Quảng Trị: 3 năm không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài
Tạo thói quen bật thiết bị giám sát hành trình
Giữa cái nắng chói chang của mùa hè 2023, tại cảng Cửa Việt, thuyền trưởng tàu cá Bùi Đình Dũng (trú tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) đang khẩn trương đưa những thanh đá lớn vào máy xay để chuẩn bị cho chuyến đi biển đầu vụ cá nam. Người đàn ông 48 tuổi này chia sẻ, trước đây ít quan tâm lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá. Nhưng nay tất cả các chuyến khai thác xa bờ tàu của ông đều lắp và bật thiết bị này. Đây là một trong những yêu cầu bắt buộc để tàu được cập cảng.
"Ngoài việc để cơ quan chức năng theo dõi, phát tín hiệu cảnh báo mỗi khi tàu chuẩn bị vượt sang vùng biển của nước bạn, thiết bị này còn giúp ngư dân trong các tình huống gặp tai nạn trên biển vì ngay trên thiết bị có loa cảnh báo bão, và nút bấm SOS mỗi khi tàu gặp sự cố", ông Dũng nói.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Việt kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá của ngư dân. |
Còn đối với chủ tàu cá Trần Quang Khải (33 tuổi, trú tại khu phố 7, thị trấn Cửa Việt) việc khai báo đầy đủ các thủ tục trước mỗi chuyến ra khơi, bật thiết bị giám sát hành trình 24/24 giờ và cam kết đánh bắt không xâm phạm vùng biển nước ngoài,… đã thành một thói quen.
Anh Khải tâm sự, từ khi được phổ biến những quy định về phòng chống khai thác IUU, anh đã bắt đầu ghi chép nhật ký đánh bắt, sản lượng để sẵn sàng đối chiếu và làm cơ sở để chủ vựa hay cơ quan chức năng kiểm tra. Việc ghi chép này giúp anh nắm được tình hình khai thác tăng hay giảm... thay vì như trước đây chỉ đưa cá vào cảng bán nhận tiền là xong.
Các ngư dân cho biết, tất cả tàu thuyền về cảng đều được Ban quản lý cảng và cán bộ Biên phòng tuyên truyền về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); hướng dẫn ghi chép nhật ký khai thác đúng quy định. |
"Trước khi đi biển, tôi phải chấp hành ký giấy tờ đầy đủ, cán bộ Biên phòng cho phép mới được rời bến. Khi cập bến thì phải báo trước khi vào Cảng một nửa tiếng trước, phải báo rõ phương tiện cập bến vào giờ nào, số phương tiện bao nhiêu, chiều dài chiều rộng thế nào, phương tiện đi bao nhiêu người, hoạt động làm nghề… Khi đi khai thác, mình phải ghi chép nhật ký sản lượng hàng ngày, được bao nhiêu khi tôm cá, bao nhiêu sản lượng; về nộp cho Cảng và Biên phòng đầy đủ" - anh Khải chia sẻ.
Chia sẻ về những câu chuyện vươn khơi, anh Khải cho hay, những ngư dân như anh trước kia chỉ nghĩ đơn giản ở đâu có cá nhiều thì đánh bắt nên nhiều khi khai thác sang ngư trường nước bạn. Bởi vậy, có những chuyến đi biển ngày trước, tàu của anh vô tình đi vào vùng biển nước ngoài và bị giữ lại đến gần một tháng.
“Thời điểm đó tôi cũng thiếu kiến thức nên mới vi phạm. Từ khi được tuyên truyền tôi đã hiểu làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, gây hại cho ngành thủy sản, chưa kể luật về khai thác của các nước bạn rất nghiêm, ngư dân có thể bị bắt, phương tiện bị tịch thu. Phía cơ quan chức năng Việt Nam khi phát hiện tàu cá khai thác trái phép, không gắn thiết bị giám sát thì cũng phạt rất cao nên ai cũng ý thức không được khai thác trái phép", anh Khải nói.
Trước khi ra khơi, chủ tàu cá phải hoàn thiện các thủ tục khai báo và ký giấy cam kết đánh bắt không xâm phạm vùng biển nước ngoài. |
Giúp ngư dân hiểu biết pháp luật trong khai thác thủy sản
Trạm kiểm soát Biên phòng Tân Lợi (Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Việt, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) hiện đang quản lý 179 tàu cá, trong đó có 157 tàu cá đánh bắt xa bờ. Thời gian qua, đơn vị đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chống khai thác IUU và các quy định trong Luật Biển, Luật Thủy sản để nâng cao nhận thức của ngư dân.
Theo báo cáo của Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, trong 3 năm qua, tỉnh không có tàu cá nào có chiều dài từ 15 m trở lên trên địa bàn tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài. Tỉ lệ đăng ký đăng kiểm tàu cá, cấp phép tàu cá được nâng lên trên 97%. Tỉ lệ tàu cá có chiều dài trên 15 m lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 95,8%. Cập nhật cơ sở dữ liệu tàu cá vào hệ thống VNfishbase (ứng dụng cơ sở dữ liệu nghề cá Quốc gia) đạt 100%... |
Thiếu tá Võ Khắc Hoàn, Trạm phó Trạm kiểm soát Biên phòng Tân Lợi, cho biết: "Đơn vị đã tổ chức tuyên truyền tập trung tại các cái hội nghị. Hằng năm, đồn cũng chủ động cấp phát những tờ rơi liên quan đến phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, thống kê cũng đã cấp phát gần 750 tờ rơi tuyên truyền. Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Việt cũng phân công các tổ kết hợp việc tuần tra kiểm soát với hướng dẫn, tuyên truyền cho bà con làm các thủ tục tại cảng cá, chấp hành khai báo và cập cảng cá theo chỉ định".
Theo Thiếu tá Võ Khắc Hoàn, thời gian qua, các ngư dân, chủ tàu thuyền đều chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong vấn đề gỡ thẻ vàng IUU. Tất cả các tàu cá 100% đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Trạm kiểm soát Biên phòng Tân Lợi hiện cũng đang đơn vị hiện có quản lý 13 tổ tự quản. Theo đó, các thành viên trong tổ đã hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong các sự cố xảy ra trên biển, cùng nhau phát triển kinh tế và cùng chung tay để chống khai thác IUU.
Một buổi tuyên truyền về chống khai thác IUU và các quy định trong Luật Biển, Luật Thủy sản cho ngư dân của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Việt. |
Thiếu tá Võ Khắc Hoàn nhấn mạnh, tất cả các tàu cá trước khi rời bến đều phải thực hiện khai báo thủ tục đầy đủ và cho bà con ký cam kết chấp hành quy định của pháp luật khi khai thác trên biển và không khai thác bất hợp pháp trên vùng biển nước ngoài. Cùng với đó, các tàu cũng được kiểm tra chặt chẽ về trang thiết bị, máy móc. Nếu tàu nào không đủ tiêu chuẩn sẽ không được ra khơi.
"Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm việc kiểm soát tàu thuyền ra khơi, mặt khác sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương để tăng cường công tác tuyên truyền cho bà con.", Thiếu tá Võ Khắc Hoàn nói thêm.
Hiện thực hóa các mục tiêu trong khai thác, quản lý tài nguyên biển Ngày 3/4/2023, Chính phủ ban hành "Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050", với nhiều mục tiêu quan trọng. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai các giải pháp trọng tâm, trọng điểm nhằm hiện thực hóa các mục tiêu mà Chiến lược đã đề ra. |
Việt Nam làm việc với Ủy ban châu Âu về vấn đề khai thác IUU Trong hai ngày (6 - 7/7), Đoàn công tác kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã sang làm việc với Tổng vụ các vấn đề về biển và thuỷ sản của Uỷ ban châu Âu (DG-MARE) về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Hai bên cơ bản đã đạt được đồng thuận và phía bạn cũng nhất trí với những kết quả và xử lý mà Việt Nam đã tiến hành. |