google đã hợp tác với một số công ty ở địa phương nhằm đưa thêm ngôn ngữ mới vào hệ thống Google Dịch. Trong khi đó, một số công ty khác lại đầu tư phát triển các ứng dụng điện thoại di động sử dụng ngôn ngữ của chính địa phương. Điển hình như hãng taxi điện tử Ola Cabs đã cung cấp điện thoại Huawei tích hợp sẵn ứng dụng Ola Cabs sử dụng ngôn ngữ địa phương cho lái xe của mình. Trước đó, tất cả những thao tác trên ứng dụng đều sử dụng tiếng Anh, vì vậy điều này gây khó khăn cho nhiều lái xe bản địa.
Tính đến tháng 7/2016, lượng người sử dụng Internet ở Ấn Độ mới chỉ dừng lại ở con số 460 triệu người, tương đương khoảng 1/3 dân số quốc gia, trong đó 150 triệu người thuộc nhóm nói tiếng địa phương và không sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ chính thức. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Chính vì thế các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực điện tử, truyền thông đang chuyển hướng tập trung nhiều hơn nữa vào nhóm khách hàng này.
Chính phủ Ấn Độ đang phát động chiến dịch Digital India (số hóa Ấn Độ) tầm nhìn 2019 với mục tiêu phủ sóng Internet lên toàn khu vực nông thôn. Theo đó, chiến dịch này sẽ giúp tạo ra nhiều điểm phát Wifi công cộng hơn nữa bao gồm 500 bến tàu hỏa và mở rộng mạnh mẽ hệ thống cáp National Optical Fiber Network băng thông rộng tới hơn 600.000 ngôi làng.
Dự án này còn thu hút nhiều "ông lớn" như Google, Microsoft và Facebook đến đầu tư kể từ năm 2015. Động thái này còn khiến nhiều người dân Ấn Độ đổ xô đi mua điện thoại thông minh hơn kéo theo đó các công ty phát triển ứng dụng điện thoại di động bắt đầu tính đến chuyện thêm ngôn ngữ địa phương vào các ứng dụng của mình để tiếp cận với nhiều đối tượng khách hơn nữa.
Việc thâm nhập vào một thị trường tiềm năng như Ấn Độ là điều không mấy đơn giản đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Để chiếm được "trái tim" của khách hàng, trước hết họ cần phải giao tiếp được với những "thượng đế" của mình. Vì vậy, dường như kẻ chiến thắng trong trường hợp này lại là kẻ biết nhiều thứ tiếng nhất trên một quốc gia với 122 ngôn ngữ.
Đức Quỳnh