Quảng Ngãi ghi nhận 1 trường hợp tử vong vì bệnh bạch hầu
Cụ thể, đó là trường hợp em Đinh Văn H., 14 tuổi, xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây. Em H. phát bệnh từ ngày 8/3, đến ngày 13/3 được chuyển điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi và sau đó chuyển cấp cứu điều trị tại bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.
Triệu chứng điển hình của bệnh bạch hầu là giả mạc hai bên thành họng có màu trắng ngà
Tuy nhiên, do bệnh diễn tiến nặng nên H. đã tử vong hôm 18/3 với chẩn đoán bạch hầu họng. Mẫu xét nghiệm gửi tới Viện Pasteur Nha Trang cũng cho kết quả dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Ngay sau khi ghi nhận trường hợp đầu tiên tử vong do bệnh bạch hầu, Sở Y tế Quảng Ngãi đã có văn bản khẩn đề nghị Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây triển khai công tác khoanh vùng và xử lý ổ bệnh, hạn chế thấp nhất sự lây lan trong cộng đồng.
Được biết, bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nhiễm độc cấp tính do trực khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheria) gây ra. Nó lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp, qua dịch tiết của người bệnh.
Bệnh khởi phát với các dấu hiệu sốt nhẹ, đau họng, ho, nói khàn tiếng, chán ăn. Triệu chứng điển hình là giả mạc hai bên thành họng có màu trắng ngà, dai, dính, khi bóc dễ bị chảy máu nên được gọi là “bạch hầu”. Bệnh có thể có những biến chứng nặng như gây tắc nghẽn đường hô hấp, viêm cơ tim, thoái hóa thận, hoại tử ống thận…, thậm chí dẫn tới tử vong.
Cách tốt nhất để chủ động phòng bệnh bạch hầu là tiêm chủng theo lịch Tiêm chủng mở rộng quốc gia bằng các vắc xin có thành phần bạch hầu như Quinvaxem, DPT (vắc xin của chương trình Tiêm chủng mở rộng) hoặc các loại vắc xin khác như Infanrix Hexa, Pentaxim…
Hải Yến