Quảng Ngãi: Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 2 cùng người dân thu gom rác tại cửa biển Sa Cần
Cửa biển Sa Cần là đoạn cuối cùng của dòng sông Trà Bồng giữa hai xã Bình Thạnh và Bình Đông (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) trước khi đổ ra biển lớn. Đây cũng là nơi neo đậu hàng trăm chiếc tàu thuyền lớn nhỏ.
Sa Cần là bãi đáp của 4 nguồn rác chính: Rác từ người dân sống ven hai bên bờ cửa Sa Cần thải ra; rác từ biển tấp vào; rác người dân hai bên lưu vực sông Trà Bồng trôi về; rác thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp và dịch vụ (nuôi cá, nuôi tôm, nhà hàng nổi, dịch vụ hậu cần nghề cá, rác thải nông nghiệp) theo các kênh mương chảy ra sông Trà Bồng...
Suốt 2 thập niên qua, Sa Cần đã “ăn sống” một lượng rác thải lớn đến hàng trăm tấn, những lớp rác thải sinh hoạt của người dân cứ thế chồng lên nhau từ năm này qua năm khác, không thể phân hủy. Việc này, không chỉ ảnh hưởng đến cảnh quan của vùng cửa biển đầy tiềm năng về du lịch, mà còn ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây.
Theo một số người dân, trước kia vùng này vẫn còn rất hoang sơ và sạch sẽ. Nhưng sau khi những bờ chắn sóng được xây dựng để hạn chế xâm thực nước biển thì mới bắt đầu có những lượng rác đổ về không trôi được ra biển đã tấp vào cửa biển Sa Cần.
Chính vì vậy, trước thực trạng trên chiều 13/7, hơn 700 đoàn viên Thanh niên, bộ đội biên phòng, cán bộ cảnh sát biển hải đoàn 23 (Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 2), chính quyền địa phương và nhân dân trong xã ra quân thu gom rác thải dọc vùng cửa biển Sa Cần thuộc thôn Sơn Trà.
Việc ra quân dọn dẹp cửa biển được thực hiện, nhằm giải cứu cửa biển Sa Cần khỏi ô nhiễm (Ảnh: Báo Tiền Phong). |
Các chiến sĩ bộ đội biên phòng và các chiến sĩ cảnh sát biển Hải đoàn 23 (Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 2) tham gia dọn sạch bờ biển (Ảnh: Báo Tiền Phong). |
Hành động dọn rác của người dân minh chứng cho việc, họ đã ý thức được sự ô nhiễm môi trường từ rác thải nơi mà họ sinh sống và đã cùng nhau hưởng ứng phong trào “chống rác thải nhựa” của cả nước (Ảnh: Báo Tiền Phong). |
Rác đóng dày từng lớp nằm ủ dưới cát, phải dùng xe đào để cào rác từ dưới lớp cát lên, dày chừng nửa mét, chủ yếu là rác thải nhựa, túi nilon... (Ảnh: Báo Tiền Phong). |