Quảng Trị: Hồi sinh từ khát vọng phát triển và lòng tri ân
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thăm gia đình bà Hồ Thị Giờ (Khe Sanh, Quảng Trị) – gia đình có công với cách mạng. Ảnh: VGP/Thùy Trâm
Năm nào cũng vậy, vào những ngày tháng 7, hàng nghìn đoàn người đến với Quảng Trị để thể hiện niềm tiếc thương, khâm phục và lòng biết ơn; để cảm nhận rõ hơn sự hy sinh của các thế hệ đi trước trong cuộc chiến đấu giành độc lập cho Tổ quốc; để thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân vùng đất lịch sử cách mạng.
Trong quá khứ và hiện tại, có một Quảng Trị được coi là “thánh địa” của miền Trung, một Quảng Trị với màu hồng Thành cổ, một Quảng Trị với lũy thép Vĩnh Linh, một Quảng Trị nằm sâu dưới lòng địa đạo, một Quảng Trị bay bổng những làn điệu dân ca, tươi mới những sắc màu văn hoá… Và hơn thế, là một Quảng Trị với khát vọng kiến tạo phát triển mới - được truyền cảm hứng từ tư tưởng xây dựng Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Với vị trí chiến lược quan trọng nằm trên các tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia về đường bộ, đường sắt và đường biển; tiếp giáp vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và đặc biệt là điểm đầu tiếp nối Thái Bình Dương tới Lào, Thái Lan, Myanmar thông qua tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây (cả hai nhánh của tuyến hành lang này đều hợp với đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 1A)… tạo nên một giá trị khác biệt của Quảng Trị so với các địa phương khác ở miền Trung.
Nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, biết ơn những người con đã hy sinh vì Tổ quốc, những người đang sống phải làm việc và rèn luyện tốt hơn nữa để xứng đáng với những người đã khuất.
Xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị năng động, bền vững. Ảnh: tapchitaichinh.vn
Là người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng luôn trăn trở việc hiện tại Việt Nam không còn là quốc gia nghèo, nhưng vẫn còn chặng đường dài để tiến tới một quốc gia giàu mạnh. Bởi, chúng ta phải mất 25 năm đổi mới để đạt “đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp”, thì để trở thành một nước thu nhập trung bình cao và nước phát triển, có thể sẽ phải mất nhiều hơn thế. Làm thế nào để rút ngắn được thời gian này?
Đó là câu chuyện phát triển của đất nước, còn với riêng tỉnh Quảng Trị, người đứng đầu ngành KH&ĐT nhận định: Trong điều kiện hiện nay, tỉnh cần có sự nỗ lực, cố gắng rất lớn trong tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển các vùng kinh tế.
Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị là tiền đề rất quan trọng để địa phương phát triển. Nhưng điều quan trọng nhất, cùng với những chủ trương đúng đắn, phải có được những giải pháp thiết thực, hiệu quả trong đầu tư.
Với vai trò của mình, Bộ KH&ĐT luôn song hành với Quảng Trị trên con đường tìm kiếm cách thức thu hút đầu tư nhiều hơn vào Khu kinh tế Đông Nam, đường giao thông từ Mỹ Thủy lên Cửa khẩu La Lay, tìm ra các cơ chế đặc thù gắn với xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển một cách bài bản, lâu dài, tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Trước mắt, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng cần tìm kiếm các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, ưu tiên cho hệ thống giao thông và tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm và năng lực tài chính.
Cầu Thành Cổ vừa được thông xe vào ngày hôm qua (26/7), cùng với dự án tuyến tránh Quốc lộ 1, không chỉ tạo điều kiện bổ trợ về cơ sở hạ tầng cho sự phát triển đô thị của các địa phương, kết nối giao thông trên dòng sông lịch sử Thạch Hãn,… mà còn là biểu tượng của sự kết nối quá khứ và hiện tại, một sự khởi đầu mới bắt đầu từ ngày hôm nay.
“Quảng Trị bây giờ là Quảng Trị phát triển tươi đẹp nhất từ trước đến nay” - lời chia sẻ chân tình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với người dân Quảng Trị mới đây càng hun đúc thêm tinh thần nghĩa khí và khát vọng vươn lên của một vùng đất thấm đẫm tình đất và tình người.
Vùng đất lửa này ngày hôm nay đang hồi sinh từ khát vọng phát triển và lòng tri ân như thế. Nơi nào có trái tim, nơi ấy có con đường.
Phan Thị Thùy Trâm