Quê hương Thành Cát Tư Hãn: Từ thích phát tiền cho người dân đến cố vực dậy từ khủng hoảng
Bong bóng thị trường khoáng sản đã khiến ngành kinh tế Mông Cổ lao đao. Nhu cầu khoáng sản bùng nổ tại Trung Quốc đã khiến người Mông Cổ tăng cường khai thác để đạt được mức tăng trưởng kinh tế 17% vào năm 2011. Thế rồi kinh tế Trung Quốc giảm tốc cùng thị trường khoáng sản, đi kèm với các chính sách bảo vệ môi trường, khiến Mông Cổ chìm vào nợ nần chỉ vài năm sau đó.
Tuy nhiên, sự hồi phục dần của giá khoáng sản cùng với những gói cứu trợ của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), nhiều người dân cho rằng giai đoạn tồi tệ nhất của Mông Cổ đã qua.
Cái giá của sự tăng trưởng nóng
Nền kinh tế Mông Cổ đã có sự tăng trưởng vượt bậc nhờ nhu cầu khoáng sản từ Trung Quốc nhưng việc thiếu những toan tính dài hạn đã khiến quốc gia này rơi vào khủng hoảng. Ngành khai khoáng chiếm tới 25% GDP của Mông Cổ năm 2015 với 11,7 tỷ USD, trong khi ngành sản xuất chỉ chiếm 9%.
Những khoáng sản như đồng, vàng, quặng sắt chiếm tới 67% xuất khẩu trong khi than và dầu mỏ chiếm 23%. Cũng gần tương tự như Venezuela khi phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ, Mông Cổ đã dựa dẫm quá nhiều vào nguồn ngoại tệ xuất khẩu khoáng sản để rồi phung phí tài chính cho những dự án bất động sản vô bổ.
Chỉ số giá khoáng sản (vàng) và tăng trưởng GDP của Mông Cổ (xanh)
Hàng loạt những ngôi nhà cao tầng, những công trình tượng đài, những mặt hàng xa xỉ được nước này chi tiền thay cho trường học, bệnh viện và đầu tư cho công nghệ sản xuất. Hệ quả là khi giá khoáng sản giảm, hàng loạt người lao động thất nghiệp trong khi chất lượng sống của người dân giảm sút.
Trong suốt 17 năm qua, Mông Cổ đã có 5 năm đạt tăng trưởng GDP vượt 2 con số và 6 năm tăng trưởng vượt 5%. Mức GDP bình quân đầu người đã tăng 8 lần trong khoảng 2000-2015 lên 3.967 USD.
Nguồn thu ngân sách của chính phủ tăng từ chưa đến 500 tỷ Tugrik vào đầu thập niên 2000 lên đến hơn 5 nghìn tỷ Tugrik trong những năm gần đây. Đó là chưa kể đến hàng tỷ USD vay vốn nước ngoài từ phát hành trái phiếu cũng như những khoản tài trợ của IMF sau cuộc khủng hoảng năm 2008.
Nợ công của Mông Cổ đã tăng chóng mặt từ 2,5 tỷ USD, tương đương 31% GDP từ cuối năm 2010 lên 8,5 tỷ USD, tương đương 85% GDP năm 2016.
Với lượng tài chính hùng hậu như vậy, đáng lẽ ra Mông Cổ phải tận dụng được thời cơ để bứt phá nhưng tình trạng tham nhũng cũng như hướng quá nhiều vào lợi ích ngắn hạn nhằm thu hút cử tri đã khiến quốc gia này ngập trong nợ.
Năm 2008, chính phủ nước này quyết định trao tặng mỗi người dân Mông Cổ 1-1,5 triệu Tugrik (406-609 USD) ngay sau khi Đảng cầm quyền đắc cử với lý do mỗi công dân phải được hưởng lợi một phần từ ngành khai khoáng. Thậm chí chính phủ còn lên kế hoạch thực hiện chương trình này trong vòng nhiều năm với 1,5 triệu Tugrik cho mỗi người dân với tổng chi phí lên tới 65% GDP năm 2008.
Nợ công (nghìn tỷ Tugrik-xanh đậm), nợ tư nhân (xanh nhạt) và tỷ lệ nợ công theo GDP (%)
Vào năm 2010 và 2012, việc phát tiền tiếp tục được thực hiện nhằm thu hút phiếu bầu của cử tri, khiến tình trạng nợ nần và thâm hụt ngân sách càng nặng. Mặc dù năm 2012, chính phủ Mông Cổ đã thông qua việc cấm phát tiền cho công dân nhưng các chính trị gia vẫn tìm kiếm những lỗ hổng nhằm thu hút phiếu bầu cho mình.
Điển hình trong số đó là việc những chính trị gia này bỏ tiền mua lại cổ phiếu của các công ty khai khoáng, vốn đã được phát cho người dân trước đó với giá cao.
Ngoài việc sử dụng ngân sách không phù hợp, các khoản tiền vay từ phát hành trái phiếu cũng bị sử dụng không đúng mục đích. Khoảng 580 triệu USD tiền phát hành trái phiếu năm 2011 đáng lẽ ra phải được đầu tư xây dựng các khu công nghiệp và cơ sở hạ tầng lại được dùng vào mục đích khác.
Hệ quả là khi những trái phiếu trên đáo hạn với khoản nợ hơn 2 tỷ USD, Mông Cổ lại phải quay sang cầu cứu IMF hoặc chịu cảnh vỡ nợ.
Bên cạnh đó, việc dựa dẫm quá nhiều vào thị trường Trung Quốc cũng khiến Mông Cổ phải nuốt trái đắng. Thị trường này chiếm tới 83% xuất khẩu của Mông Cổ và là nguồn cung cho 36% mặt hàng nhập khẩu. Bởi vậy chỉ một biến động nhỏ trên thị trường Trung Quốc cũng khiến Mông Cổ phải lao đao.
Thêm nữa, việc thiếu cơ sở hạ tầng khiến nhiều nhà đầu tư ngại bỏ tiền vào Mông Cổ để phát triển các ngành kinh tế khác. Bằng chứng mới đây nhất là việc Trung Quốc khai trương tuyến đường cao tốc đến Anh mà không thông qua lãnh thổ Mông Cổ, cho thấy vai trò của quê hương Thành Cát Tư Hãn đang ngày một xuống thấp.
Những tia sáng le lói
Mặc dù đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế Mông Cổ vẫn có những dấu hiệu tích cực dù không lớn. Năm 2016, thâm hụt ngân sách của Mông Cổ đạt 15%, thấp hơn mức 18% trước đó.
Nguồn thu ngân sách của nước này năm 2016 cũng đạt 5,85 nghìn tỷ Tugrik, cao hơn nhiều so với mức dự đoán 500 tỷ Tugrik trước đó. Chính phủ cũng đã cắt bỏ hơn 200 tỷ Tugrik chi tiêu công nhằm tiết kiệm ngân sách.
Giá khoáng sản tăng trở lại cũng đã khiến xuất khẩu vàng, đồng và than của Mông Cổ tươi sáng trở lại, qua đó đem lại chút tăng trưởng vượt dự báo 0,3% của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trước đó.
Mặc dù đồng Tugrik giảm giá, từ mức 1.200 Tugrik/USD lên 2.500 Tugrik/USD vào tháng 12/2016 nhưng việc Ngân hàng trung ương Mông Cổ thực hiện nghiêm chính sách thắt chặt tiền tệ đã hãm phanh được lạm phát dưới 0% vào cuối năm 2016
Bên cạnh đó, nhiều dự án tiềm năng cũng đã được thực hiện nhằm đa dạng hóa nền kinh tế Mông Cổ. Vào tháng 9 vừa qua, hãng Clean Energy Asia đã quyết định thực hiện dự án năng lượng gió ở Mông Cổ vào cuối năm 2017.
Ngân hàng Soft Bank ước tính Mông Cổ có đủ sức sản xuất điện năng từ gió và mặt trời đáp ứng cho toàn Châu Á.
Trong khi đó, ngành du lịch Mông Cổ cũng có dấu hiệu tăng trưởng trở lại sau khi chính phủ có hàng loạt động thái nhằm phổ biến văn hóa du mục, xây dựng nhiều chương trình tham quan hấp dẫn nhằm thu hút nguồn tiền từ các du khách quốc tế.
Rõ ràng, dù bỏ qua thời điểm tốt nhất để bứt phá nhưng nền kinh tế Mông Cổ vẫn chưa hết hy vọng để có thể thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ và vực dậy một lần nữa.
BT