Quảng Ninh: Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội tới năm 2025 đã về đích sớm
Đây là kết quả được Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh công bố tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, đánh giá kết quả 3 năm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Hội nghị do UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức sáng ngày 10/4, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Điều kiện sống và thu nhập được cải thiện
Theo ông Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, dù quãng thời gian thực hiện các mục tiêu của chương trình mới được 3 năm, nhưng công tác triển khai tới nay đã đem lại nhiều kết quả khả quan.
Cụ thể, sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong số 25 chỉ tiêu cụ thể thuộc 10 nhóm mục tiêu đến năm 2025, đến nay có 11 chỉ tiêu vượt, 09 chỉ tiêu đã đạt, như: nhóm chỉ tiêu về tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm; không còn nhà ở tạm, nhà ở dột nát; đến hết năm 2022 không còn địa bàn đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới; trên 99% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; duy trì 100% số hộ dân trên địa bàn được sử dụng điện an toàn từ các nguồn và nâng cao chất lượng điện; trên 95% người dân được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật…
Tới nay, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Quảng Ninh đặt ra tới năm 2025 đã được hoàn thành (Ảnh: H.M). |
Những kết quả trên đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế xã hội trong tỉnh. Theo đó, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế GRDP giai đoạn 2021-2023 trung bình đạt 5,16%. Tính đến năm 2023, thu nhập bình quân người dân đã đạt trên 73 triệu đồng/người/năm, tăng 1,7 lần so với năm 2020, cao hơn khoảng 2,8 lần so với mục tiêu chung đến năm 2025 của cả nước về nâng mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số.
Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế liên tục tăng từ 92% trong năm 2018 lên trên 95% trong năm 2022, đạt 95,3% vào năm 2023. Tỷ lệ xã, phường, thị trấn duy trì đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế đạt 100%. Tỷ lệ dân số được quản lý bằng hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 94,3% dân số trên địa bàn tỉnh.
Tới hết năm 2023, 100% số xã miền núi của Quảng Ninh đã có đường ôtô đến tận thôn, bản; 100% xã thuộc khu vực miền núi, biên giới, hải đảo có điện lưới quốc gia; 100% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia; 100% hộ đã có nhà ở kiên cố; 100% hộ đồng bào được xem truyền hình, được nghe đài phát thanh.
Cũng trong 3 năm qua, gần 1.300 nhà ở dành cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được xây mới, sửa chữa, với tổng kinh phí huy động trên 78 tỷ đồng. Riêng năm 2023, toàn tỉnh đã xây dựng, sửa chữa 527 nhà theo chương trình xóa nhà ở tạm, nhà dột nát, vượt kế hoạch 441 hộ.
Cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực
Tại Hội nghị, ông Y Vinh Tơr - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - đánh giá cao các mục tiêu, giải pháp và kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU và các chương trình mục tiêu quốc gia từ nay đến hết nhiệm kỳ của tỉnh Quảng Ninh.
Ông Y Vinh Tơr - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - đánh giá cao những kết quả triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU của Quảng Ninh (Ảnh: H.M). |
Trong thời gian còn lại của giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Y Vinh Tơr lưu ý tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện và xác định giải pháp cụ thể để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết số 06-NQ/TU gắn với hoàn tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu của các chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo đó, tỉnh cần quan tâm đến chỉ tiêu về tăng thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn và thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Đặc biệt cần quan tâm ưu tiên, bố trí nguồn lực cho giai đoạn năm 2024-2025, nhân rộng các điển hình tiêu biểu trong thực hiện các phong trào thi đua thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện các chính sách dân tộc.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh, kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU là thành quả tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó quan trọng nhất là các quyết sách cùng nhiều chủ trương về cơ chế, chính sách cụ thể hoá đã phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và quy định của Trung ương.
Từ nay tới hết nhiệm kỳ Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, toàn tỉnh đặt mục tiêu nỗ lực, quyết tâm, củng cố thành quả xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu bền vững gắn với đô thị hóa với nhiều chỉ tiêu, như: tới hết năm 2024 không còn hộ nghèo, giảm 50% số hộ cận nghèo theo tiêu chí của tỉnh; đến 2025 thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đạt trên 100 triệu đồng/người/năm; hết năm 2025 không còn hộ cận nghèo, để tiếp tục xây dựng chuẩn nghèo mới phù hợp với trình độ phát triển của tỉnh…
16/18 chỉ tiêu giảm nghèo bền vững và nông thôn mới đã hoàn thành Kết quả thực hiện các mục tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: Đạt 5/7 mục tiêu đặt ra của Quyết đinh số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ giao đến hết năm 2025, có 2/7 mục tiêu đang thực hiện đạt ở mức cao. Kết quả thực hiện các mục tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: Hoàn thành 11/11 chỉ tiêu của Trung ương tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ và của Tỉnh tại Kế hoạch số 190/KH-UBND ngày 27/7/2023 của UBND tỉnh đề ra đến hết năm 2025. |
Quảng Ninh: Tăng cường làm sạch môi trường Vịnh Hạ Long, thu hút du khách dịp đầu xuân Từ đầu năm 2024 đến nay, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã triển khai 19 đợt giám sát bảo vệ môi trường. Qua đó, lượng phao xốp và rác trên Vịnh Hạ Long đã cơ bản được thu gom sạch, đảm bảo môi trường và cảnh quan vùng biển, đảm bảo công tác phục vụ khách tham quan du lịch Vịnh. |
Sau 10 năm hoạt động, giải quyết số thủ tục hành chính tăng gấp 10,4 lần Giai đoạn 2014-2023, số thủ tục hành chính tiếp nhận và giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh đã tăng gấp 10,4 lần. Cùng với đó chất lượng giải quyết thủ tục hành chính không ngừng được nâng lên, góp phần đánh kể vào cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và phục vụ người dân, doanh nghiệp. |